Sunday, April 20, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật, ngày 20.04.2014    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục Nói Với Người Cộng Sản. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. Nói Với Người Cộng Sản do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian.
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Tuần trước chuyên mục của chúng ta đã cùng nhau nghe lại những tâm sự cay đắng, buồn đau cuối đời của cố nhà văn, đại tá, đảng viên cộng sản Nguyễn Khải. Trong dòng tâm sự có tính trăng trối đó, Nguyễn Khải đã coi toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông cùng với giải thưởng Hồ Chí Minh chỉ là những thứ để kiếm cơm nhất thời, và khi chế độ hiện nay thay đổi chúng sẽ tự thân trở thành mớ "giấy lộn cho con cháu bán cân". Cuối bản trăng trối Nguyễn Khải cũng đưa ra một dự báo rất u tối cho chế độ hiện nay.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng xem một số đánh giá, cách nhìn về cuộc chiến 54-75 từ một người lính miền Bắc. Đó là suy tư của nhà văn Bảo Ninh trong tác phẩm nổi tiếng "Nỗi buồn chiến tranh".
Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh năm 1952, ông tham gia quân đội để tiến đánh miền Nam khi mới ngoài 17 tuổi và giải ngũ sau 30/4/1975. Năm 1990 Bảo Ninh công bố những trang viết về cuộc chiến đó với một bút pháp đặc biệt và với những suy nghĩ thẳng thắn, khác thông lệ, dù vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết do phải sống trong một môi trường bị kìm hãm, đầu độc từ nhỏ về tư tưởng. Tác phẩm đã bị chính quyền cấm không lâu sau khi xuất hiện cho đến tận gần đây mới được xuất hiện trở lại.
Về sự hy sinh, đau khổ vô cùng của dân chúng cho cuộc chiến do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động, Bảo Ninh đã để một nhân vật thiếu phụ ở Bắc Giang than thở như vầy:
"Thời buổi ác nghiệt và dài quá là dài, cuốn đi mất biết bao nhiêu là người... bao nhiêu là lượt tân binh đã đóng ở nhà em, gọi mẹ em là mẹ, coi em là em, thế mà chỉ mỗi mình anh trở lại. Hai anh trai của em, các bạn học của em và cả anh ấy nhà em nữa đều lứa đàn em của các anh, đi bộ đội sau các anh bao nhiêu năm, nhưng chẳng ai thoát về được cả..."
Nhưng khi đã chiến thắng, lãnh đạo của đảng cộng sản xử sự với dân như thế này:
"Giá kể hồi đó người ta gườm gượm, báo tử lần lượt và thưa ra thì có khi mẹ em vẫn còn sống được tới giờ. Không may là bấy giờ lại hòa bình vừa xong những chuyện chết chóc họ muốn dứt khoát, đâm thành ác nghiệt. Nhè cùng một ngày, buổi sáng buổi chiều mà gửi hai cái giấy báo hy sinh hai anh trai của em. Mẹ em thật như là bị xô ngã, mê thiếp đi, bằn bặt suốt ba ngày không một lần hồi tỉnh. Mẹ mất đi chẳng nói một lời, anh ạ..."
Còn đây là tâm sự của một người lính chiến miền Bắc đã thoát chết trong Nam và đang được chứng kiến hòa bình dưới chế độ cộng sản:
"Hừ, hòa bình! Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình, để chừa lại chút xương... Nhưng chẳng biết tới khi mô con cháu ta mới đủ khôn. Với lại chúng sẽ lớn khôn theo kiểu gì, ai mà biết. Chỉ biết bao nhiêu cái tốt đẹp đã bị giết. Còn sót chút nào thì chúng mang đi đổi chác nốt rồi. Đấy, cứ nhìn cảnh chợ giời xô bồ "miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng" ở các thành phố thằng nào chẳng nản. Rồi lại nhìn xương cốt mồ mả anh em mình đây, tủi hận lắm ông ạ... Nền hòa bình này, hừ, tôi thấy hình như các mặt nạ người ta đeo trong những năm tháng trước rơi hết. Mặt thật bầy ra gớm chết. Bao nhiêu xương máu đã đổ ra."
Những thanh niên trai tráng miền Bắc một thuở được Đảng Cộng sản Việt Nam chăm sóc, động viên, cưng nựng để hành quân tiến đánh miền Nam, thì đây là cảnh họ trở về Bắc khi đã đánh đổ miền Nam:
"Hơn ba ngày đêm rong ruổi dọc đường sắt Xuyên Việt vào cuối mùa thu năm 76 ấy có thể ví như là chút niềm vui vớt vát cuối cùng của đời bộ đội. Tuy nhiên, nhớ lại cứ thấy đau đau trong lòng thế nào ấy. Trên tàu Thống Nhất chuyến ấy toàn là thương phế binh và lính về vườn. Ba lô ken dày trên giá, võng chăng dọc ngang lòng toa biến đoàn tàu thành một bãi khách. Thoạt đầu tâm trạng chung phải nói là khá chua chát. Không kèn, không trống, không khúc khải hoàn thì đã đành rồi, nhưng đến một chút đối xử có trước có sau người ta cũng chẳng buồn dành cho bộ đội. Cảnh chợ chiều nhốn nháo, nháo nhào không khác gì một thứ tùy nghi di tản. Đã thế lại còn kiểm tra lên, kiểm tra xuống, lục lọi săm soi từng cái túi cóc ba lô tuồng như người ta cho rằng một núi cao của cải ở miền Nam sau giải phóng bị hư hao thất thoát, bị xâu xé, tranh đoạt, bị hốt vơ cào xúc cho đến sạch sành sanh là bởi anh bộ đội chứ không phải bởi bọn người nào khác... Tại các ga mà đoàn tàu dừng bánh, loa phóng thanh oang oang trút vào tai đám lính đui, què, mẻ sứt, mắt trắng, môi thâm này hàng lô xích xông những lời dạy bảo trớ trêu nhất đời, nào chống cầu an, chống đạn bọc đường, chống thói đam mê tàn tích của xã hội phồn vinh giả tạo và nào là cần đặc biệt chống tư tưởng công thần."
Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn ca tụng thời đại Hồ Chí Minh là thời đại chiến thắng huy hoàng, đặc biệt là sau chiến thắng 30/4/1975, nhưng hãy cùng nghe ước vọng sau đây của người lính đã sống trong thời đại đó và đã tham chiến để đem lại chiến thắng đó:
"Tôi sẽ vác đàn đi hát rong. Hát rong kể chuyện. Các ông các bà, các anh, các chị xin hãy nghe tôi kể câu chuyện đau thương này, và sau đó tôi sẽ hát để mọi người nghe bài ca kinh hoàng về thời đại của chúng tôi."
Dian, Hải Nguyên, Hươ1ng Dương và Tiến Văn xin kính chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(20/04/2014)

No comments:

Post a Comment