Friday, August 21, 2015

Hãy trả lại sự thật cho lịch sử.

Thứ Sáu, ngày 21.08.2015    
Có nhiều biến cố lớn xảy ra trên thế giới trong tháng 8 năm 1945. Tại Việt Nam một trong những biến cố ấy là Việt Minh cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng sự thật đã bị xuyên tạc …”. Mời quý thính giả theo dõi Quan Điểm của LLDTCNTQ về việc phải trả lại sự thật lịch sử đã bị xuyên tạc vì quyền lợi của đảng CS qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Thưa quí thính giả,
Chúng ta cần nhắc lại vài nét đại cương những biến cố lịch sử cận đại có liên quan đến Việt Nam, để thấy rõ đâu là sự thật. Vì lịch sử nước nhà gắn liền với những biến cố do các cường quốc trên thế giới định đoạt.
Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ năm 1939 VN đang bị Pháp đô hộ; ngày 14 tháng 6 năm 1940, Pháp đầu hang Đức. Tại Đông Dương, ngày 22 tháng 9 năm 1940 Nhật chiếm đóng các thuộc địa của Pháp, làm chủ tinh hình vùng Đông Nam Á.
Từ khi Hoa Kỳ tham chiến tại Âu Châu, sức mạnh quân sự nghiêng về phía Đồng Minh. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1945, nhà độc tài Adolf Hitler đã cùng với vợ tự sát trong hầm trú ẩn. Đức đầu hàng, chiến sự tại Âu Châu chấm dứt. Thế giới phân chia vùng ảnh hưởng theo quyết định của Anh, Nga và Mỹ, họp tại Yalta từ ngày 3 đến 11 tháng 2 năm 1945. Nga tiến vào Berlin và chiếm đóng các nước Đông Âu, cộng sản bành trướng từ đó.

Hoa Kỳ đã rảnh tay tại Âu Châu, dồn sức mạnh sang Á Châu, trước là để rửa mối hận bị Nhật tấn công ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) ngày 7 tháng 12 năm 1941. Sau là cứu các nước đồng ming Anh, Pháp đang bị Nhật khống chế. Để yểm trợ cho cuộc chiến đương đầu với Mỹ, Nhật đã đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, nhằm lấy lòng những nước trong vùng, Nhật đưa ra chủ trương 'Đại Đông Á' dưới sự lãnh đạo của Nhật.
Chỉ hai ngày sau, 11 tháng 3 năm 1945, Cơ Mật Viện của Triều Đình Huế họp và ra tuyên bố hủy bỏ Hiệp Ước 1884, còn gọi là Hiệp Ước Patenotre, do Pháp áp đặt nền đô hộ tại Việt Nam. Ngày 17 tháng 3, vua Bảo Đại ra tuyên chiếu, từ nay sẽ đích thân cầm quyền chỉnh đốn và điều hành việc nước theo nguyên tắc "dân vi quí".
Nhằm thực hiện những bước đầu của một quốc gia độc lập, vua Bảo Đại đã ủy nhiệm học giả Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Ngày 17 tháng 4 năm 1945, Nội Các Trần Trọng Kim ra đời, với một thành phần gồm những nhà trí thức và đức độ thời ấy; giữa lúc chiến tranh đang tiếp diễn, phương tiện chuyên chở vố cùng khó khăn, lại thêm mất mùa ở Miền Bắc, khiến cho hàng triệu người chết đói. Nhưng những kế hoạch ban đầu, chính phủ đã thực hiện rất tốt đẹp; đặc biệt là việc thu hồi chủ quyền các nhượng địa của Pháp do Nhật nắm giữ là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Và sau cùng Nhật đã trao trả Miền Nam Việt Nam cho Triều Đình Huế ngày 14 tháng 8 năm 1945. Vua Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ tất cả các hiệp ước đã ký kết với Pháp trước đó. Như thế chủ quyên đất nước đã hoàn toàn thuộc về Việt Nam dưới sự lãnh đạo của vua Bảo Đại, và chính phủ do ông Trần Trọng Kim cầm đầu.
Nhật Bản mỗi lúc mỗi yếu dần. Đến ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử đầu tiên do Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima, khiến cho khoảng 140,000 người thương vong. Ba ngày sau, 9 tháng 8, quả bom thứ hai thả xuống Nagasaki, giết chết khoảng 75,000 người. Sức tàn phá ghê gớm này đã buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15 tháng 8 năm 1945. Thế Chiến Hai hoàn toàn chấm dứt, cục diện thế giới bước sang một giai đoạn mới. Việt Nam cũng bị cuốn hút vào vùng xoáy mới của lịch sử.
Từ những năm đầu thế kỷ 20, nhiều nhà yêu nước đã tìm cách tranh đấu dành lại độc lập cho Việt Nam như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, đến Cường Để trong các phong trào Đông Du, Tây Du, đến việc hình thành các tổ chức chính trị, rồi những cuộc khởi nghĩa vũ trang như anh hùng Nguyễn Thái Học với Việt Nam Quốc Dân Đảng. Bên cạnh đó phong trào Cộng Sản Quốc Tế do Nga lãnh đạo, đã đào tạo cán bộ và đưa vào Việt Nam từ năm 1930 do Nguyễn Ái Quốc, tức Nguyễn Tất Thành, rồi Lý Thụy, và sau này là Hồ Chí Minh. Phong Trào này che dấu nanh vuốt và bản chất thật, âm thầm phát triển ở nhiều nơi trong nước để chờ cơ hội đến.
Khi Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam, chính quyên mới tiếp nhận, bao nhiêu khó khăn trước mắt cần phải giải quyết. Tình hình đất nước chưa ổn định, Hà Nội và cả nước dân chúng phấn khởi, nhưng chưa biết rõ những gì đang diễn ra. Ngày 17 tháng 8, một cuộc mít tinh của Tổng Hội Công Chức tại quảng trường Nhà Hát Lớn để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim thu hồi chủ quyền độc lập. Cờ quẻ ly được kéo lên, mọi người hô vang "Việt Nam độc lập muôn năm".
Trước khí thế sôi sục của người dân lúc ấy, Việt Minh xuất hiện, huy động đồng bào các tỉnh kéo về Hà Nội từ sáng sớm ngày 19 tháng 8. Thế là một cuộc biểu tình mà người ta tưởng rằng để mừng độc lập, đã biến thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh. Một nhóm tràn vào chiếm Phủ Khâm Sai. Một lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện, rồi những tiếng hô ủng hộ Việt Minh vang lên, mà những người tham dự cũng chẳng biết Việt Minh là ai, và bản chất họ thế nào. Từ đó Việt Minh đã mau chóng làm chủ tình hình ở Hà Nội, và gấp rút chuẩn bị để Hồ Chí Minh xuất hiện đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 tháng 9 năm ấy; mở màn cho một giai đoạn đen tối kéo dài mãi đến hôm nay.
Từ đó đến nay, 70 năm qua, ngày 19 tháng 8 họ vẫn gọi là ngày "Việt Minh cướp chính quyền", hay là "ngày cách mạng thành công". Nhưng Viết Minh có cướp chính quyền từ tay người Pháp, hay người Nhật đâu, vì Nhật đã đảo chính Pháp ngày 9 tháng Ba, và đã trả lại độc lập cho Việt Nam do vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim nắm giữ rồi. Tóm lại Việt Minh, đúng hơn là đảng CS đã cướp chính quyền từ một chính phủ đang nắm giữ.
CSVN đã bưng bít, xuyên tạc, và viết khác đi những sự kiện lịch sử tóm tắt trên đây, nhằm lừa dối các thế hệ sinh sau đẻ muộn rằng, chỉ Việt Minh là có công đánh đuổi Pháp và Nhật để đành độc lập và chủ quyền cho Việt Nam mà thôi. Từ đó họ nhất quyết đòi lãnh đạo đất nước vĩnh viễn, mà hậu quả là một đất nước nghèo đói, lạc hậu và chậm tiến như hôm nay.
Sự thật lịch sử vẫn còn đó, nhiều nhân chứng vẫn còn sống. Đây là lúc tất cả người dân, nhất là thành phần trí thức, giới sinh viên học sinh, cần tìm hiểu đâu là sự thật để trả lại cho lịch sử nước nhà.
Cám ơn quí thính giả đã lắng nghe quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc

No comments:

Post a Comment