Friday, January 17, 2014

Thư của Trần Thị Minh Trang gửi đến thân nhân của những liệt sĩ hải chiến Hoàng Sa

Thứ Sáu, ngày 17.01.2014    
Bảo vệ đất nước là nhiệm vụ của toàn dân nhưng hiện nay những kẻ đầu sỏ tại VN đang làm ngược lại trọng trách này khi đang tâm bán nước cho ngoại bang. Trong chuyên mục "Lá thư tuổi trẻ" do Phùng Kiên phụ trách tuần này,chúng tôi mời quý thính giả theo dõi lá thư của Trần thị Minh Trang với sự trình bày của Mỹ Linh.
Kính thưa quí thân nhân vô cùng kính mến!
Thưa quí vị, những người đã có công bảo vệ Hoàng Sa thân yêu và những người đã đồng hành cùng những vị anh hùng không tiếc máu xương cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.
Tưởng chừng mới đây thôi mà đã bốn mươi năm dài, bốn mươi năm mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha và những người còn sống mất đi một phần thân thể quí báu. Tất cả sự hy sinh này, thế hệ mai hậu của cháu không biết làm gì hơn ngoài việc nghiêng mình kính cẩn, ghi khắc công ơn này và tự hứa với lòng mình sẽ sống một cách xứng đáng với những gì cha ông đã gầy dựng, gìn giữ và hy sinh cho quê hương Việt Nam thân yêu này.
Bốn mươi năm, con số đủ để một đứa bé ra đời, trưởng thành, hôn phối và lại tiếp tục sinh ra những đứa bé khác trong câu chuyện dài của nhân loại. Và, bốn mươi năm, thế giới đã thay đổi rất nhiều, con người đã tiến xa một bước vào vũ trụ sâu thẳm, bước chân lên những hành tinh mới lạ để suy tư về ý nghĩa của hai chữ con người cũng như thế giới của con người. Và cũng từ bước nhảy vọt này, con người suy nghĩ nhiều hơn về tổ tiên, về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của hai chữ Tiền Nhân – những người có công lập quốc, xây dựng đất nước và duy trì sự tồn vong quốc gia, giữ gìn cho con cháu.
Một Hoàng Sa thân yêu đã nhuộm máu xương của thủy tổ người Việt, trong từng thớ đất Hoàng Sa, trong từng lá cây ngọn cỏ Hoàng Sa đều thơm tho hương máu Việt Nam mà cha ông đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để vượt ngàn trùng, đặt chân lên đảo, ghi dấu, cắm mốc lãnh thổ và trồng cây, xây dựng. Những công trình xây dựng trên đảo Hoàng Sa tuy không qui mô, tầm cỡ nhưng lại kỳ vĩ một nỗi kiêu hùng Việt Nam. Đâu đó trong âm ba thét gào của biển, trong tiếng gió chiều tà, khúc khải ca của những vong linh anh hùng bảo vệ tổ quốc cất lên từ lòng biển sâu như một lời nhắn nhủ cùng mai hậu về sứ mệnh tuy hào hùng nhưng vẫn còn dở dang và nhuộm màu nước mắt này!
Là thế hệ sinh sau đẻ muộn, là thế hệ mà xã hội vẫn gọi là 8X, cháu sinh ra rất muộn so với trận hải chiến Hoàng Sa. Cháu cũng chưa bao giờ nếm trải nỗi tang thương của chiến tranh, cũng như cháu chưa bao giờ phải theo mẹ, theo cha rúc hầm như thế hệ cha anh của cháu. Thế nhưng cháu nghĩ rằng trong dòng máu của mình vẫn bàng bạc chảy một nỗi buồn mất nước, nỗi buồn của người con Việt Nam nhìn thấy kẻ xâm lược đã chiếm trọn phần biển đảo thân yêu của quốc gia, và không dừng ở đó, họ đang dần dần tiến sâu vào đất liền, đang cố tình đồng hóa người Việt trở thành một bản sao chép của họ và họ đang bắt tay với những tên Việt gian bán nước hòng nuốt trọn Việt Nam.
Chưa bao giờ cháu lại thấy người Tàu xuất hiện đông đúc ở Việt Nam như lúc này, họ hống hách và tàn ác. Đúng ra, với tâm thức của một người tuổi trẻ trong thời đại thế giới phẳng, cháu không nên phân biệt người Tàu hay người Nhật cũng như người Mỹ hay người Đức khi họ sang tá túc, du ngoạn trên quê hương của mình. Thế nhưng, cháu cũng không có lựa chọn nào khác cho suy nghĩ của mình một khi thấy sự xuất hiện của người Tàu trên quê hương Việt Nam, vừa gợi nhắc những ký ức buồn về lãnh thổ lại vừa không hề có chút thiện chí nào. Đương nhiên, khi đưa ra ý kiến này, cháu đã thầm xin lỗi những người bạn Trung Hoa có thiện chí với nhân dân Việt Nam, họ là những con số rất ít ỏi và lẻ loi, nằm ngoài sách lược xâm lăng mang tầm quốc gia của Trung cộng,cái đất nước mà nhiều thế hệ, nhiều triều đại cha ông của họ đã từng âm mưu bành trướng Việt Nam.
Cháu phải nghĩ như thế nào một khi nhà cầm quyền Việt Nam không những không đấu tranh chống lại sự bành trướng này mà còn để ngỏ cho hàng hóa, rác rưởi công nghiệp của họ tràn ngập đất nước, gây nguy hại đến sức khỏe dân tộc, làm thui chột những thế hệ mai sau? Cháu phải nghĩ như thế nào một khi người Tàu ngang nhiên xây dựng công trình trên những mảnh đất vàng của quốc gia, toàn bộ vị trí đắc địa họ đều nắm trọn trong tay, toàn bộ những công trình trọng điểm, mang tính chiến lược quốc gia họ đều nhúng tay vào, toàn bộ lối sống và sự hư hỏng của tuổi trẻ đều mang dấu hiệu sao chép từ thứ văn hóa ruỗng nát của thời đại Cộng sản Trung Quốc?
Cháu phải suy nghĩ gì khi bạn bè cháu, anh em cháu, những người thân của cháu bị bệnh tật, chết chóc vì những thứ độc hại do người Trung Quốc đã cấy vào hàng hóa của họ? Cháu phải suy nghĩ như thế nào khi các em của cháu đang ngày càng trở nên mù mờ về lịch sử, những bài học của các em bị đánh tráo bởi một thứ lịch sử tô vẽ, lịch sử nửa Việt nửa Tàu, nửa mỡ nửa nạc?
Thú thực, có quá nhiều điều khiến cho bất kỳ con dân Việt Nam nào cũng thấy đau khổ nếu họ còn biết suy nghĩ! Mà nỗi đau lớn nhất hiện nay chính là một đất nước đang dần dà bị vong nô bởi bàn tay những kẻ bán nước và kẻ cướp nước mà miệng lúc nào cũng nói điều tốt đẹp!
Thực sự là cháu rất buồn và nhất là trong dịp Xuân về, Tết đến, dịp mà trước đây 40 năm, chư vị anh hùng đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ quốc gia nhưng sự nghiệp cao quí ấy vẫn còn dở dang. Chúng cháu xin tự hứa sẽ bảo vệ tổ quốc, sẽ nỗ lực học hành để trưởng thành, lớn mạnh mà bảo toàn tổ quốc, thực hiện tiếp công nghiệp lớn lao của cha ông!
Kính thư
Trần Thị Minh Trang

No comments:

Post a Comment