Tuesday, March 19, 2024

Phó Thủ Tướng thừa nhận: Cơ chế nặng nề, xử lý kém

Bình Luận
Bộ máy cai trị của CSVN cũng như các quốc gia cộng sản khác, to lớn, cồng kềnh, thiếu hiệu năng và tham nhũng tận răng. Bao lâu mà đảng CSVN còn toàn trị trên đất nước thì đảng và chính quyền tiếp tục là trở ngại lớn nhất cho công cuộc phát triển quốc gia. Chỉ có một cuộc cách mạng, lật đổ độc tài và cải tổ toàn bộ guồng máy chính quyền, mới có thể vực dậy nền kinh tế quốc gia và cứu vãn dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Dân Trần, trích từ Việt Nam Thời Báo với tựa đề: “Phó Thủ Tướng thừa nhận: Cơ chế nặng nề, xử lý kém sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Dân Trần

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025. Tại đây ông Quang thừa nhận: “So sánh với các quốc gia trên thế giới, đúng là bộ máy của chúng ta nặng nề thật. Chính vì vậy, chúng ta khó tăng lương cho mọi người, mặt khác vì đông người nên có nhiều ý kiến, chúng ta khó làm cho hiệu quả”.

Dự kiến cả nước sẽ giảm 14 huyện và 619 xã, phường sau khi thực hiện sáp nhập. Ông Quang cho rằng việc tinh giảm biên chế sẽ đụng chạm đến các địa phương, đụng chạm đến chế độ chính sách của rất nhiều người.

Bộ máy hành chính hiện nay được đánh giá là rất rườm rà với nhiều phòng ban, vị trí không cần thiết. Tuy nhiên, để vào được biên chế thì người cán bộ cũng phải chung chi rất nhiều tiền bạc, của cải, thậm chí phải đổi chác bằng tình cảm, xác thịt mà chính các lãnh đạo đảng cũng thừa biết điều đó. Cho nên, nếu muốn rút gọn, tinh giảm thì sẽ khiến nhiều người “tâm tư”.

Như ông Quang nói, cán bộ đông thì lương không cao được, mà lương thấp thì làm sao cán bộ đủ sống? Không đủ sống thì lại dẫn tới tham nhũng, tiêu cực. Nhân tài không muốn vào Nhà Nước làm việc, mà chỉ toàn nhân tai muốn vô biên chế để tìm cách tham nhũng, hối lộ…

Không chỉ nặng nề bởi số lượng cán bộ khổng lồ, không cần thiết, bộ máy hành chính hiện nay còn nặng nề với rất nhiều quy định phức tạp, thủ tục lằng nhằng. Kèm theo đó là việc thiếu hiệu quả trong năng lực cán bộ, năng lực quản lý, dẫn tới tình trạng quá tải, làm thiếu linh hoạt trong xử lý các vấn đề hành chính.

Cơ chế quản lý không linh hoạt thì dẫn tới quan liêu, tiêu cực. Cán bộ thăng tiến bằng tiền và các mối quan hệ cá nhân hơn là năng lực và thành tích. Sự thiếu minh bạch, kiểm soát yếu kém và hệ thống phạt lỏng lẻo tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tham nhũng, gây hậu quả nặng nề cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Câu chuyện bộ máy nặng nề, dẫn tới thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu, tham nhũng, hối lộ có lẽ đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là sau lần sáp nhập này thì có tách ra lại không?

“Cứ vài năm lại sáp nhập với lý do tinh gọn bộ máy, rồi vài năm lại tách ra vì địa bàn rộng quá xử lý chậm. Chuyện hợp rồi tan của các đơn vị hành chính Việt Nam cũng giống như chuyện đổi thẻ căn cước của bộ công an vậy. Vô cùng rắc rối và tốn kém cho người dân. Vì mỗi lần đổi tên xã phường, sáp nhập là người dân phải sửa lại giấy tờ, từ căn cước, địa chỉ nhà, địa chỉ công ty, và muôn vàn thủ tục rườm rà khác”. Chị T.N., một người dân ở Sài Gòn nói với phóng viên VNTB.

“Nhà nước tùy tiện sáp nhập rồi tách nhỏ các cơ quan hành chính mà không hỏi ý kiến người dân, chẳng những cho thấy sự phi dân chủ mà còn cho thấy bộ não ngắn hạn của các lãnh đạo. Cái tư duy nhiệm kỳ đã ăn sâu vào máu của các cán bộ cộng sản Việt Nam. Họ không tôn trọng người dân, không có tầm nhìn mà chỉ nghĩ những cái trước mắt có lợi cho họ. Bây giờ Phó Thủ Tướng thừa nhận là bộ máy nặng nề, nhưng cách xử lý thì loay hoay không biết phải làm sao, thì tốt nhất là các vị nên từ chức. Muốn tốt cho đất nước thì đảng cộng sản chỉ cần trao lại quyền tự chủ cho người dân để dân bầu ra người đủ năng lực gánh vác trọng trách quốc gia. Còn cứ tình hình này thì bộ máy cứ nặng nề mãi thôi”. Anh H.B., một nhà vận động dân chủ nói với phóng viên VNTB./.

No comments:

Post a Comment