Sunday, January 19, 2014

Nói Với Người Cộng Sản, Chủ Nhật 19.01.2014

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian

Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Mỗi người chúng ta đều đang bồi hồi chuẩn bị lại được tận hưởng không khí sum họp đầm ấm đặc biệt của ngày Tết. Nhưng cái hạnh phúc đơn sơ ấm nồng đó không dễ có đối với nhiều người, đặc biệt là những người, như nhiều quí bạn, đang phục vụ trong lực lượng quân đội – những người giữ trọng trách bảo vệ biên cương tổ quốc. Là những người can trường trước hòn tên mũi đạn nhưng có người lính Việt nào lại không cảm thấy da diết nổi nhớ mẹ, nhớ quê mỗi khi xuân về?

"Con biết bây giờ mẹ chờ tin con.
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương.
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về.
Nay én bay đầy trước ngõ,
Mà tin con vẫn xa ngàn xa.
Đó là nỗi niềm của người lính phải tạm gác tình riêng để lo việc nước trong nhạc phẩm bất hủ "Xuân này con không về". Nhưng có những người lính, binh sỹ không phải chỉ tạm vắng nhà, xa mẹ một mùa xuân hay vài mùa xuân mà thôi.
Con biết không về mẹ chờ em trông.
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong.
Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường,
Không lẽ riêng mình êm ấm.
Mẹ ơi, con xuân nay vắng nhà."
Cách đây đúng 40 năm, ngày 19 tháng 01 năm 1974, 74 binh sỹ Việt Nam Cộng Hòa đã vĩnh viễn không được gặp lại mẹ cha. Họ đã phải nằm lại giữa biển khơi mãi mãi hoặc không kịp gửi lời trăn trối tới người thân trước khi hy sinh trong trận huyết chiến với quân xâm lược Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa.
Trận chiến đó chúng ta đã thua, quân Trung Cộng đã thắng.
Thưa quí vị, quí bạn, bối cảnh chính trị tại Việt Nam và trên thế giới vào đầu năm 1974 đã tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi cho quân Trung Cộng chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của chúng ta.
Những điều kiện đó là gì?
Thứ nhất, đó là tình trạng sức mạnh của đất nước Việt Nam bị phân ly, suy yếu trầm trọng do cuộc nội chiến Nam-Bắc giữa hai chính thể, một bên là Việt Nam Cộng Hòa theo tư bản, còn bên kia là Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa theo cộng sản.
Thứ hai, chính quyền cộng sản tại miền Bắc đã trở thành một chính quyền phiên thuộc, bị Trung Cộng mua chuộc và khống chế từ năm 1950. Không những thế, năm 1958 chính quyền cộng sản miền Bắc còn ký một công hàm thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Cộng.
Thứ ba, đầu năm 1974 là lúc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn: một mặt, đồng minh Hoa Kỳ đã thay đổi chính sách, cắt giảm viện trợ và rút hoàn toàn binh sỹ ra khỏi Việt Nam Cộng Hòa; mặt kia, chính quyền cộng sản tại miền Bắc đang rốt ráo tập hợp lực lượng để tấn công và cưỡng chiếm miền Nam sau khi Hoa Kỳ rút quân.
Thứ tư, bối cảnh chiến tranh lạnh và sự xung đột giữa Liên-xô-Trung Cộng ngày càng gia tăng đã khiến cho Trung Cộng và Hoa Kỳ trở nên gần gũi, gắn bó với nhau.
Như quí vị và quí bạn đã biết, khi Trung Cộng tấn công Hoàng Sa, chính quyền và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối và hết sức nổ lực chống trả lực lượng Trung Cộng. Trong khi đó chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tại miền Bắc không chỉ lặng thinh, họ còn đề nghị Liên-xô cũng im lặng để mặc cho Trung Cộng tấn công và chiếm đóng Hoàng Sa.
Tuy vậy, dù ở thế bị cô lập trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục tích cực xúc tiến các hoạt động để khẳng định chủ quyền trước công luận quốc tế, đồng thời chuẩn bị các kế hoạch tấn công giành lại Hoàng Sa trong tương lai. Nhưng biến cố 30/04/1975 đã dập tắt hoàn toàn các hoạt động và kế hoạch đó của Việt Nam Cộng Hòa.
Kể từ đó tới nay, dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đất nước ta không chỉ vẫn bị mất Hoàng Sa mà còn bị mất thêm nhiều lãnh thổ, lãnh hải và nhiều đảo khác vào tay Trung Cộng.
Ngày hôm nay nhìn lại biến cố Hoàng Sa cách đây 40 năm, chúng ta càng thấy rõ thêm bản chất vong quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ luôn dành ưu tiên cho việc giữ quyền lực cho đảng cao hơn việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, họ luôn coi lợi ích của đảng quan trọng hơn lợi ích dân tộc.
Coi lại lịch sử, chúng ta thấy rõ nếu như Đảng Cộng sản Việt Nam không coi Trung Cộng là "anh em môi hở răng lạnh", nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không ký công hàm để công nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Cộng, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không quyết "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", thì chắc chắn Trung Cộng không thể có điều kiện thuận lợi như đã có để tấn chiếm Hoàng Sa của chúng ta.
Nói cách khác, Đảng Cộng sản Việt Nam chính là tác nhân chủ yếu đã khiến cho đất nước ta bị mất toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cách đây bốn mươi năm.
Thưa quí vị, quí bạn công an, bộ đội, hôm nay tất cả chúng ta cùng nhớ đến biến cố Hoàng Sa và tưởng niệm bảy mươi tư binh sỹ đã hy sinh anh dũng không chỉ để nhớ đến một phần thân thể của đất nước vẫn đang bị Trung Cộng chiếm đoạt, không chỉ để tri ân những người lính ái quốc của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, mà đây còn là lúc chúng ta cùng nhớ đến và cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất tới tất cả những người lính đã hy sinh, những đồng bào đã phải bỏ mình trong một cuộc chiến vô nghĩa, khốc hại do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(19/1/2014)

No comments:

Post a Comment