Saturday, September 22, 2012

Con đường Nam tiến của Trung cộng

Thứ Sáu ngày 21.09.2012     
Lời dẫn: Bao lâu mà CSVN còn nắm độc quyền chính trị thì hiểm họa mất nước vào thiên triều Đại Hán gia tăng. Vì tham quyền cố vị, không dám phản kháng đàn anh, CSVN không những chấp nhận nhượng đất, nhượng biển mà còn nhắm mắt làm ngơ trước chính sách bao vây Việt Nam của CSTQ qua âm mưu xâm chiếm Lào và Cam Bốt, vốn là khu vực ảnh hưởng truyền thống của nước ta. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Đoan Trang với tựa đề: "Con đường Nam tiến của Trung cộng" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Con đường bành trướng xuống phía Nam của Trung cộng được thực hiện cả trên bộ lẫn trên biển. Nếu để bị cuốn vào chuyện biển Đông quá nhiều, chúng ta có thể rơi vào bẫy của Trung cộng.
"Cần phải nhìn nhận quá trình Nam tiến của Trung cộng một cách toàn diện, trong đó không chỉ có khu vực biển Đông và hình thức xung đột quân sự, mà đó còn là quá trình diễn ra trên đất liền với những hình thức chiến tranh kinh tế, chiến tranh tiền tệ, chiến tranh mạng, là bành trướng văn hóa, là áp lực chính trị, là quá trình di dân..." - Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, nhận định.
Phân tích vị trí địa lý của Trung cộng, ông Quách Hải Lượng không đánh giá cao cơ hội của Trung cộng ở phía Bắc (giáp với Nga), phía Đông (bị Nhật Bản, Nam Hàn án ngữ, là những đồng minh thân cận của Mỹ) và phía Tây (giáp vùng Trung Á, vốn bất ổn với sự cạnh tranh của nhiều cường quốc). Hướng mở rộng của Trung cộng gần như chỉ có một.
Nhận định này cũng trùng với ý kiến của TS chính trị học Đinh Hoàng Thắng. Trong một cuộc trao đổi với tờ Pháp Luật, ông Thắng nói: "Phải thấy là Trung cộng chỉ còn phía Nam để phát triển xuống. Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương, nếu chỉ dừng chân trong lục địa Trung Hoa thì không được, mà các ngả khác thì bị chặn hết rồi".
Dấu hiệu rõ ràng nhất của mưu đồ "Nam tiến" có lẽ đã xuất hiện từ thời Chu Ân Lai. Tháng 9-1963, Chu Ân Lai phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các đại diện của Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Indonesia tại Quảng Đông: "Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam châu Á".
Đồng tiền đi trước
Hiếm khi nào trong lịch sử, sự hiện diện của Trung cộng ở Đông Nam Á lại mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực như từ một thập kỷ trở lại đây. Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar là mắt xích yếu nhất dọc biên giới mà người láng giềng phương Bắc của họ có thể khai thác. Đồng tiền đi trước, con đường đầu tư kinh tế có lẽ là lối đi nhanh và hiệu quả nhất. Trong một bài viết mới đây, nhà nghiên cứu Trung Quốc Bonnie S. Glaser cho biết: "Trong hơn một thập kỷ qua, Trung cộng đã theo đuổi một chiến lược ở Đông Nam Á với nội dung căn bản là sử dụng "củ cà rốt" kinh tế để làm tăng lợi ích của các nước Đông Nam Á trong việc gìn giữ mối ngoại giao tốt với Trung cộng".
Năm 2010, với những khoản đầu tư trị giá 2.9 tỉ USD, Trung cộng trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Lào và có trong tay khoảng 10.000 km vuông đất dự án, tương đương với 4% diện tích của cả nước Lào. Người Trung Quốc kiểm soát phần lớn nền kinh tế Lào, từ khai thác mỏ, thủy điện đến cao su, cả ngành bán lẻ và dịch vụ khách sạn.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Campuchia: Trong 5 năm qua, Campuchia đã nhận được khoảng 2 tỉ USD tiền viện trợ từ Bắc Kinh với những điều kiện hết sức hào phóng.
Tại Myanmar, 8.7 tỉ USD đã được Trung cộng rót vào các dự án đầu tư trong năm 2010, chưa kể khoản mượn không lời trị giá 4.2 tỉ USD. Tính đến tháng 7-2011, 800 dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn đăng ký 3.2 tỉ USD, đứng thứ năm trong các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
"Làm đường đến đâu xâm chiếm đến đó"
Đầu tháng 7-2012, lần đầu tiên Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN với lịch sử 45 năm không thể đưa ra được thông cáo chung mà lý do là sự bất đồng của nước chủ nhà Campuchia với các nước có liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Nguyên nhân sâu xa này nhanh chóng được lý giải khi ngay sau hội nghị, Bộ Ngoại giao Trung cộng cảm ơn Campuchia về sự hợp tác chặt chẽ của chủ nhà trong tiến trình hội nghị.
Nhà phân tích Bonnie S. Glaser nhận định: "Việc Trung cộng gây áp lực lên Campuchia không phải điều đáng ngạc nhiên. Bắc Kinh đã cung cấp tới hơn 10 tỉ USD đầu tư trực tiếp cho Campuchia. Chỉ tính riêng trong năm 2011, lượng đầu tư mà Trung cộng cam kết với Phnom Penh cao gấp 10 lần con số Mỹ cam kết."
Tháng 6-2011, thủ tướng Campuchia công khai khẳng định Trung cộng là nhà đầu tư lớn nhất, đồng thời là nhà tài trợ lớn nhất trong việc giúp đỡ Campuchia xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm đường sá, cầu cống... Vấn đề ở đây, theo các nhà phân tích, là các thỏa thuận kinh tế luôn kéo theo những hệ quả chính trị, xã hội, quân sự đã được hoạch định từ trước đó.
Đại tá Quách Hải Lượng nói: "Trung cộng rất giỏi trong việc xâm chiếm bằng cách làm đường. Làm đường đến đâu xâm chiếm đến đấy, di dân đến đấy. Họ mưu tính làm một con đường suốt từ Vân Nam đi dọc Lào xuống tới tận Tây Nguyên, mà ở đoạn cuối Tây Nguyên thì Campuchia và Lào cho họ thuê đất tới 55 năm. Như vậy cả khu vực sẽ gần như là đất của họ".
Trung cộng đang nắm dần đường biên giới quốc gia không theo cách thức tấn công quân sự truyền thống mà bằng cách di dân. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy có khoảng 2.5 triệu người Hoa đến Đông Nam Á làm ăn sinh sống trong vòng 30 năm qua.
Tại Lào, một doanh nghiệp Trung Quốc đã thuê cả một thị trấn nằm sát biên giới hai nước và biến nơi đây gần như thành khu vực của riêng người Hoa. Thị trấn rộng 21 km2 được đặt tên là Bò Thèn này có ngôn ngữ chính là tiếng Tàu, thanh toán bằng nhân dân tệ và sử dụng giờ Bắc Kinh thay vì giờ Viêng Chăn. Hệ thống điện, viễn thông và ngay cả các lực lượng chức trách như công an cũng đều được "kéo" từ bên Tàu sang. Lực lượng hải quan đã dời từ biên giới Lào-Trung xuống phía Nam của thị trấn này.
Nói đến sự hiện diện của người Tàu ở các khu Hoa kiều và nhiều khu vực có dự án đầu tư ở Việt Nam, Đại tá Quách Hải Lượng nói: "Nếu chấm trên bản đồ Việt Nam những khu vực có người Tàu sinh sống, chúng ta sẽ có một tấm bản đồ da beo".
Đoan Trang

No comments:

Post a Comment