Wednesday, April 9, 2014

Ðối phó với Trung Cộng

Thứ Tư, ngày 09.04.2014    
Đảng CSVN đã chứng tỏ rất mưu mô và sâu sắc khi đàn áp các nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt nam. Nhưng họ hoàn toàn tê liệt và bất lực trước hiểm họa Trung cộng. Đối phó với một kẻ thù gian manh như Trung cộng cần những biện pháp hữu hiệu nào? Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Đối phó với Trung Cộng" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Sau biến cố Nga chiếm Crimea và đe dọa Ukraine, nhiều người đã chỉ trích chính phủ Mỹ bỏ rơi Châu Âu từ năm 2003 vì các nước ở đó chống chiến tranh Iraq. Hơn mười năm qua Mỹ đã phó mặc số phận của các nước nằm sát biên giới Nga cho các nước Châu Âu lo lấy. Nhưng ai cũng biết Nga là một đế quốc đang xuống, mà các nước châu Âu đủ mạnh để tự vệ. Trong khi đó thì mối đe dọa của nước Trung Hoa cộng sản đang lớn mạnh đối với vùng Á Ðông ngày càng tăng lên, mà các nước trong vùng này thì không đồng lòng trong một chiến lược chung để đối phó với chương trình bành trướng của Trung Cộng.
Các nước Á Ðông quan tâm đến biến cố Crimea, vì lo rằng chính quyền cộng sản Trung Hoa sẽ bắt chước ông Vladimir Putin. Ông Tập Cận Bình cũng như các lãnh tụ cộng sản Trung Hoa, từ thời Mao Trạch Ðông, vẫn nuôi giấc mộng làm bá chủ cả vùng Ðông Á; như các lãnh tụ điện Kremlin nuôi giấc mộng tái lập đế quốc của các Nga hoàng. Ðài Loan đã nhập vào Trung Quốc từ cuối thế kỷ đời Nhà Thanh, cũng giống như Crimea được các Nga hoàng chiếu cố; Bắc Kinh vẫn coi Ðài Loan là một tỉnh trong nước Trung Hoa. Nếu cần, họ cũng có thể nói Việt Nam vốn thuộc lãnh thổ Trung Quốc suốt mười thế kỷ, từ thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, sau khi quân nhà Hán chiếm đóng và cai trị!
Ngày Thứ Năm vừa qua, trước ủy ban đối ngoại của thượng viện Mỹ, ông Danny Russel, phụ tá bộ trưởng ngoại giao phụ trách vùng Á Ðông đã nói đúng những gì mà nhiều người đang muốn nghe. Ông nói rằng những biện pháp trừng phạt Nga sau vụ Crimea cũng là lời cảnh cáo Trung Cộng không nên nghĩ đến việc bắt chước hành động của ông Putin ở Crimea. Ông Russel nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ vẫn cam kết thi hành những hiệp ước phòng thủ với các đồng minh như Nhật Bản, Nam Hàn và Philippines.
Trong hai tuần nữa Tổng Thống Barack Obama sẽ đi thăm bốn nước Á Ðông: Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia và Philippines. Ông sẽ phải xác nhận lại, là chính sách "chuyển trục" về châu Á, Thái Bình Dương không thay đổi. Thủy quân lục chiến Mỹ mới vừa tập trận chung với thủy quân lục chiến Nam Hàn ở vùng biển phía Ðông Nam nước này. Cuộc tập trận "đổ bộ" này lấy đề tài là tái chiếm một miền đất Nam Hàn đã bị "địch quân" chiếm, không nói là từ nước nào. Theo chương trình của bộ quốc phòng Mỹ, đến năm 2017 số thủy quân lục chiến trong vùng Á Châu, Thái Bình Dương từ 19,000 sẽ tăng lên thành 22,000. Mỹ cũng tăng số lần tập trận cùng với quân Úc và quân Nhật; hai nước đang tăng thêm số lượng quân đổ bộ. Hiện nay lực lượng thủy quân lục chiến của Trung Quốc có 10,000 người và đang làm thêm nhiều tàu đổ bộ.
Ngày Thứ Sáu, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở Berlin, cũng có ý đáp lại các lời lẽ của ông Russel, nói rằng chính phủ ông sẽ không gây ra một xáo trộn nào trong vùng "Nam Hải," tức vùng Biển Ðông của nước ta. Nhưng cả thế giới đều biết câu "đừng nghe những gì Trung Cộng nói, mà hãy nhìn kỹ những gì họ làm."
Ngoài việc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Cộng còn liên tiếp gây sự với Philippines. Chính phủ Philippines cho thấy nếu mèo vờn chuột được thì chuột cũng có thể chọc mèo. Chủ Nhật vừa rồi, Manila đưa vấn đề tranh chấp các hòn đảo vùng Ðông Nam Á ra trước tòa án thế giới ở Den Haag (The Hague, Hòa Lan.) Lập tức Bắc Kinh tuyên bố sẽ không tham dự phiên tòa xử, và không quan tâm đến quyết định của tòa án này.
Năm 2012, Bắc Kinh đã làm áp lực với chính phủ Philippines bằng cách ngăn không cho nhập cảng chuối nước này, lấy cớ chuối thiếu vệ sinh. Nhưng sau cùng họ cũng chịu nhường, để người Trung Hoa được ăn chuối Phi trở lại. Những đòn qua lại giữa các nước đang tranh chấp trong vùng biển Ðông Nam Á sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm tới. Tháng trước, Trung Cộng đã gây trở ngại ở biên giới Hoa Việt, khiến hàng chục xe hàng chở dưa hấu của thương gia Việt
Nam không qua được biên giới, bao nhiêu nhà buôn mất hết vốn liếng. Tuần này, chính quyền Ðà Nẵng ở Việt Nam đã ra lệnh bỏ hết các bảng hiệu viết toàn chữ Hán trong thành phố, cả những bảng hiệu viết chữ Hán lớn hơn chữ Việt. Ghép hai sự kiện lại, có thể thấy giống như những đòn trả đũa với nhau giữa hai nước đang có tranh chấp.
Các nước Ðông Nam Á sẽ còn phải trả đòn lại Trung Cộng trong thời gian tới. Một cách quang minh chính đại nhất là đưa tất cả các vấn đề tranh cãi ra tòa án quốc tế, để được trọng tài xét xử. Một giải pháp tốt cho cả vùng Ðông Nam Á là các nước giữ nguyên trạng, như chính phủ Mỹ đề nghị, trong khi cùng khai thác các tài nguyên trong vùng biển này, chia nhau theo tình trạng đang có. Nhưng chính quyền Trung Cộng không chấp nhận giải pháp này, vì họ không thể bỏ được tham vọng đế quốc, muốn một mình ăn cả! Trong khi chính quyền Bắc Kinh không chấp nhận cuộc chơi quang minh chính đại, thì tất cả các nước cũng phải sẵn sàng dùng các thủ đoạn mà người Trung Hoa có thể hiểu được.
Làm như thế nào thì người Trung Hoa có thể hiểu được? Chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ một viên tướng thời Pháp thuộc, Joseph Galliéni.
Khi còn đeo lon đại tá, Galliéni chỉ huy cả vùng biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng ở nước ta, từ năm 1892 đến 1896. Ông ta luôn phải đi tiễu trừ những đoàn "thổ phỉ" bên Tàu sang cướp bóc dân Việt. Những toán thổ phỉ này phần lớn là lính đi ăn cướp. Một hôm, Galliéni sang bên kia biên giới, gặp viên tướng nhà Thanh, yêu cầu ngăn cấm không cho lính sang "An Nam" ăn cướp. Viên tướng Tàu đáp: "Tôi rất ân hận, và xin ông tha lỗi. Nhưng lính của tôi chúng nó vô kỷ luật, không thể nào ngăn cấm được! Nếu ông bắt được đứa nào, tôi xin ông, cứ việc bắn. Bắn, không cần đem ra xử làm gì!"
Tất nhiên, khó bắt được thổ phỉ, mà nếu có người bị bắt thì cũng bắn rồi. Sau đó, Galliéni đã đổi cách đối phó. Ông ta cho quân "Lê Dương" lên đồn trú ở sát biên giới. Những người lính ngoại quốc trong quân đội Pháp này được lệnh lâu lâu sang cướp phá mấy làng bên kia biên giới. Cho đến lúc viên tướng nhà Thanh phải sang than phiền với Galliéni. Ông đại tá Pháp bèn trả lời: "Tôi rất ân hận, tôi xin ông tha lỗi. Nhưng lính của tôi toàn người ngoại quốc không phải người Pháp, chúng nó vô kỷ luật, không thể nào ngăn cấm được! Nếu ông bắt được đứa nào, tôi xin ông, cứ việc bắn. Bắn, không cần đem ra xử làm gì!" Viên tướng Tàu khen ngợi Galliéni: Ông đáng lẽ phải là người Tàu mới phải!.
Joseph Galliéni đã hành động theo cách mà người Trung Hoa có thể hiểu được.
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment