Wednesday, August 19, 2015

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Âu châu: Cơ hội cho đảng" trụ" hay triển vọng dân chủ hóa đất nước?

Thứ Tư, 19.08.2015    
Tuy tiến trình hoàn tất hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Minh Âu Châu gặp nhiều thuận lợi, nhưng các vi phạm nhân quyền trầm trọng của CSVN sẽ là những trở lực lớn lao khi Nghị Viện Âu Châu duyệt xét hiệp ước này.Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Vũ Ngọc Yên... với tựa đề: "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên Minh Châu Âu."sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Việt Nam dưới chế độ độc đảng tuy đã có 40 năm hòa bình, song hiện tại vẫn đang đối đầu trước những bế tắc kinh tế và chính trị. Bối cảnh này thúc ép Việt Nam phải mở rộng hợp tác và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là cơ hội cho đất nước phát triển và cải cách kinh tế và chính trị một cách sâu rộng.
Sau ba năm thương thuyết, Việt Nam và Liên minh Âu châu (EU) đã thống nhất về mặt nguyên tắc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Châu Âu (Vietnam-EU Free Trade Agreement-EVFTA) vào ngày 4.8.2015.
Sắp tới, hai bên sẽ phải giải quyết nhiều yếu tố kỹ thuật còn tồn đọng, thông qua thương lượng và thỏa thuận, rà soát, hoàn thiện về mặt pháp lý để ra được một văn kiện hoàn chỉnh của Hiệp định. Dự kiến hai bên sẽ chính thức ký kết Hiệp định vào mùa Thu năm nay.
Hiệp định EVFTA được ghi nhận không chỉ tạo bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa Việt Nam - EU mà còn là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa EU và khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2015 hai bên sẽ kỷ niệm 25 năm thiết lập bang giao.
Theo các chuyện gia kinh tế, Hiệp định EVFTA không chỉ đưa lại những lợi ích, trái lại nó cũng đặt Việt Nam trước nhiều thách thức.
Việt Nam có thể bị rơi vào bẫy lương thấp vì chỉ có lợi cạnh tranh ở các loại hàng hóa kém giá trị nhờ sản xuất dựa trên chi phí nhân công rẻ. Trong khi EU có ưu điểm cạnh tranh ở các sản phẩm công nghệ giá trị cao. Một khi Hiệp định thương mại được áp dụng, hàng hóa lưu thông tự do trên thị trường sẽ dẫn tới hậu quả các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh và có nguy cơ phá sản. Các chuyên gia phỏng tính một vài nghành sản xuất như điện tử, công nghiệp ô tô, máy móc... sẽ sa thải nhiều nhân công, trong khi các nghành giầy dép, quần áo, dệt may lại phát triển. Lãnh vực nông nghiệp và biến chế thực phẩm cũng bị thiệt hại nặng vì cạnh tranh.
Tác động của hội nhập cũng sẽ khác nhau ở các ngành khác nhau. Các ngành có lợi thế (đặc biệt là dệt, may, da giày, dịch vụ công và xây dựng) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi những ngành kém lợi thế hoặc lợi thế đang suy giảm (như thịt lợn, gà, sữa, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng, công nghiệp) sẽ bị thua thiệt trong quá trình tự do hóa thương mại. Mặt khác sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, các ảnh hưởng kéo dài của các khủng hoảng kinh tế thế giới và những yếu kém nội tại... luôn là những yếu tố đe dọa nền kinh tế.
Ngoài ra một khi Việt Nam thực sự phát triển và trở thành đối tác quan trọng của Mỹ và Âu châu sẽ cản trở đường lối bá quyền của Tàu Cộng, nên nước này sẽ tìm đủ cách gia tăng gây rối ở biển Đông và khích động các cuộc tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng.
Trong thời gian qua dư luận rất kinh ngạc khi thấy giới lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam tích cực mở rộng hợp tác với Mỹ và Âu châu trên mọi bình diện. Dư luận đánh giá các hoạt động này chỉ là những tính toán chiến lược tìm ngõ thoát cho chế độ độc đảng trước những áp lực nội và ngoại chính hầu có thể tiếp tục trụ được.
Việc tham gia các hiệp định tự do của các quốc gia dân chủ (Mỹ và Liên minh EU) giúp nền kinh Việt Nam có cơ hội tái cấu trúc, phát huy tiềm năng. Nhờ tự do hóa thương mại, Việt Nam có thể giảm thiểu mức độ phụ thuộc trong quan hệ kinh tế và chính trị với Tàu Cộng.
Nói chung, đảng CS hy vọng qua các hiệp định thương mại, sẽ tạo được niềm tin ở quốc tế và tính chính danh cầm quyền vốn đã không tồn tại từ nhiều thập niên qua.
Sự tính toán có được toại nguyện hay không sẽ tùy thuộc rất nhiều vào ý chí cải cách toàn diện và quyết tâm đặt quyền lợi tổ quốc trên quyền lợi đảng và phe phái của đảng và nhà nước.
Nhân phẩm, quyền tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp trị và sự tôn trọng nhận quyền là các giá trị nồng cốt của các quốc gia dân chủ phương tây. Vì vậy EU kỳ vọng Hiệp định thương mại tư do sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam khởi sắc, qua đó góp phần giảm nạn nghèo đói, giảm thiểu bất bình đẳng trong sự phân chia phúc lợi kinh tế.
Nghị viện Âu Châu đã nhiều lần kết án Cộng sản Việt Nam đã lạm dụng luật pháp như là công cụ hạn chế nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân (tư do tư tưởng, báo chí và tôn giáo). Hiệp định EVFTA chỉ có hiệu lực khi Nghị Viện Âu Châu thông qua. Hiệp định sẽ được đàm phán lại, nếu Nghị Viện xác định tình trạng ngược đãi những người bất đồng chính kiến và nhân quyền ở Việt Nam vẫn tồi tệ.
Vũ Ngọc Yên

No comments:

Post a Comment