Sunday, March 3, 2024

Ngẫm chuyện xưa mà sợ chuyện nay

Bình Luận

CSTQ đã xâm lấn Việt Nam năm 1979. Khi Bắc Kinh xâm lấn Việt Nam lần thứ nhì, thì số phận của CSVN sẽ vô cùng hẩm hiu vì với sách lược quốc phòng 4 không, họ không hề có đồng minh như Ukraine, Phi Luật Tân, Đài Loan, Nhật Bổn hay Nam Hàn.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Lâm Công Tử/ Người Việt với tựa đề: “Ngẫm chuyện xưa mà sợ chuyện nay sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Lâm Công Tử

Nếu một người nào đó được hỏi ngày 17 Tháng Hai là ngày gì, công tử tôi chắc đến 80% rằng ít người biết chính xác câu trả lời, nếu là người miền Nam; còn nếu người được hỏi ở hải ngoại dưới 30 tuổi thì con số ấy sẽ lên tới 95%.

Vì đó là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra vào năm 1979, cách đây 45 năm, khiến hơn 60,000 người dân lẫn bộ đội bỏ mạng khi Trung Quốc xua quân sang “dạy cho Việt Nam” một bài học, nói theo ngôn ngữ của Đặng Tiểu Bình.

Cuộc chiến ấy là bài học mà Bắc Kinh cho rằng Hà Nội phản phúc khi vất bỏ mọi sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong cuộc chiến Việt Nam, trong đó quân nhu, quân dụng lẫn khí tài và xương máu của người phía Bắc. Cuộc chiến tranh nổ ra trong bối cảnh Việt Nam ngả hẳn về phía Liên Xô mặc dù Trung Quốc là nước sát biên giới Việt Nam hơn và trong lúc hai nước Xô-Trung đang gầm gừ nhau sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh giành ý thức hệ, Việt Nam đứng giữa ngã ba đường nhưng lại chọn theo phe Liên Xô, quyết định này làm ngòi nổ cho cuộc chiến vốn đã manh nha từ vài năm trước.

Nguyên nhân thứ hai, Việt Nam đã đem quân sang đánh Khmer Đỏ, lực lượng mà Trung Quốc lập ra nhằm khống chế Đông Dương và Việt Nam. Việt Nam đánh Khmer Đỏ là đúng nhưng cái nọc đã chạm vào tim Bắc Kinh khi Hà Nội cả gan xâm phạm quyền lợi của Trung Quốc trên lãnh thổ Cambodia.

Nguyên nhân thứ ba, Đặng Tiểu Bình muốn quân đội của mình chạm trán với một đội quân hùng hậu và kinh nghiệm bậc nhất khu vực nhằm tìm ra những điểm yếu của quân đội mình để lập kế hoạch cải thiện guồng máy phục vụ chiến tranh trong tương lai. Ý đồ này đã thành công sau này khi đội quân PLA ngày càng nổi tiếng và được xem là hùng mạnh chỉ sau Hoa kỳ.

Ai cũng biết sau cuộc chiến ấy là một chuỗi đi đêm giữa Hà Nội và Bắc Kinh nhằm khôi phục lại cái gọi là “sự quan hệ sống còn giữa hai đảng.” Bắc Kinh nắm tay Hà Nội dẫn dắt người đàn em nay đã tỉnh ngộ “thái độ cộng sản” với đàn anh khi mà Bắc Kinh không bao giờ muốn buông tay đối với kẻ từng phản bội mình.

Cứ nghĩ đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 thì Việt Nam lại rùng mình vì vậy tuyên bố “bốn không” nhằm yên tâm đàn anh là giải pháp có lợi trước mắt nhưng cái hại về lâu dài không thể tránh khỏi.

Có lẽ từ ám ảnh đó Việt Nam đã chịu đựng bị Trung Quốc dẫn mũi nhiều chục năm qua và nguy cơ Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn khiến Việt Nam nảy ra chính sách “ngoại giao cây tre” tức là nghiêng ngả theo chiều gió, uyển chuyển và thích nghi với từng hoàn cảnh nhằm bảo vệ đảng, xin nhấn mạnh, bảo vệ đảng chứ không phải bảo vệ đất nước, trong chính sách mới này cho phép Hà Nội nhích lại gần Washington hơn và cuối cùng là ký kết “Đối tác chiến lược toàn diện” với nước Mỹ.

Nếu ngẫm nghĩ sâu xa hơn chúng ta ắt không khỏi không lo sợ. Ngày xưa Việt Nam chỉ ngả theo Liên Xô một chút thì Trung Quốc đánh vỗ mặt liền. Còn ngày nay trong khi Trung Quốc và Mỹ đang gầm gừ nhau trên Biển Đông, trên vấn đề Đài Loan và ngay cả trên cái thế bá chủ thế giới vậy hoàn cảnh có khác gì lúc trước hay không?

Khác mà không khác. Khác vì cục diện thế giới không còn như xưa khi một nước mang quân xâm lăng nước khác sẽ bị toàn thế giới lên án, vì vậy Trung Quốc đánh Việt Nam trong vòng một tháng liền rút quân ngay vì sợ lên án, nhất là Mỹ. Ngày nay thế giới tỏ ra bất lực trước vấn đề này khi Nga công khai xua quân đánh Ukraine lại còn cứng miệng trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, thì một nước mạnh như Trung Quốc hiện nay lặp lại câu chuyện năm 1979 không hề khó hiểu, khi họ lo sợ Hà Nội rơi hẳn vào bàn tay của Mỹ mà chống lại Bắc Kinh.

Khi Việt Nam quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ là lúc Trung Quốc lo sợ cho vị thế của mình. Vị trí địa chiến lược của Biển Đông mà Trung Quốc quyết tâm khống chế nếu rơi vào tay Mỹ với sự ủng hộ ngầm của Việt Nam chắc chắn là vấn đề mà Trung Quốc phải nghĩ tới. Càng nghĩ thì lập luận “dạy cho Việt Nam một bài học thứ hai” lại càng rõ nét.

Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam năm 1979 để quân đội của mình rút kinh nghiệm chiến trường thì cuộc chiến ngắn ngày sắp tới giữa Trung Quốc và Việt Nam là cuộc chiến dùng để thử nghiệm vũ khí của Tập Cận Bình.

Ai cũng biết Bắc Kinh đang chạy đua vũ trang với Mỹ nhưng lại thiếu kinh nghiệm và thiếu các thử nghiệm tính chính xác của nhiều loại vũ khí, nhất là các loại hỏa tiễn tầm xa. Chỉ có cách thử nghiệm trên chiến trường thì các thông số của loại vũ khí ấy mới chính xác. Hỏa tiễn Dongfeng-41 mạnh nhất của Trung Quốc được xếp thứ bảy trên thế giới, nếu bắn vào Hà Nội sức công phá của nó có thể làm biến mất 1/4 thủ đô Việt Nam trong hơn 20 phút, trong khi Hà nội chưa có một loại lá chắn nào bảo vệ.

Sở dĩ Bắc Kinh dám bắn vào Hà Nội vì họ biết Mỹ sẽ bó tay đứng nhìn mà không thể làm gì hơn. Với một cuộc thử nghiệm vũ khí như thế quốc tế không thể làm gì khác hơn đã làm với Ukraine, tiếc rằng bên cạnh Việt Nam không có một liên minh EU mà Mỹ thì vỏn vẹn chỉ là “Đối tác chiến lược toàn diện” không hơn không kém.

Mỹ chỉ can thiệp một cách trực tiếp khi Việt Nam như Nhật, Hàn, Phi có hiệp ước đồng minh với Mỹ; còn Hà Nội, khi mà chính sách “bốn không” do Bắc Kinh giật dây còn sờ sờ ra đó thì không còn cách nào khác: Cuộc chiến 17 Tháng Hai sẽ được lặp lại

No comments:

Post a Comment