Wednesday, April 16, 2014

Nguyên nhân và cách thức phá tan sự sợ hãi trong lòng chúng ta

Thứ Tư, ngày 16.04.2014    
Liên tục chương trình, qua chuyên mục Con Người Việt Nam hôm nay, Nguyên Hồng sẽ nói về “nguyên nhân và cách thức phá tan sự sợ hãi trong lòng chúng ta … ”. Mời quý thính giả cùng theo dõi sau đây
Trong tuần hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân và cách thức nào để phá tan sự sợ hãi trong lòng của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta thấy được sức mạnh của chính chúng ta, của chính dân tộc; và chỉ khi nào chúng ta dứt khoát với nỗi sợ hãi với chính người Việt Nam, với chính nhà cầm quyền độc tài VN, thì lúc đó dân tộc mới thoát khỏi sự đô hộ kiểu mới của Trung Hoa mà các thái thú là đảng cộng sản VN đang ngự trị trên khắp nẽo đường của đất nước từ mấy chục năm qua.
Từ bao lâu, chúng ta được giáo dục là vua là trên hết, chính quyền là trên hết. Là một thường dân, chúng ta phải phục tùng mà không thể cãi lại cho dù lệnh vua hay lệnh của chính quyền hoàn toàn sai trái. Chúng ta quan niệm rằng "thần bất tử bất trung". Nghĩa là vua bảo chúng ta chết mà chúng ta không chết thì không có trung với vua. Với hiện tại, chế độ vua chúa không còn nữa, nhưng thay vào đó một chế độ độc tài, nếu ai đó nói hay đi ngược lại với đảng cộng sản Việt Nam thì sẽ được gán cho từ phản quốc, tiết lộ bí mật quốc gia hay bất cứ lý do nào đó để bỏ tù hoặc tù tại gia. "Thần bất tử bất trung" được hiểu theo nghĩa là phải nói và làm theo cái điều đảng muốn. Đi ngược lại điều đó thì sẽ bị hậu quả nghiêm trọng đến bản thân và đôi khi liên lụy đến cả gia đình.
Chúng ta được giáo dục là vua do trời chỉ định. Không! Đó là một điều vô lý. Chính quyền (vua chúa hay không vua chúa) do dân bầu ra chứ chẳng phải do trời chỉ định. Từ thời nguyên thủy loài người, chúng ta sống là một cá nhân riêng lẽ, chẳng ai làm vua ai. Nhưng vì nhu cầu của cuộc sống -- chúng ta hợp quần lại với nhau để thành lập bộ lạc hay quốc gia thì chúng ta bầu ra những người có đủ tài để điều khiển sinh hoạt trong một bộ lạc, quốc gia. Vua chúa không nằm ngoài ngoại lệ trên. Thế nhưng quá khứ đã cho chúng ta thấy, các vua ngày xưa cũng như nhà cầm quyền thời nay, họ luôn luôn nhồi nhét vào đầu chúng ta là họ do trời chỉ định và chúng ta phải phục tùng họ tuyệt đối cho dù phải chết.
Chúng ta có một quan niệm rất là sai -- đó là các vua, các quan, các vị trong chính quyền tài giỏi hơn mình cho nên mình không nên cãi, cứ phải lắng nghe và làm theo điều họ nói.
Cần phải xác định lại một điều, không ai trên thế gian này tài giỏi hơn người nào. Bất cứ người nào sinh ra đều có một cái tài riêng mà người khác không có. Ai bảo rằng anh bác sĩ, kỹ sư tài giỏi hơn bác nông dân, hay anh vá vỏ xe đạp ở lề đường thì người đó hoàn toàn nhìn vấn đề không toàn vẹn. Anh kỹ sư, bác sĩ có thể giỏi hơn bác nông dân, hay anh vá vỏ xe đạp ở lề đường về chuyên môn của kỹ sư, bác sĩ; nhưng nói về cách trồng lúa, làm ruộng hay cách vá vỏ xe, anh bác sĩ và kỹ sư sẽ không làm được những việc trên và những việc trên bác nông dân, anh vá vỏ xe đạp bên lề đường giỏi hơn nhiều.
Cần phải có một quan niệm mới là mỗi người trong một xã hội đóng một vai trò chính trong vị trí của họ. Giống như một chiếc xe đạp, chẳng có bộ phận nào gọi là chính, mà tất cả bộ phận đều cần nhau để cho chiếc xe đạp được hoạt động tốt. Thiếu một con ốc chiếc xe đạp sẽ trở thành một đống sắt vô dụng. Ở xã hội cũng vậy, mỗi người đều có khả năng riêng biệt để làm tròn bổn phận của mình trong vị trí xã hội -- cho nên tất cả mọi người đều phải được kính trọng cho dù địa vị trong xã hội của cá nhân đó không được cao. Chúng ta nên nhìn vào con người, kính trọng con người ở việc làm, tư cách của họ chứ chúng ta đừng nên nhìn vào bằng cấp, tài sản, hay quyền thế để kính trọng.
Anh kỹ sư, bác sĩ cần bác nông dân và anh vá vỏ xe đạp bên lề đường -- bởi không có những người đó -- anh kỹ sư, bác sĩ sẽ không có gạo để mà ăn; không có xe đạp để đi học, đi làm. Ngược lại bác nông dân hay anh vá vỏ xe đạp cần anh kỹ sư, bác sĩ bởi hai người trên sẽ giải quyết được chuyện bệnh hoạn và sáng tạo ra những dụng cụ làm ruộng tân tiến nhằm giảm bớt sức lao động. Chẳng ai hơn ai, chẳng ai thua ai bởi mỗi người đóng một vị trí riêng biệt trong xã hội.
Khi mà có quan niệm trên, chúng ta thấy rằng vua chúa hay nhà cầm quyền cũng chỉ là những cá nhân như chúng ta. Khác chăng là vị trị của họ trong xã hội -- họ được giao trách nhiệm để điều hành công việc của quốc gia. Nếu họ không điều hành tốt thì chúng ta có quyền thay đổi người khác. Chúng ta sẽ không im lặng để cho nhà cầm quyền muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Chúng ta phải xác định rõ với nhà cầm quyền là họ vì dân mà ra, do dân mà có. Nếu họ không làm đúng cái điều dân muốn, không đem lại cơm no -- áo ấm, bình đẳng -- tự do thì chúng ta sẽ thay thế họ bằng những cá nhân khác, những đảng phái khác có đủ nhân tài để thực hiện chuyện cơm no -- áo ấm, tự do -- dân chủ.
Các ông chủ mướn nhân công cũng vậy. Chẳng phải vì ông ta làm chủ là ông ta hơn chúng ta. Có những điều ông ta hơn chúng ta nhưng có những điều ông ta thua chúng ta. Cho nên chẳng có gì mà chúng ta sợ hãi khi nói lên cái lẽ phải. Nếu ông chủ sai thì nói là sai. Bởi nếu chúng ta im lặng thì chúng ta sẽ bị ông chủ bóc lột sức lao động cho đến lúc nào đó chúng ta lên tiếng thì họ mới ngưng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có một bộ máy nhà nước dân chủ để có những bộ luật bảo đảm quyền lợi của người lao động, bảo đảm khi người nhân công lên tiếng tranh đấu cho lẽ phải sẽ không bị các ông chủ trả thù bằng cách đuổi việc.
Tuần tới chúng ta sẽ nói làm sao chúng ta bắt đầu cuộc cách mạng để đánh thức con người VN, đánh tan sự sợ hãi trong con người VN từ mấy chục năm qua.
Nguyên Hồng

No comments:

Post a Comment