Wednesday, March 13, 2024

Đằng sau vụ án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan

Bình Luận

Nếu không có đảng CSVN và những bố già trong bộ chính trị, sẽ không có những tệ nạn tham nhũng hằng chục tỷ Mỹ Kim, trong một quốc gia nghèo khổ như Việt Nam.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân, trích từ Người Việt với tựa đề: “Đằng sau vụ án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân/Người Việt 

Sáng ngày 5 Tháng Ba, người dân mắt tròn mắt dẹt nhìn đoàn xe bịt bùng hàng chục chiếc nối đuôi nhau chở các bị can của vụ đại án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan từ trại tù ở Củ Chi tới tòa án ở trung tâm Sài Gòn để dự phiên tòa được mong đợi từ lâu. “Đoàn xe tù dài nhất từ trước tới nay,” một người dân Sài Gòn nhận xét trên mạng xã hội. Không chỉ có đoàn xe tù dài nhất, vụ án này còn nhiều kỷ lục khác cho thấy sự thối nát trong nền kinh tế chính trị Việt Nam là hết sức khủng khiếp.

Truyền thông trong nước đưa tin ngoài chính phạm Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vụ án còn có thêm 85 bị cáo bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 

 

Hồ sơ của vụ án nặng tới 6 tấn, gần 1 triệu bút lục (bản khai) đóng thành 2,500 tập đựng trong 104 thùng lớn giữ trong một phòng riêng có camera giám sát đề phòng bị phá hủy. Riêng bản cáo trạng do Viện Kiểm Sát lập đã dài tới 160 trang và ngày đầu tiên của phiên tòa, kiểm sát viên chỉ mới đọc được 43 trang. Phiên tòa dự tính diễn ra gần hai tháng, có thể kết thúc ngày 29 Tháng Tư.

 

Nhưng đáng nể nhất là “thành tích” của bà Lan và nhóm bị cáo tay chân của bà ta. Trong hơn 10 năm, từ khi thâu tóm ba ngân hàng nhỏ và lập ra ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB) năm 2012 đến lúc bị bắt vào Tháng Mười, 2022, bà Trương Mỹ Lan đã kịp rút của SCB 1,066,000 tỷ đồng, tương đương $43.94 tỷ.

Số tiền khổng lồ này, nhiều hơn tổng tài sản của năm người giàu nhất Việt Nam cộng lại, được bà Lan và tay chân sử dụng để thâu tóm bất động sản cả ở trong nước và nước ngoài, hối lộ các quan chức và tiêu xài vương giả. Nhưng khi nguồn lực của xã hội bị ăn cắp như vậy thì nền kinh tế phải trả giá.

Bà Trương Mỹ Lan chẳng có trình độ hay tài tài cán gì nổi bật. Sở dĩ bà ta có thể chiếm đoạt số tiền lớn như vậy trước tiên là nhờ một thể chế kinh tế quái đản, trong đó các nhà kinh doanh bất động sản có thể thành lập ngân hàng, dùng ngân hàng để huy động tiền bạc của bá tánh cho các dự án kinh doanh của họ.

Vì thế, trên diễn đàn Quốc Hội Việt Nam có người nhận xét “vụ Vạn Thịnh Phát chỉ là phần nổi của tảng băng,” phần chìm của tảng băng còn nhiều ngân hàng khác, nếu bị lộ, sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều. Nhà đương cục Việt Nam đang làm mọi cách để người dân không hay không biết, giữ cho hũ mắm thối ngân hàng không bị bốc mùi như vụ SCB, nếu hũ mắm này vỡ ra thì chắc chắn nền kinh tế quốc gia sẽ sụp đổ ngay lập tức mà không cách gì cứu nổi.

 

Nhưng đâu phải chỉ có đám quan chức ngành ngân hàng mới ngửa tay nhận tiền hối lộ của bà Trương Mỹ Lan. Trước tòa, bị cáo Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), ngay từ năm 2014 đã khai cầm hàng triệu đô la của bà Lan để chuyển cho các ông tướng Trần Đại Quang, Phạm Quý Ngọ, bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Công An khi ấy. Một cục trưởng cỡ bà Nhàn đã được “lót tay” $5 triệu trong một chuyến thanh tra ở một ngân hàng thì các sếp của bà ta ở Ngân Hàng Nhà Nước, ở chính phủ và cao nhất là Bộ Chính Trị sẽ được bao nhiêu trong nhiều năm qua? Đừng ngạc nhiên quan chức Việt Nam lương ba cọc ba đồng mà sao giàu dữ vậy.

Nhưng nói cho công bằng, giới “đại gia” và giới quan chức cộng sinh với nhau, câu kết với nhau để trục lợi trên xương máu người dân và Trương Mỹ Lan không phải là trường hợp độc nhất. Đằng sau mỗi “đại gia” luôn có bàn tay của một hoặc vài quan chức rất cao cấp, là ủy viên Bộ Chính Trị hoặc tối thiểu là phó thủ tướng chính phủ, nâng đỡ và chia chác. Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang… và nhiều chóp bu khác của chế độ đều có các tập đoàn sân sau, làm “ô dù” che chở các đàn em “doanh nhân” để chúng cung phụng cho mình và gia đình. Chuyện đó không có gì lạ, ở Việt Nam ai cũng biết. Chỉ khi nào các thế lực bảo kê bị ngã ngựa, hoặc về hưu thì kẻ được bảo kê mới có nguy cơ bị lộ, bị biến thành “củi” cho cái lò tôn. Nhưng qua các vụ án, người ta thấy cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, chỉ đốt “từ vai trở xuống,” những chóp bu cỡ Hai Nhựt sẽ không bị đụng tới vì ông Trọng vẫn sợ “vỡ bình.”

 

Đoàn xe tù “kỷ lục” chở Trương Mỹ Lan và đồng bọn chạy ngang qua Sài Gòn vắng vẻ đìu hiu. Những ngày sau Tết Giáp Thìn, thông tin nóng về Sài Gòn trên báo chí và mạng xã hội là chuyện người buôn bán dẹp tiệm, trả mặt bằng, ngừng kinh doanh, còn người lao động thì mất việc, đổ ra đường tìm mọi cách sinh nhai.

Có người nói, bây giờ người ta mua hàng qua mạng Internet, mấy ai ra tiệm, nên đóng cửa là phải. Có lẽ đó là một lý do nhưng sâu xa hơn, có vẻ như Sài Gòn không còn sức gắng gượng khi tiền bạc của người dân đã cạn kiệt trong một nền kinh tế suy sụp, không biết làm cách gì để kiếm tiền một cách lương thiện.

Trên cái nền kinh tế xã hội ảm đạm như vậy, vụ án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan với số tiền thất thoát hàng ngàn tỷ, hàng trăm ngàn tỷ làm người ta choáng váng; và sau cơn choáng váng là một nỗi lo lắng, một nỗi bi quan trước một tương lai còn tối tăm hơn cái tiền đồ của Chị Dậu trong tác phẩm của Ngô Tất Tố hồi giữa thế kỷ trước.

No comments:

Post a Comment