Wednesday, April 9, 2014

Nỗi sợ hãi không cần thiết của người Việt

Thứ Tư, ngày 09.04.2014    
Liên tục chương trình, qua chuyên mục Con Người Việt Nam tuần này, Nguyên Hồng nhận định về “Nỗi sợ hãi không cần thiết của người Việt ”. Mời quý thính giả cùng theo dõi sau đây
Làm sao đánh tan lòng sợ hãi của người Việt Nam trước những đàn áp của nhà cầm quyền độc tài VN? Trong kỳ phát thanh này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cái sợ hãi tự nhiên của Con Người và cái sợ hãi do truyền thống hay nói nôm na là do suy nghĩ không đúng để đưa đến sự sợ hãi mà đáng lý ra chúng ta chăng nên phải sợ hãi.
Sự sợ hãi là điều tự nhiên của con người. Khi ta còn bé ta thường sợ hãi rất nhiều điều. Chúng ta sợ con giun, con dế, hoặc chúng ta sợ một người lớn tuổi nào đó khi người ta lớn tiếng hù dọa ta. Khi lớn lên, chúng ta hiểu rõ được vấn đề -- cho nên con giun, con dế không còn làm chúng ta sợ hãi nữa. Ngay cả những người lớn tuổi có hù dọa ta thì chúng ta cũng chỉ mỉm nụ cười, xem lời nói đó là vui đùa.
Tuy nhiên người Việt Nam khi trưởng thành thì lại có một sợ hãi khác, và cái sợ hãi này có tác động rất nhiều đến cuộc sống của mọi người mà mọi người không hề nghĩ đến. Cái sợ hãi này kéo dài từ thời xa xưa đến ngày nay. Và đã đến lúc chúng ta phải can đảm nhận diện để tìm ra nguyên nhân và vượt lên nỗi sợ hãi -- để chúng ta sống một cuộc sống con người mà chúng ta hằng mong muốn.
Điều sợ hãi đầu tiên cần phải nói đến đó là sự sợ hãi chính quyền. Từ xa xưa cho đến nay, người Việt Nam hay run sợ trước nhà vua, trước các ông lớn trong chính quyền. Nỗi sợ hãi này làm cho các ông vua, các nhà cầm quyền muốn làm gì thì làm và người Việt Nam cắn răng chịu đựng. Nếu có một chính quyền, hoặc một nhà vua tốt thì người Việt Nam được nhờ. Ngược lại thì người Việt Nam bị bóp chẹt và nhà cầm quyền sẽ tiếp tục bóp chẹt bởi họ biết được cái nỗi sợ hãi của người Việt Nam. Khi một ông vua hay một ông lớn nào đó trong chính quyền đến thăm địa phương nào đó thì người Việt Nam khúm núm chào đón. Thái độ này là thái độ của kẻ trên người dưới; thái độ của thường dân và vua chúa (hay nhà cầm quyền ở thời đại hôm nay). Chính thái độ này tạo cho các nhà cầm quyền càng xem thường người dân và tiếp tục áp bức người dân.
Hãy nhìn nhà cầm quyền Việt Nam hiện giờ, sự sợ hãi của người Việt Nam được thể hiện qua nhiều hình thức. Thay vì nhà cầm quyền phải phục vụ người Việt Nam thì ngược lại người Việt Nam phải phục vụ nhà cầm quyền. Chuyện gì có dính dáng đến giấy tờ của nhà cầm quyền thì người Việt Nam phải hối lộ để cho công việc được lẹ và thông qua dễ dàng. Có người biện minh rằng hành động này không phải là sợ hãi mà là đưa tiền cho được việc của mình. Tại sao phải đưa tiền để cho tiện việc của mình? Nhà cầm quyền được bầu ra là để làm công việc mà người dân giao phó, chứ đâu phải bầu ra để người dân làm tôi tớ, hoặc đưa đút tiền thì công việc mới xong. Hành động đưa tiền là một hành động sợ hãi dù chúng ta có biện minh với bất cứ lý do nào. Chính sự sợ hãi này mà chúng ta biết nhà cầm quyền hối lộ, tham nhũng, bóc lột, giựt tài sản của người dân, phá hoại tài sản của đất nước, độc tài đảng trị mà chúng ta cứ lẳng lặng cấm đầu lắng nghe. Từ việc giáo dục, xã hội, y tế nhà cầm quyền đã làm được gì cho quần chúng Việt Nam, những người thấp cổ bé miệng và nghèo đói? Người dân hoàn toàn không có cơ hội bình đẳng để tiến lên trong xã hội. Người xưa thường nói "con quan thì được làm quan, con sãi nhà chùa thì quét lá đa". Chính sự sợ hãi trong lòng của mỗi người Việt Nam -- đã tạo cho nhà cầm quyền tự tung, tự tác trên tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống. Và người Việt Nam sẽ tiếp tục quét lá đa cho một thiểu số sống trên sung sướng. Thiểu số đó là những người cầm quyền tại Việt Nam, những người trong đảng cộng sản Việt Nam, con cái của các quan chức Việt Nam.
Một sự sợ hãi khác là quan hệ giữa chủ và nhân công. Người Việt Nam xem quan hệ này là quan hệ của kẻ có tiền và người không có tiền. Cho nên người không có tiền nếu gặp ông chủ tốt thì nhờ, còn gặp ông chủ xấu thì sẽ bị đì, sẽ bị bóc lột sức lao động, sẽ bị hạ phẩm chất con người. Đừng nói đến quan hệ chủ-tớ, ngay cả người quản trị một xí nghiệp nào đó, người ta sẵn sàng bóc lột sức lao động của nhân công để lấy điểm với ông chú xí nghiệp đó.
Một sự sợ hãi khác của người Việt Nam không những chỉ ở trong nước mà ở ngoài nước đó là sợ hãi làm nhân chứng cho một vụ hành hung hay một vụ phạm pháp nào đó mà người đó đã chứng kiến, hoặc hợp tác với chính quyền địa phương trong việc điều tra các vụ phạm pháp của các băng đảng. Người Việt Nam sợ nếu làm nhân chứng rồi kẻ phạm pháp đó sẽ tìm mình để trả thù. Và chính sự sợ hãi đó -- vô hình chung -- người Việt Nam nuôi dưỡng các tổ chức phạm pháp, các băng đảng Việt Nam tại quốc gia cư trú. Thái độ nuôi dưỡng đó sẽ dẫn đến một hệ quả không tốt là trong tương lai, họ sẽ lại là nạn nhân của các băng đảng phi pháp. Băng đảng phi pháp cũng giống như nhà cầm quyền Việt Nam; họ chẳng có luật gì cả ngoài luật rừng do họ đưa ra -- áp dụng cho kẻ khác chứ không phải cho họ, và họ sẵn sàng cướp giựt tài sản của bất cứ ai nếu cơ hội cho phép.
Những nỗi sợ hãi trên đã làm cho con người Việt Nam yếu mềm, đã làm cho dân tộc trở nên hèn nhát với chính người Việt Nam. Chúng ta rất anh hùng với người ngoài, nhưng chúng ta rất hèn nhát với chính người Việt Nam. Bởi hèn nhát chúng ta cắm đầu chịu đựng sự độc tài đảng trị, sự ăn trên ngồi trước của đảng cộng sản Việt Nam, sự buôn bán đất đai của đảng cộng sản Việt Nam cho Trung Quốc, và chúng ta mặc nhiên chấp nhận sự hiện hữu của một chính quyền độc tài, tham nhũng, thối nát; một chính quyền không tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người; một chính quyền để phục vụ đảng cộng sản Việt Nam, phục vụ đảng viên đảng cộng sản Việt Nam.
Đã đến lúc chúng ta phải đánh thức lại con người Việt Nam, đánh thức lòng tự trọng của người Việt Nam để người Việt Nam thấy được giá trị của chính mình và xóa tan các nỗi sợ hãi. Từ đó, chúng ta chủ động trong việc vận động cho một VN tự do dân chủ thật sự chứ không phải sự dân chủ giả hiệu hiện giờ.
Nguyên Hồng

No comments:

Post a Comment