Monday, April 14, 2014

NỀN KINH TẾ TỤT HẬU BỞI NHỮNG CÁI ĐẦU HỦ LẬU

Thứ Hai, ngày 14.04.2014    
"Định hướng xã hội chủ nghĩa" mà TBT Nguyễn Phú Trọng và Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đinh Thế Huynh tiếp tục khắc ghi vào hiến pháp 2013 là nguyên nhân của tham nhũng, lãng phí, quan liêu trì hoãn phát triển kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Bảo Ngân... với tựa đề: "NỀN KINH TẾ TỤT HẬU BỞI NHỮNG CÁI ĐẦU HỦ LẬU" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
"Cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực, chính sách cũng như những tồn tại vấn đề tham nhũng, gánh nặng quy định pháp luật... là những rào cản thu hút FDI (Foreign Direct Investment). Lào, Campuchia đã vượt Việt Nam rồi!". Đó là tuyên bố của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group.
Theo dự báo mới của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 7/4/2014, Campuchia sẽ là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất tại khu vực Đông Nam Á trong năm nay. Tổng sản phẩm quốc nội, gọi tắt là GDP của Campuchia năm 2014 này ước tính đạt 7,2%, cao hơn dự báo trước đó 0,2%, ngang bằng với Lào. Còn Myanmar được dự báo đạt mức tăng trưởng 7,6%; tiếp đó lần lượt là Philippines với 6,6%; Việt Nam là 5,5%. Indonesia - 5,3%; Malaysia - 4,9% và Thái Lan đạt mức tăng trưởng 3%. CSVN tuy có bề dầy gần 30 năm mở cửa kinh tế theo mô hình tư bản nửa vời, nhưng cũng không thể ngờ rằng hai nước đàn em là Campuchia và Lào mặc dù mở cửa sau nhưng đã bứt phá qua mặt CSVN. Campuchia và Lào đang cải thiện nền kinh tế rất nhanh so với Việt Nam, nhờ những giúp đỡ tốt từ Phương Tây. Nếu Việt Nam không thay đổi mạnh mẽ theo thị trường toàn cầu, thu nhập đầu người của Campuchia và Lào sẽ cao hơn Việt Nam sau 15 năm nữa. Nhưng điều quan trọng là CSVN phải thay đổi như thế nào và bắt đầu từ đâu, khi họ chứ không phải ai khác đã tạo ra một nền kinh tế quái thai không giống ai, y như cái tên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà CSVN tự hào nghĩ ra. Kể từ năm 1986 khi CSVN bắt đầu đổi mới kinh tế, đến nay kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 6 chỉ còn hai năm nữa là kết thúc, nhưng toàn cảnh bức tranh kinh tế đã hiện rõ sự suy sụp toàn diện cấu trúc kinh tế mà không có cách gì để cứu vãn tình thế. "Kiểm điểm" nửa chặng đường phát triển giai đoạn 2011-2015, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ lo ngại: "Có dấu hiệu kinh tế Việt Nam đang tụt hậu so với các nước".
Tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài gọi tắt là FDI, đăng ký trong ba tháng đầu năm 2014 vào Việt Nam chỉ đạt 3,334 tỉ Mỹ kim, giảm 49,6% so với mức 6,034 tỷ Mỹ kim cùng kỳ năm 2013. Các công ty FDI là một trong những trụ đỡ chính của nền kinh tế, cùng với hệ thống doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp FDI đã chiếm 65 đến 68% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó các doanh nghiệp trong nước vẫn xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như gạo, cà phê hạt, hột tiêu là những mặt hàng không có giá trị gia tăng cao. Giờ đây các doanh nghiệp FDI đã "thấm đòn" khi làm ăn với chế độ cộng sản, mặc dù các doanh nghiệp nước ngoài này cũng thừa mưu mô, thủ đoạn để tận dụng tối đa lợi nhuận như: báo lỗ kéo dài để tránh đóng thuế, kê khai nguyên liệu nhập khẩu cao gấp nhiều lần từ công ty mẹ , bóc lột sức lao động công nhân tối đa vì lợi thế giá nhân công rẻ đã không còn.v..v...Những doanh ngiệp FDI này bất mãn nhiều nhất là các chính sách hay luật lệ thay đổi liên tục, chồng chéo nhập nhằng tạo cơ hội cho sự vòi vĩnh tham nhũng, nhận hối lộ của các quan chức có thẩm quyền. Thêm vào đó là nguồn nhân lực chất lượng tương đối chứ chưa nói chất lượng cao, cũng đã không đáp ứng đủ nhu cầu cần lao động, bởi hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa đã bị gẫy đổ, khi cho ra lò những cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ giấy không biết cách làm việc, chỉ hữu danh vô thực.
Trong một thời gian dài, CSVN sử dụng nguồn lực quốc gia và vay mượn quốc tế cho vấn đề phát triển hạ tầng cơ sở, nhất là về giao thông. Nhưng đã mấy chục năm rồi mà đường xá cầu cống do CSVN tiến hành xây dựng, đã không giúp ích gì cho việc phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông nhếch nhác luộm thuộm, không đầu không đuôi, chẳng gắn kết nối liền trong hệ thống dẫn đến chi phí vận chuyển tăng vọt. Các sản phẩm công trình cầu đường thường bị rút ruột tham ô, tham nhũng từ khi còn là dự án trên giấy, cho đến lúc thực hiện xây dựng trên công trường, và đương nhiên hỏng hóc xuống cấp nhanh chóng là điều phải xẩy ra. Đầu tư xây dựng cơ bản, và quản lý đất đai, chính là miếng mồi béo bở nhất kích thích lòng tham của bất cứ ông, bà ủy viên bộ chính trị nào.
Từ suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 đến nay, kinh tế do CSVN điều hành mới phát lộ rõ các nhóm lợi ích bị điểm mặt chỉ tên. Sự hung hãn của các nhóm lợi ích dựa hơi quan chức đã giết chết các doanh nghiệp tư nhân trên cả nước, mặc dù mức đóng góp lợi nhuận của hệ thống kinh tế tư nhân cho đất nước luôn đạt con số trên 40% một năm. Giờ đây những doanh nghiệt tư nhân này như chanh vắt hết nước và năm lăn lóc đâu đó trong cái kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những bộ óc đỉnh cao trí tuệ ở lăng Ba Đình đâu còn tâm trí mà lo cho doanh nghiệp tư nhân, bởi chính doanh nghiệp nhà nước do họ đẻ ra cũng đang trong cơn "bạo bịnh" thua lỗ, phá sản nhưng vì lòng tham vẫn cố níu kéo trong tuyệt vọng.
Kinh tế, chính trị là hai mặt của một vấn đề phải giải quyết song hành, nhưng lãnh đạo CSVN với những cái đầu hủ lậu vẫn thích làm "con ma một chân" nhảy lò cò, thay vì đi trên hai chân như nhân loại.
Bảo Ngân.

1 comment: