Tuesday, March 5, 2024

Một nền tư pháp tùy tiện

Bình Luận
Pháp chế xã hội chủ nghĩa của CSVN chính là phản đề của chế độ pháp trị nghiêm chỉnh và chỉ là một mỹ từ để thực thi chế độ đảng trị mà thôi.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của JB Nguyễn Hữu Vinh/RFA với tựa đề: “Một nền tư pháp tùy tiện sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

JB Nguyễn Hữu Vinh

Gần đây những vụ đại án được đưa ra để gọi là "xét xử" đã cho thấy những cách hành xử "chẳng giống ai" ở cái gọi là Tòa Án. Ở đó, luật pháp được sử dụng một cách tùy tiện, theo ý thích cá nhân, chẳng hề có bất cứ một nguyên tắc nào của sự bình đẳng, tôn trọng luật pháp như cả hệ thống thường rêu rao.

Từ rất lâu, nhà cầm quyền Việt Nam hô hào xây dựng một nhà nước pháp quyền. Khắp nơi nơi, câu khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" được giăng ngang giăng dọc như nói lên quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Trong hệ thống đó, không có bất cứ một đảng phái, một cá nhân nào được đứng ra ngoài khỏi hệ thống luật pháp, không một ai được đứng trên luật pháp. Tất cả đều bị luật pháp chế tài.

Thế nhưng, nếu xây dựng nhà nước Pháp quyền theo các định nghĩa trên đây, thì rõ ràng nội dung đó đã đá ngược lại sự tồn tại bất chấp luật pháp và hành xử theo luật rừng chứ không theo luật pháp của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay. Bởi tổ chức này chỉ là của một nhóm người tự xưng là lãnh đạo của giai cấp công nhân mà Hiến pháp đã quy định rõ ràng rằng cái Đảng cộng sản Việt Nam này phải hoạt động tuân theo luật pháp.

Vậy nhưng, đã gần 100 năm nay kể từ khi nó hình thành rồi du nhập vào Việt Nam, đã gần 80 năm nó nhảy lên cướp chính quyền rồi cai trị đất nước, nhưng không hề theo một luật pháp nào.

Chính vì vậy, nó đặt ra một khái niệm quái gở là: "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

Không phải ngẫu nhiên mà Bà Ngô Bá Thành, một luật sư được coi là nổi tiếng, Đại biểu QH Việt Nam đã thốt lên giữa Quốc hội rằng : "Chúng ta có một rừng luật, nhưng chỉ xài mỗi luật rừng".

Một trong những công cụ để dùng luật rừng thực hiện "Nhà nước đảng quyền" tại Việt Nam đó là "Ban Nội Chính Trung Ương".

Người ta đặt ra câu hỏi: Trong hệ thống luật pháp và Hiến pháp Việt Nam, Ban Nội chính được quy định ở mục nào, điều khoản nào của Luật pháp mà nó được quyền sinh, quyền sát, được quyền quy định tha ai, bắt ai, xử ai và thưởng ai… bất chấp nguyên tắc luật pháp?

Vậy thì vài ba cái tên trong cái gọi là Ban Nội Chính, Ban Kiểm Tra trung ương… chẳng hề là thần, cũng không là Thánh, lại càng không phải là những kẻ từ hành tinh khác vào đây để có thể miễn nhiễm với căn bệnh tham nhũng vốn là căn bệnh truyền thống, cố hữu của người cộng sản – thì làm sao có thể đủ khả năng để đưa ra những quyết định sinh sát cả xã hội, cả đất nước, cả dân tộc một cách công minh, sáng suốt?

Thật ra, đó là một cách giải thích, để mở lối dễ dàng giải thoát cho các tội phạm tham nhũng và hối lộ thuộc phe nhóm của mình, không thể có một cách giải thích nào khác cho hiện tượng này.

Với những cách giải thích hết sức ngược ngạo, tỏ thái độ bất chấp, coi thường dân chúng, xã hội, một mặt thể hiện quyền uy của mình khi cầm chắc cây súng trong tay, nhà cầm quyền Việt Nam tha hồ thể hiện đầy đủ những điều mà ai cũng biết rằng chỉ có ở chế độ độc tài.

Cũng với tư duy bất chấp tất cả cái gọi là pháp luật, pháp quyền, coi những quyết định, ý thích cá nhân của mình là của vua, của hoàng đế có quyền sinh quyền sát trên dân chúng, nên Nguyễn Phú Trọng mới đây đã tự đặt ra những quy định theo ý thích của chính ông ta. Ông ta nói rằng: "Nếu đã vi phạm rồi, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất là xin thôi". Và rằng: "Anh nào đã vi phạm rồi thì nộp tiền lại thì tôi tha, tôi xử nhẹ"… và ông ta tự cho rằng vậy là "nhân văn".

Hỡi ôi, cái gọi là "nhân văn" ấy, chỉ là một sự đầu hàng vô điều kiện của Nguyễn Phú Trọng trước cái gọi là đốt lò, đốt củi chống tham nhũng mà ông ta gõ phèng la não bạt mấy chục năm nay. Bởi với việc cả hệ thống thối nát, đụng đâu thì rữa bấy ở đó, nếu cứ làm căng, nếu cứ bắt bớ, cứ bỏ tù theo luật, thì "lấy đâu ra cán bộ mà làm việc" – Nguyễn Sinh Hùng – và làm sao kết nạp kịp đảng viên cũng như lấy đâu cho đủ nhà tù mà nhốt đám đảng viên của đảng.

Và đó là cái đạp chí tử vào cái gọi là "Nhà nước pháp quyền" ở Việt Nam.

Bởi chẳng có nhà nước pháp quyền nào mà một cá nhân cứ hành xử tự ý muốn bắt ai thì bắt, thả ai thì thả theo ý thích và bất chấp sự quy định của luật pháp.

Bởi ngay cả Nguyễn Phú Trọng, chẳng hề có bất cứ vai trò nào được hệ thống Hiến pháp và luật pháp Việt Nam quy định. Ông ta chỉ có vai trò trách nhiệm trong cái đảng của ông ta mà thôi.

Thế nên hệ thống Hiến pháp và pháp luật ấy, chẳng có ý nghĩa gì đối với đảng, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn luôn luôn đứng ngoài nó và sẵn sàng xé bỏ nó bất cứ lúc nào. Rồi khi cần thiết, đảng có thể nhảy ngang vào điều khiển cả 3 hệ thống theo ý mình bất chấp thực tế, bất chấp cái gọi là Pháp quyền. Khi đó, nó thể hiện một cách chính xác nhất cái "Nhà nước Đảng quyền Việt Nam" và khi đó, luật lệ được sử dụng là luật rừng.

Đó là tiền đề để tạo ra một nền tư pháp tùy tiện hiện nay./.

No comments:

Post a Comment