Sunday, August 2, 2015

Việt Nam Tuần Qua

Chủ Nhật 2.8.2015 
Hoàng Ân:Trong mấy ngày qua, người dân trong nước đã lên tiếng chỉ trích dữ dội về việc Bộ quốc phòng CSVN cùng Đài truyền hình đã sử dụng bài hát 'Ca ngợi tổ quốc' của Trung Cộng để làm nhạc chính trong buổi giao lưu, văn nghệ kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ do bộ quốc phòng và đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Anh vui lòng nhắc lại sự kiện này để gửi đến quý thính giả của đài DLSN cùng nghe?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Vào tối ngày 27/7 vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp về Chương trình "Khát vọng đoàn tụ" nhân ngày Thương binh Liệt sĩ, với sự hiện diện khoảng 500 quan chức hàng đầu thuộc giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam thì một đoạn nhạc "Ca ngợi tổ quốc" của Tàu cộng đã được sử dụng để làm nhạc nền phát lên ngay khi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên sân khấu để đọc diễn văn khai mạc. Khi ông Sang kết thúc diễn văn và bước xuống hàng ghế ngồi, bản nhạc Tàu này một lần nữa lại được vang lên.
Chi tiết này ngay lập tức đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận Việt Nam bởi hành động này là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với hàng chục ngàn binh lính và dân thường đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Trung Cộng xâm lược mà đây lại là ngày kỷ niệm những người đã hy sinh vì tổ quốc. Ngay sau đó nhiều người liền đặt ra câu hỏi, phải chăng đây là hành động có chủ ý của nhà cầm quyền VN?
Để đối phó dư luận, đài Truyền Hình Việt Nam đã nhanh chóng xoá toàn bộ dấu vết liên quan đến bản nhạc Tàu này. Đến sáng ngày 30/7 video chương trình 'Khát vọng đoàn tụ' lưu trên website của đài này đã được biên tập và chỉnh sửa lại bằng cách âm thanh bản nhạc 'Ca ngợi tổ quốc' đã được tắt tiếng hoàn toàn.
Hoàng Ân: Trong chuyến công du tại VN tuần qua, ngoài việc bàn thảo về các quan hệ quốc phòng và mậu dịch, Thủ tướng Anh David Cameron cũng trực tiếp nêu lên vấn nạn trẻ em VN bị bọn buôn người đưa lậu vào Anh để lao động tại các trại trồng cần sa và tiệm làm móng tay. Điều đặc biệt trong cuộc thảo luận này, ông Camaron cũng nêu lên việc có sự tiếp tay của một số công ty nhà nước. Xin anh nói rõ hơn về sự kiện này?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, trong chuyến công du tại VN, Thủ tướng Anh David Camaron nêu lên vấn nạn buôn người từ VN vào Anh để lao động bất hợp pháp tại các trại trồng cần sa cũng như tiệm Nails.
Như tôi được biết, hầu hết các báo lớn ở Anh đều trích dẫn lời của Thủ tướng Anh mô tả con số 3.000 trẻ em Việt Nam bị đưa sang đây là điều gây sốc. Tờ the Guardian trích thêm báo cáo về buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mô tả hoạt động của các băng đảng tội phạm có tổ chức đưa người Việt sang châu Âu và bắt họ làm việc để trả nợ. Báo cáo này cũng chỉ đích danh các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam, thậm chí có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhà nước, đã thu phí rất cao khiến người lao động lâm vào cảnh nợ nần.
Xin được nhắc lại, Việt Nam xếp hàng thứ tư trong danh sách các nước có người bị đưa vào Anh làm nô lệ, và các báo cáo của chính phủ ước tính ở đây hiện đang có khoảng 13.000 nạn nhân người Việt trong đó có nhiều trẻ em hiện đang sống trong cảnh nô lệ trong các trại cần sa.
Hoàng Ân: Anh có ghi nhận như thế nào về việc ông Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng VN, tuyên bố là mối quan hệ Việt – Trung sẽ không bao giờ thay đổi vì Trung Cộng là ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách đối ngoại của đảng cộng sản và nhà nước VN?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài DLSN!
Lời tuyên bố trung thành với Trung Cộng của ông Vịnh được đưa ra trong buổi tiệc kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hồng quân Trung Cộng tại tòa đại sứ nước này ở Hà Nội vào tối 28/7 vừa qua. Theo ông Vịnh thì mối quan hệ giữa hai quân đội Việt – Trung là một trụ cột quan trọng trong mối quan hệ hai nước và điều này sẽ không bao giờ thay đổi. Chính vì thế, ông Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố là giới lãnh đạo cao cấp của hai quân đội sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy việc hợp tác quốc phòng một cách toàn diện.
Thật sự thì những phát biểu nói trên của ông Vịnh không có gì là mới. Ông Vịnh chỉ lặp lại những gì mà tập đoàn lãnh đạo CSVN đã từng nhiều lần khẳng định với Trung Cộng kể từ khi ký kết mật ước Thành Đô vào năm 1992, nối lại mối quan hệ giữa hai bên sau cuộc chiến đẫm máu ở biên giới vào năm 1979. Cấp trên của ông Vịnh là Bộ trưởng Phùng Quang Thanh từng công khai bày tỏ mối lo âu khi thấy đa số người dân Việt đều ghét Tàu.
Hoàng Ân: Thế còn việc làn sóng từ chức dân cao trước thềm đại hội đảng CSVN thì sao thưa anh?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài DLSN!
Làn sóng từ chức, hay các màn đấu đá giành ghế trước đại hội đảng CSVN, đang gia tăng trong mấy tuần qua, với vụ mới nhất là bí thư tỉnh ủy Quảng Nam đệ đơn xin về hưu chỉ sau 5 tháng được đề bạt lên nắm chức vụ này.
Giới truyền thông quốc doanh cho biết là ông Lê Phước Thanh, bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam, viện lý do sức khỏe mặc dù năm nay chỉ mới 59 tuổi. Vào tháng Hai vừa qua ông Thanh được bầu vào vị trí tỉnh ủy sau khi nắm chức chủ tịch tỉnh Quảng Nam gần 5 năm qua.
Việc từ chức của ông Thanh diễn ra sau hàng loạt các vụ từ chức hay bị cách chức trong guồng máy nhà nước, quân đội và công an. Trước ông Thanh có bí thư thành phố Hội An, tỉnh ủy Hà Nam và hàng trăm quan chức cấp huyện ở Hà Nội. Vào đầu tháng 7 thì các tướng lãnh cầm đầu biệt khu thủ đô cũng bị thay thế. Theo giới quan sát viên thì đây là hệ quả của các màn đấu đá trong nội bộ vẫn thường diễn ra trước khi có đại hội đảng cộng sản VN.
Trong một diễn biến cũng đáng chú ý là bộ trưởng công an Trần Đại Quang vừa ra lệnh cho các thuộc hạ phải "ngăn chận những vụ mạo danh quan chức cao cấp và thân nhân của các xếp lớn" để lừa đảo. Không chỉ người dân mà kể cả giới quan chức đảng viên và cơ quan cũng bị những kẻ mạo danh lừa gạt, thậm chí lũng đoạn cả tiến trình tuyển dụng cán bộ và đấu thầu dự án.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế, Tổng cục Thống kê VN vừa công bố số liệu là trong 7 tháng qua, tổng cộng đã có hơn 32 ngàn công ty trên toàn quốc đã ngưng hoạt động hoặc chờ khai phá sản, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1.2%. Anh có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Trường An: Quả đúng như vậy, theo cách giải thích của tổng cục này thì mặc dù nền kinh tế vĩ mô có dấu hiệu ổn định, nhưng vì mức cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh bãi bỏ hàng rào quan thuế ở khu vực, nên nhiều công ty không trụ nổi.
Trong khi đó vì thiếu hụt ngân sách quá lớn, bộ tài chánh VN đang có kế hoạch phát hành thêm trái phiếu ngắn hạn, tức một hình thức vay nợ, để trang trải cho các khoản chi tiêu và trả nợ cũ. Được biết là trong thời gian qua, bộ này đã yêu cầu ngân hàng nhà nước ứng ra 1 tỷ rưởi Mỹ kim, và mượn đỡ từ quỹ bảo hiểm xã hội khoảng 4 tỷ rưởi Mỹ kim, nhưng vẫn chưa đủ mức chi tiêu. Vì thế bộ tài chánh đề nghị phát hành khoảng 1 tỷ Mỹ kim trái phiếu để thanh toán các khoản nợ đang đáo hạn.
Hoàng Ân: Cám ơn Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment