Thursday, September 27, 2012

Nhân nghĩa đạo đức nay còn đâu!

Thứ Năm ngày 27.09.2012     
Lời dẫn: Chủ nghĩa cộng sản tam vô gồm vô gia đình, vô tổ quốc và vô tôn giáo dẫn tới hệ lụy là con người xã hội chủ nghĩa trở nên vô đạo đức. Con bất hiếu với cha mẹ, trò phản thầy, vợ chồng gian dối với nhau là lẽ đương nhiên.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Trần Việt Trình có tựa đề: "Nhân nghĩa đạo đức nay còn đâu! " sẽ được Hoàng Ân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Sự việc xảy ra vào trưa ngày 7 tháng 9 vừa qua, cụ ông tên Ngô Vỹ Nhân (87 tuổi) sau khi bệnh viện cho về, sau 2 tháng điều trị đã bị các con đưa tới trải chiếu đặt nằm trên vỉa hè trước cửa ngôi nhà số 11, phố Núi Trúc, Hà Nội.

Ngôi nhà nói trên là của người con trai cả của ông đã qua đời cách đây 2 năm. Hiện tại, người con dâu cả, cháu nội gái và người vợ đã ly thân của ông đang sống trong căn nhà này. Tầng trệt của ngôi nhà được cho thuê làm tiệm bán quần áo.
Ông chủ quán nước đối diện với ngôi nhà kể lại sự việc như sau: "Khoảng 11 giờ trưa tôi thấy chiếc taxi chở ông cụ Nhân về đây. Con gái, con dâu, con rể cụ vừa đưa bố xuống xe đã trải chiếu ngay trên vỉa hè để bố nằm. Rồi thì lỉnh kỉnh quần áo, đồ đạc vứt xung quanh ông cụ".
Ông chủ quán nước thở dài: "Nhìn ông cụ chỉ còn da bọc xương, gắng gượng hút bát phở mà lòng quặng đau. Chúng tôi chỉ là hàng xóm sống xung quanh mà còn không cầm được nước mắt khi nhìn ông cụ nằm mê mệt trên vỉa hè. Con cái bất nhân quá".
Ông kể tiếp: "Trời lúc nắng lúc mưa. Có lúc chỗ ông cụ nằm còn là vũng nước mà chúng nó vẫn mặc kệ. Anh con rể cầm được 2 cái ô ra che mưa cho bố vợ. Còn hai cô con gái chạy vào mái hiên gần đấy đứng trú. Thỉnh thoảng lại chạy ra ngó xem bố còn sống hay không".
Đến quá 8 giờ tối mà sự việc vẫn chưa được giải quyết, mặc dầu đã có chính quyền địa phương can thiệp, quá phẫn nộ về hành động ngược đãi cha của con cái của ông Nhân, ông chủ quán nước đã phải gay gắt mắng mỏ: "Không thể chấp nhận được lũ con mất nhân tính đó. Tôi sang nói với anh con rể có đưa cụ về nhà ngay không dân tình ở đây không tha cho các anh. Hàng xóm cũng làm ầm ĩ, ép anh này phải gọi taxi đưa bố về nhà ngay lập tức". Người con rể của ông cụ gọi đến 5,7 chiếc taxi nhưng không tài xế nào chịu chở vì sợ mang họa.
Chứng kiến cảnh đau lòng đó, nhiều người dân sống quanh khu vực đã phải phản đối, thậm chí còn to tiếng với các con của ông cụ, cuối cùng các con của ông đành phải đưa ông về nhà người con gái thứ hai.
Ông chủ quán nước kể rằng trong tình cảnh thương tâm đó, ông cụ chỉ im lặng, mắt nhắm chặt mà hai dòng nước mắt cứ ứa ra ràn rụa.
Đạo đức ngày nay ở VN như vậy đó sao? Với cha mẹ mình mà còn đối xử tệ bạc như thế thì thử hỏi với xã hội, với tha nhân, người ta sẽ đối xử ra sao nữa? Công việc của họ đang làm, chức vụ của họ đang nắm trong xã hội, chỉ để chuộc lợi cho mình thôi sao?
Trên đường phố VN ngày nay, nhan nhản những cách hành xử vô tình, vô tâm và vô cảm. Chỉ cần lướt qua một vài tờ báo online, lướt qua một vài tin tức trên các trang web trong nước là ai cũng sẽ dễ dàng bắt gặp vô số những tin tức tệ hại về nạn vô cảm. Nó đang hoành hành và lây lan khắp nước.
Nhưng đó chỉ là chuyện giữa người với người, không quen biết nhau. Vô cảm đối với cả người đã sinh thành và dưỡng dục mình là một chuyện ghê gớm, không chấp nhận được và đáng bị nguyền rủa.
So sánh sự khác biệt của xã hội VN xưa và nay, vẫn biết rằng thời nào cũng có sự hiện diện của cái thiện và cái ác, người tốt và kẻ xấu, tuy nhiên nó khác nhau về mức độ và sự thể hiện ở từng thời điểm. Đúng. Vậy thì căn bịnh vô cảm này do đâu mà có?
Xét về mặt xã hội, xã hội VN bây giờ quá phức tạp, đầy rẫy lọc lừa và tranh ăn.
Xét về mặt đạo đức, xã hội VN hiện tại quá đỗi suy đồi, niềm tin khủng hoảng. Đặc biệt, đó là sự suy đồi về đạo đức, nhân phẩm của những thế hệ trẻ ngày nay, mà biểu hiện rõ nhất đó chính là thái độ thờ ơ, vô cảm đối với mọi sự vật, mọi sự việc diễn ra xung quanh.
Xét về mặt giáo dục, căn bệnh vô cảm này là sản phẩm của một nền giáo dục yếu kém, thất bại. Nền giáo dục của người CS giáo điều với lý thuyết khô khan và nặng nề, không chú trọng đến việc đào tạo nên "nhân cách" mà chỉ chú trọng đến việc đào tạo ra "nhân lực".
Tựu trung, căn bệnh vô cảm là kết quả của một lối sống chụp giựt, bon chen và tranh giành ngày nay, ngày ngày ăn sâu vào tinh thần văn hóa của xã hội VN khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, và sự hy sinh đang dần bị thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất và lợi ích cá nhân ... làm cho con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại, của người thân.
Người Việt mình xưa nay có truyền thống vô cùng tốt đẹp là "thương người như thể thương thân", ấy vậy mà ngày nay có những cách sống đang đạp đổ truyền thống tốt đẹp này.. Bức tranh xã hội đang có sự đảo lộn giá trị, cái ác lên ngôi, trong khi giá trị nhân bản đang bị chìm lấp. Ngày nay, đang có sự thay đổi lớn trong hệ thống giá trị sống của con người. Khi một xã hội, một đất nước mà những người sống trong đó vô cảm, không hợp quần, không tương thân tương trợ lẫn nhau, không giúp đỡ nhau thì tất yếu cái xã hội đó sẽ què quặt, đất nước đó sẽ sụp đổ và bị tiêu hủy.
Nước VN của tôi ngày nay là thế đó. Dân tình của nước VN của tôi ngày nay là thế đó. Đó là kết quả của gần 60 năm xây dựng đất nước xã hội được mang danh là xã hội xã hội chủ nghĩa của những người vô thần, vô trách nhiệm, vô tri và vô giác đã đưa người dân cả nước đến chỗ vô tình, vô tâm và vô cảm ngày nay.
Trần Việt Trình

No comments:

Post a Comment