Sunday, September 23, 2012

Trả Lời Thư Tín ngày 23.09.2012

TN: Kính thưa quý vị thính giả của đài Đáp Lời Sông Núi, sau đây là tiết mục Trả Lời Thư Tín do Thùy Ngân thực hiện. Ông Tây Sơn, quản nhiệm đài Đáp Lời Sông Núi sẽ hầu chuyện với quý thính giả đã gửi thư hay gọi vào đài trong thời gian qua.
TN: Ông Đoàn Minh Trí, Huế:
Thưa quý đài, cách đây hơn 2 tháng, khi theo dõi trên mạng, tôi ghi nhận có kiến nghị của 42 nhân sĩ, trí thức miền Nam, kiến nghị với nhà cầm quyền Sài gòn về việc biểu tình phản đối Trung cộng chiếm biển đảo VN. Trong phần trả lời kiến nghị, ông Lê Minh Trí, phó chủ tịch ủy ban nhân dân Sài Gòn đã trả lời:
"Hiến pháp có xác định quyền biều tình của công dân nhưng chưa có luật biểu tình. Nghị định 38 có quy định tụ tập đông người phải xin phép và chính quyền sẽ cân nhắc lợi hại để cho phép hay không."
Chúng tôi nhận thấy CSVN có cả một rừng luật để cai trị , không biết phần trình bày của ông Trí đúng hay sai. Xin quý đài cho biết:
(1) Có cần phải kiến nghị để đi biểu tình hay không?
(2) Hiến pháp có, nhưng chưa có luật thì chưa áp dụng. Điều này có đúng hay không.?
TS: Thưa ông Đoàn Minh Trí, sự việc 42 vị trước đây đã là một phần trong bộ máy của CSVN ở những vị thế khác nhau, nay cùng lên tiếng về một vấn đề nóng bổng của đất nước là một dấu hiệu tốt. Điều này chứng tỏ thái độ khiếp nhược của CSVN trước kẻ thù phương Bắc có thể giúp cho tiến trình Bắc thuộc lần thứ năm rút ngắn không còn che dấu được nữa. Thưa ông Đoàn Minh Trí, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ rằng, tiếng nói của 42 công dân kể trên là tiếng nói của những người không bị đàn áp và chưa bị đàn áp. Đại đa số nhân dân miền Nam cũng như nhân dân Việt nam là những người bị đàn áp. Chúng ta tin tưởng rằng, một khi đại đa số bị áp bức lên tiếng thì cũng là lúc đảng CSVN sẽ bị đào thải.
Về 2 câu hỏi của ông, chúng tôi xin trả lời như sau:
(1) Có cần phải kiến nghị để đi biểu tình không?
Mỗi người diễn tả lòng yêu nước một cách khác nhau. Là những người chưa hề bị đàn áp nên tương quan giữa 42 vị và nhà cầm quyền CSVN là tương quan thân hữu, bạn bè. Kiến nghị hay xin phép là điều dễ hiểu.
Về phần nhân dân bị đàn áp, cuộc tranh đấu của nhân dân là cuộc tranh đấu giữa quần chúng bị đàn áp và lực lượng đàn áp. Việc phải xin phép hay kiến nghị để đi biểu tình là điều nhân dân bị đàn áp không nghĩ đến
(2) Hiến Pháp có, chưa có luật áp dụng thì chưa thi hành.
Điều này đúng. Tuy nhiên quyền bày tỏ ý kiến là một quyền của con người. Luật chỉ để hoàn thiện và bảo đảm quyền của con người mà hiến pháp đã quy định chứ không phải để ngăn cấm và hủy bỏ quyền của con người.
Nhưng chúng tôi phải hỏi lại ông Nguyễn Minh Trí, Điều 4 hiến pháp 1992, quy định vai trò lãnh đạo của đảng CSVN, hiện nay đã có luật chưa mà đảng CSVN lúc nào cũng tự cho mình "đảng lãnh đạo"?.
TN: Cô Hồng Giang, Đà Lạt:
Trong phần trả lời thư tín ngày 9 tháng 9, quý Đài cho biết vì hạn chế thời gian nên không thể có mục chuyên về âm nhạc hàng tuần. Đài muốn dành thời giờ để trình bày những sự thật mà chế độ muốn che dấu. Tôi nghĩ, âm nhạc cũng là một phương tiện rất hữu hiệu để truyền đạt sự thật, và nếu biết tận dụng, nó còn hiệu quả hơn văn viết, văn nói nhiều. Chẳng hạn những bản nhạc của Việt Khang đã rất có tác dụng, chẳng thế mà chế độ phải vội vã và thô bạo triệt hạ ngay Việt Khang! Tôi cũng đề nghị sau khi phát một ca khúc, Đài cần nói rõ tên bản nhạc, tác giả và ca sĩ trình bày cho thính giả biết, để nếu muốn họ có thể tìm kiếm trên mạng internet để nghe lại.
TS: Thưa Cô Hồng Giang, những ý kiến của Cô rất xác đáng. Chúng tôi xin ghi nhận để nghiên cứu áp dụng trong khả năng và hoàn cảnh cho phép.
TN: Ông Nguyễn Long, Toronto, Canada: Tôi theo dõi các buổi phỏng vấn dân oan của Đài và rất phẫn uất trước hành vi cướp đoạt tài sản trắng trợn và tàn bạo của Đảng CSVN. Tôi cũng cảm rất rất thương cảm trước tình trạng "màn trời chiếu đất", lầm than cực khổ cuả đồng bào khiếu kiện tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội. Nếu tôi muốn giúp đỡ một chút phương tiện cho các dân oan này, Đài ĐLSN có thể nhận chuyển giúp không?
TS: Thưa Ông Long, những gì mà Đài loan tải, trình bày về đời sống cơ cực của dân oan có thể nói mới chỉ diễn tả được một phần, một phần rất nhỏ, của thảm trạng này. Nỗi uất hận của những người dân oan thấp cổ bé miệng này có thể nói đã ngút trời. Tiếng súng hoa cải của Đoàn Văn Vươn đã rõ ràng nói lên điều đó. Đài rất hoan nghênh lòng từ tâm cuả Ông muốn giúp đỡ đồng bào dân oan trong nước. Chúng tôi sẽ có thư riêng đến Ông để bàn thảo về việc này. Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ việc mà chúng ta cần nỗ lực phải làm là triệt hạ cái gốc của thảm nạn này. Đó chính là sự độc quyền cai trị cuả Đảng CSVN. Chính điều 4 Hiến Pháp cho phép đảng CSVN làm chủ nhân Ông đất nước tuyệt đối và vĩnh viễn là căn nguyên của mọi quốc nạn tại VN, trong đó Dân Oan là một!
TN: Ông Hoàng Cầm (Vinh): Tôi và các bạn rất thích thú theo dõi các buổi phỏng vấn của Đài về hoạt động của người Việt ở nước ngoài, kể cả các bài trình bày về cuộc tranh cử Tổng Thống Mỹ hiện nay. Đây là những thông tin mà dân chúng cần biết để thấy rõ được sự khác biệt giữa xã hội độc tài và xã hội dân chủ. Đề nghị Đài có nhiều mục thảo luận và phỏng vấn về loại này.
TS: Thưa ông Hoàng Cầm, đúng như Ông nhận xét, ngoài mục tiêu vạch trần những tội ác, những tệ nạn do chế độ CS gây nên đối với đất nước và dân tộc, Đài ĐLSN còn chủ trường trình bày những cái hay, cái đẹp mà một thể chế dân chủ đem lại cho người dân, cho xứ sở. Các tiết mục mà Ông nói đến là một phần trong nỗ lực của Đài để thực hiện chủ trương vừa kể. Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của Ông để nghiên cứu áp dụng trong phạm vi khả năng và điều kiện cho phép.
Mục trả lời thư tín tuần này xin tạm ngưng nơi đây, Cám ơn quý thính giả đã gửi thư hay gọi vào đài trong thời gian qua. Thùy Ngân xin hẹn gặp lại quý thính giả của đài Đáp Lời Sông Núi vào kỳ tới. Xin chào tạm biệt.

No comments:

Post a Comment