Chủ nhật ngày 14.10.2012
Lời dẫn: Công cuộc tranh đấu để dân chủ hoá đất nước tuy đa diện, nhưng tựu trung, trong bản chất, là cuộc tranh đấu để xây dựng một trật tự xã hội chân chính, trong đó lá phiếu của mỗi người công dân Việt Nam phục hồi được sức mạnh và giá trị chân thực của nó. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của GS Nguyễn Thanh Trang Dụng với tựa đề: "Sức Mạnh của Lá Phiếu Tại Hoa Kỳ" sẽ được Vân Hà trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trong một nước có dân chủ thật sự như Hoa Kỳ, mọi lá phiếu của các cử tri đều có giá trị bình đẵng tuyệt đối, bất luận lá phiếu ấy là của một ông tỷ phú, một người có quyền thế nhất nước như Tổng Thống hay của một người thất nghiệp, một công nhân hay một anh binh nhì. Mọi lá phiếu đều có giá trị tuyệt đối như nhau, bất kể màu da, chủng tộc và tôn giáo hay giới tính của cử tri.
Tham gia bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đã có các định chế dân chủ vững chắc trên hai trăm năm nay. Chính quyền thật sự là của dân, do dân và vì dân, chứ không phải chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền, dối trá như dưới chế độ Cộng Sản độc tài tại Việt Nam. Những người đứng ra lãnh đạo Hoa Kỳ đều là công bộc của dân và do dân tín nhiệm bầu chọn một cách công bằng và dân chủ. Nếu sau khi đắc cử, họ tỏ ra kém cỏi hoặc không giữ lời hứa, người dân sẽ cho họ về vườn trong cuộc bỏ phiếu lần tới.
Sức mạnh của nền dân chủ xứ nầy có được là nhờ dân trí và ý thức trách nhiệm của mọi người. Đa số dân Mỹ đều tích cực tham gia các cuộc bầu cử. Họ trực tiếp tham dự các cuộc vận động tranh cử, đọc các bản tin và bài báo để tìm hiểu lập trường cũng như chương trình hành động của các ứng cử viên. Ngoài ra, họ cũng theo dõi rất kỹ các sinh hoạt tại Đại Hội của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ cũng như các buổi tranh luận trên T.V giữa các ứng cử viên Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Theo đài truyền hình CNN, sẽ có chừng 50 triệu người Mỹ theo dõi mỗi cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng Thống Obama và Romney trong năm 2012.
Quyền Bầu Cử tại Hoa Kỳ
Theo luật lệ hiện hành, ai cũng có quyền tham gia bầu cử hoàn toàn tự do và miễn phí
nếu hội đủ các điền kiện tối thiểu sau đây: là một công dân Hoa Kỳ từ 18 tuổi trở lên tính
đến ngày bầu cử, không ở trong tù và không bị tòa phán quyết là mất trí và đã ghi danh
bầu cử ít nhất 15 ngày trước ngày bầu cử.
Nếu bạn đã thay đổi dịa chỉ sau kỳ bầu cử trước thì bạn cần thông báo cho cơ quan bầu
cử sở tại chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử. Nếu bận rộn công việc hay bất cứ vì lý
do nào khác và không muốn đến phòng phiếu để bầu, bạn có quyền bầu cử bằng thư. Ít
nhất là một tuần ngày bầu cử, bạn phải gọi điện thoại hay gởi thư yêu cầu cơ quan tổ
chức bầu cử sở tại gởi mẫu phiếu thẳng về nhà cho bạn. Trong trường hợp nầy, bạn khỏi
lo các khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng và không quen thủ tục bầu cử tại Mỹ, vì bạn có thể
nhờ thân nhân, con cháu hay bạn bè giảng giải sang tiếng Việt và giúp bạn hoàn thành
việc bỏ phiếu bằng thư một cách thong thả, dễ dàng.
Một Lá Phiếu Cũng Có Thể Thay Đổi Kết Quả Bầu Cử
Nhiều người, trong đó có một số người Mỹ gốc Việt đã từng trải kinh nghiệm bầu cử
theo lối "Đảng chọn dân bầu" của Cộng Sản Việt Nam, họ hay coi thường giá trị của
lá phiếu. Có người còn nghĩ, dù mình có đi bầu hay không, kết quả bầu cử cũng chẳng có
gì thay đổi. Điều đó có lẽ không sai đối với các cuộc bầu cử dưới chế độ Cộng Sản độc
tài, nhưng đối với một đất nước có dân chủ thật sự như Hoa Kỳ thì lá phiếu là tiếng nói
của người dân. Nó có một giá trị và sức mạnh rõ rệt.
Thay vì phải mất thì giờ để chứng minh về sức mạnh của một lá phiếu, chúng tôi sẽ lần
lược nêu lên sau đây ít nhất đã có 9 trường hợp, chỉ cần hơn một lá phiếu đã tạo được kết
quả thắng bại làm thay đổi cục diện của lịch sử Hoa Kỳ.
1. Năm 1776, với chỉ hơn một phiếu, Hoa Kỳ đã chọn tiếng Anh thay vì tiếng Đức làm quốc ngữ.
2. Năm 1899, trong một cuộc bầu cử Tổng Thống, hai ứng cử viên Thomas Jefferson và Aaron Burr có tổng số phiếu của Cử Tri Đoàn bằng nhau. Sau đó các Dân Biểu Quốc Hội đã bỏ phiếu chọn lựa. Kết quả, Thomas Jefferson đã hơn Aaron Burr một phiếu và trở thành Tổng Thống thứ ba của Hoa Kỳ.
3. Năm 1824, có bốn ứng cử viên tranh cử Tổng Thống, nhưng không có ứng viên nào đạt đủ đa số phiếu của Cử Tri Đoàn. Các Dân Biểu lại bỏ phiếu, và lần nầy John Quincy Adams thắng Andrew Jackson một phiếu và trở thành Tổng Thống thứ sáu của Hoa Kỳ, mặc dầu trước đó trong cuộc phổ thông đầu phiếu, ông Andrew Jackson có số phiếu cao hơn.
4. Năm 1845 Texas được thâu nhận trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ nhờ số thuận cao hơn số chống một phiếu.
5. Năm 1846, với một phiếu thuận cao hơn số chống, Thượng Viện Hoa Kỳ đã tán thành đề nghị của Tổng Thống Polk là Hoa Kỳ chính thức tuyên chiến với Mexico.
6. Năm 1850, với số thuận cao hơn số chống một phiếu, California đã được chính thức trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ.
7. Năm 1859, cũng với một phiếu thuận cao hơn phiếu chống, Oregon được gia nhập liên bang Hoa Kỳ.
8. Năm 1867, Hoa Kỳ đã mua đất Alaska của Nga hoàng sau khi được Thương Viện thông qua với tổng số phiếu thuận cao hơn phiếu chống là một phiếu.
9. Năm 1920, Tu Chánh Án thứ 19 về quyền bầu cử của phụ nữ đã được Thượng Viện tiểu bang cuối cùng là Tennessee phê chuẩn với tổng số phiếu thuận cao hơn tổng số phiếu chống một phiếu. Nhờ đó, Tu Chánh Án thứ 19 đã trở thành chính thức, xác nhận phụ nữ Hoa Kỳ cũng có quyền bầu cử.
Những Bài Học Cụ Thể
Tóm lại, sau khi tìm hiểu về sức mạnh của lá phiếu tại Hoa Kỳ, chúng ta có thể rút ra được ít nhất hai nhận xét và bài học quan trọng sau đây.
1. Lá phiếu của mỗi cử tri tại Mỹ rất quan trọng và có giá trị bình đẵng tuyệt đối. Trong lịch sử của nước nầy, đã có rất nhiều trường hợp, chỉ hơn thua một phiếu duy nhất cũng trở thành lá phiếu quyết định thắng hay bại.
Mỗi lần chúng ta tiếp xúc với các vị dân cử Hoa Kỳ để nhờ họ giúp đỡ, như thỉnh cầu Tổng Thống đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (quốc gia cần quan tâm dặc biệt vì đàn áp tôn giáo) hoặc vận động Quốc Hội thông qua Dự Luật Nhân Quyền, họ thường hỏi chúng ta có bao nhiêu cử tri? Và có bao nhiêu người đi bầu? Như thế đủ biết chúng ta càng có nhiều phiếu thì tiếng nói của cộng đồng càng mạnh là vì thế.
2. Tham gia bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân xứ nầy. Chúng ta nên ý thức rằng, sở dĩ ngày nay chúng ta hưởng được những quyền nầy là do sự tranh đấu không ngừng của rất nhiều người Mỹ, trải qua hơn hai trăm năm, trong đó có sự góp phần tích cực của người Mỹ da đen, các phụ nữ cũng như thanh niên sinh viên.
Vì quyền lợi của cá nhân và cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng như vì công cuộc vận động Nhân Quyền và Dân Chủ cho quê hương Việt Nam, chúng ta phải rũ nhau ghi danh và đi bầu thật đông. Đây là một việc làm tương đối dễ dàng nhưng rất cụ thể và hữu hiệu mà ai cũng có thể làm được.
(NTT, October 2012)
GS Nguyễn Thanh Trang.
No comments:
Post a Comment