Saturday, January 18, 2014

Thủy quân Tả tướng Phật Nguyệt

Thứ Bảy, ngày 18.01.2014
Kính thưa quý thính giả,
Thời Hai Bà Trưng là thời đại có nhiều bậc Anh thư cùng phất cờ khởi nghĩa dựng lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc Việt. Trong 20 nữ tướng tài ba của Hai Bà có người con gái xuất thân vùng sông Thao, trước cảnh lầm than của đất nước đã đứng lên chiêu mộ hào kiệt và được tôn làm nữ chúa hồ Ðộng Ðình. Bậc nữ lưu này đã lập được nhiều công trạng hiển hách trong cuộc chiến chống ngoại xâm theo truyền thống của dân tộc. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Thủy quân Tả tướng Phật Nguyệt" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
*****
Tích trù Động Đình, uy trấn Hán,
Phương lưu thanh sử, lực phù Trưng.
Đó là hai câu đối tại đền thờ Thủy quân Tả tướng Phật Nguyệt ở Phương Lĩnh. Có nghĩa là:
"Sự tích hiển hách còn lưu ở Động Đình, trấn áp nhà Hán,
Danh thơm lưu truyền sử sách, sức mạnh phò vua Trưng".

***
Vào những năm 40 sau Công nguyên, Thái thú Tô Định của nhà Hán được sang Giao Châu và áp dụng chính sách cai trị một cách tàn bạo. Với ý chí yêu nước thương nòi và trước nợ nước thù nhà, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa.
Hai Bà đã cho người đi khắp nơi chiêu mộ quân sĩ, lúc sứ giả về đến làng Ẻn thì có người con gái tên là Phật Nguyệt gia nhập và sau này được phong làm công chúa dưới trướng Trưng Nữ Vương.
Công chúa Phật Nguyệt tên là Đinh Phí Nguyệt, ra đời tại làng Ẻn, bên bờ sông Thao. Cha là Đinh Văn Bôn, mẹ là Phí thị Vang. Do họ Đinh của cha và họ Phí của mẹ đặt bên nhau thành chữ Phật, nên Đinh Phí Nguyệt có tên là Phật Nguyệt. Thuở nhỏ Phật Nguyệt rất thông minh hoạt bát, khoẻ mạnh, sống bằng nghề chài lưới và đam mê cung kiếm.
Từ khi gia nhập vào nghĩa quân, Phật Nguyệt ra sức chiêu mộ binh sĩ ở các làng lân cận, lập thành đạo thủy quân và ngày đêm tập dượt thủy chiến trên dòng sông Thao. Đạo thủy quân với hơn 2 ngàn quân thiện chiến của bà đã kiên cường trấn giữ và đánh thắng nhiều trận lớn, làm cho quân Tô Định nhiều phen khiếp vía vì luôn bị tổn thất nặng nề.
Với những chiến công hiển hách, nữ tướng Phật Nguyệt đã được Hai Bà Trưng phong chức Thao giang Tả tướng quân và sắc phong là Công chúa Phật Nguyệt.
Do có sự liên kết, chuẩn bị bí mật nên địa bàn khởi nghĩa lan rộng ngay từ những ngày đầu, với nghĩa quân đến từ 9 quận là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Uất Lâm, Thương Ngô, Nam Hải, Hợp Phố, Châu Nhai và Ðạm Nhĩ. Tổng cộng có đến 65 huyện thành cùng tham gia vào cuộc khởi nghĩa.
Giao Chỉ là một trong những quận lớn, và cũng là cái nôi của cuộc khởi nghĩa với những huyện thành là Mê Linh, Chu Diên, Long Biên, Liên Thụ, An Ðịnh, Cẩu Lâu, Khúc Dương, Bắc Ðới, Kê Từ, Tây Vu. Trong số 10 huyện thành này thì 2 căn cứ khởi nghĩa quan trọng đặt tại hai huyện Mê Linh và Chu Diên. Nghĩa quân lấy núi Ba Vì và sông Hồng làm điểm tựa và là nơi xuất phát những mũi tấn công chính.
Lực lượng nghĩa quân của Hai Bà Trưng đã khiến hàng loạt các tên thái thú nhà Hán ở 9 quận hốt hoảng tháo chạy, một số bị bắt giết và một số người đầu hàng. Thậm chí Thái thú Tô Ðịnh cũng phải cải trang thành phụ nữ để đào thoát.
Oanh liệt hơn nữa là không phải chỉ có hơn 2 vạn quân Hán sang trấn áp cuộc khởi nghĩa do Hai Bà lãnh đạo như Hán sử đã viết, mà thực sự là có hàng chục vạn quân Hán bị thảm bại trước sức quật cường của dân quân Việt. Bằng chứng là năm 49 sau Công nguyên, khi tìm cách rút quân tháo chạy ra khỏi quận Giao Chỉ, tướng giặc là Mã Viện cùng với đám tàn quân còn sót lại cũng bị nghĩa quân vây hãm và giết chết.
Phật Nguyệt chỉ là một nữ tướng, nhưng đánh bại Mã Viện là đệ nhất danh tướng trong lịch sử các vương triều Hán. Các sử liệu mới nhất cho thấy là hầu hết các danh tướng nhà Hán được gọi là "nhị thập bát tú" cũng bị đại bại dưới tay Hai Bà Trưng.
Khi quân Việt bị đánh bại, nữ tướng Phật Nguyệt cùng các nghĩa binh đã tử trận trên dòng sông Thao sau một trận đánh hào hùng. Sử chép, ngày mùng 10 tháng 2 năm Quý Mão, Lưu Long bao vây phá vỡ căn cứ của Phật Nguyệt. Công chúa Phật Nguyệt đột phá vòng vây, chạy ra bờ sông thì bị tử trận.
Từ đó, dân làng Ẻn đã lập đình thờ bà Phật Nguyệt cùng các tướng lãnh, gọi là đình Ngũ Giáp. Hàng năm vào ngày mùng 3 tháng Giêng, dân chúng trong vùng mở hội và tổ chức lễ tưởng nhớ công đức của bà. Ngoài ra, bà được dân chúng các xã Thanh Vân, Phương Lĩnh huyện Thanh Ba, Vĩnh Phú lập đền thờ phượng.
* * *
Một trong những điểm rất đáng chú ý trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là có hàng chục nữ tướng tài ba dưới trướng. Ngoài Công chúa Phật Nguyệt còn có Công chúa Lê Chân, cũng là một nữ tướng thiện chiến về thủy binh. Trong khi đó, những phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa hiếm có người nào là nữ tướng anh dũng trên chiến trường.
Vì được hun đúc bởi tinh thần kiên cường bất khuất của các nữ lưu như Phật Nguyệt, mà dân tộc Việt luôn có những bậc Anh thư hào hùng xuất hiện trong những giờ phút đen tối nhất của đất nước. Người ta có thể nhận thấy rõ là dòng máu Anh thư này đang tiếp tục chảy tràn trong huyết quản của những người phụ nữ Việt Nam đã và đang xuất hiện ngày càng đông đảo trong phong trào đấu tranh giành lại chủ quyền và nhân quyền cho dân tộc, bất chấp sự đàn áp bỉ ổi và tàn nhẫn của tập đoàn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã thối nát đến cùng cực, đang cam tâm cúi đầu làm thái thú cho Tàu Cộng.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment