Wednesday, June 22, 2016

Tin tức ngày thứ Tư, 22.06.2016

Thứ Tư, 22.06.2016

CHÙA LIÊN TRÌ Ở SÀI GÒN SẼ BỊ CƯỠNG CHIẾM VÀO NGÀY MAI

Hội đồng Liên tôn VN vừa ra thông báo khẩn cấp về việc chùa Liên Trì sẽ bị bạo quyền cộng sản cưỡng chiếm vào ngày mai, thứ Năm 23/6.
Theo sự xác nhận của Hòa thượng Thích Không Tánh, người trụ trì chùa Liên Trì, thì nhà cầm quyền quận 2 – Sài Gòn đã quyết định cưỡng chiếm khu đất của chùa Liên Trì, tọa lạc tại số 153 Lương Định Của thuộc phường An Khánh, vào ngày mai. Theo thông báo khẩn của Hội đồng Liên tôn VN vào hôm qua, Hòa thượng Thích Không Tánh hiện lâm bệnh khiến các tăng ni phật tử không biết phải đối phó ra sao trước nguy cơ bị trục xuất khỏi chùa.
Cần nhắc lại là chùa Liên Trì được xây dựng từ trước năm 1975, thuộc sự quản trị của giáo hội Phật giáo VN thống nhất, không thuộc hệ thống tôn giáo quốc doanh do nhà nước cộng sản dựng lên.
Trong khi đó thì vào hôm qua, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, hơn 200 quan chức và công an đã mang xe ủi đất tiến vào khu đất của Đan viện Thiên An để ngăn cản việc làm đường đi lại trong khuôn viên đan viện này. Theo các nguồn tin thì suốt một tuần qua, các tu sĩ đã thi công một con đường bê tông dài 700 thước vào các vườn cam, vườn rau để thuận tiện cho việc trồng trọt và chăn nuôi của đan viện.
Tuy nhiên nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên cáo buộc là đan viện đang lấn chiếm đất đai của nhà nước nên mang xe cơ giới đến phá bỏ con đường, bất chấp các bằng chứng do đan viện Thiên An đưa ra cho thấy là khu đất này thuộc quyền sở hữu của đan viện từ thập niên 1940 và bị nhà nước cộng sản tước đoạt sau năm 1975.

THÊM MỘT BẰNG CHỨNG CHO THẤY DÂN VIỆT TRỞ THÀNH NÔ LỆ CỦA TÀU

Trong một hành động cho thấy VN ngày càng lệ thuộc vào Trung Cộng, bộ nông nghiệp VN vừa công bố một nghị định thư, nội dung qui định là muốn xuất cảng gạo sang Trung Cộng thì phải chờ phía Trung Cộng đích thân sang VN kiểm tra, và chỉ khi nào phía Trung Cộng đồng ý thì mới được phép xuất sang Hoa Lục.
Nghị định thư của bộ nông nghiệp VN cũng nhấn mạnh là các lô gạo muốn xuất cảng sang Trung Cộng phải đăng bạ trước và phải tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm dịch, chẳng hạn như không bị mối, mọt, sâu bệnh hay các vi sinh vật khác. Sau đó phía Trung Cộng sẽ sang tận nơi để kiểm tra toàn bộ.
Cần nhắc lại là theo các số liệu thống kê mới nhất, Trung Cộng là thị trường xuất cảng gạo lớn nhất của VN, với 36% tổng sản lượng. Nếu cộng thêm số lượng gạo xuất cảng lậu thì tỷ lệ này có thể lên đến 50%.
Trong khi đó thì một số tờ báo đảng loan tin là tại tỉnh Bình Thuận, giới lái buôn Trung Cộng đã hoàn toàn khống chế ngành mua bán thanh long, khiến nhiều chủ vựa VN lâm vào cảnh phá sản hoặc chấp nhận làm công cho các lái buôn Trung Cộng. Tờ báo Thanh Niên cho biết là nếu đi dọc theo quốc lộ 1, từ Phan Thiết đến huyện Hàm Thuận Nam, người ta có thể thấy chi chít các vựa thanh long có bảng hiệu tiếng Việt kèm theo chữ Tàu. Và khi hỏi mua thanh long thì nhiều chủ vựa lắc đầu nói thẳng là họ chỉ đóng hàng xuất cảng sang Trung Cộng, không buôn bán trong nội địa.

GẦN 750 TRIỆU MỸ KIM ĐỂ XÂY ĐƯỜNG VÀO PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHẤT

Nhà cầm quyền Sài Gòn vừa công bố dự án xây đường trên không, nối liền trung tâm thành phố với phi trường Tân Sơn Nhất, có chiều dài dự trù là 10 cây số và tổng phí tổn là 750 triệu Mỹ kim. Có nghĩa là trung bình mỗi cây số có trị giá là 75 triệu Mỹ kim.
Theo dự án này thì sẽ có 3 tuyến đường trên không. Tuyến đường số 1 sẽ bắt đầu từ Lăng Cha Cả thuộc quận Tân Bình, chạy dọc theo các con đường Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ và Phan Xích Long. Đến gần đường Điện Biên Phủ thì sẽ rẽ thành hai nhánh, một nhánh nối với đường Điện Biên Phủ và nhánh kia thì đi dọc theo đường Ngô Tất Tố. Tổng phí tổn dự trù là 15 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 750 triệu Mỹ kim, trong số đo thì tiền trưng thu đất đai là 6 ngàn tỷ đồng, tức 300 triệu Mỹ kim.
Cần nói thêm là từ 20 năm qua, Sài Gòn đề ra 4 dự án xây đường trên không, với tổng chiều dài là 71 cây số. Tuy nhiên đến nay chưa có dự án nào được tiến hành.

TRUNG CỘNG ĐE DỌA RÚT KHỎI CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ LUẬT BIỂN

Trong một hành động có tính khiêu khích thế giới, Trung Cộng đe dọa là sẽ rút khỏi Công ước Quốc tế về Luật biển nếu như tòa trọng tài quốc tế The Hague đưa ra phán quyết bất lợi cho Trung Cộng trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Cần biết là tòa án quốc tế The Hague sắp ra phán quyết về đơn kiện mà Philippines đệ nạp từ năm 2013 sau khi Trung Cộng áp đặt đường chủ quyền 9 đoạn trên Biển Đông. Theo giới quan sát viên thì chắc chắn tòa án này sẽ bác bỏ "đường lưỡi bò" nói trên. Chính vì thế, Trung Cộng đã đánh tiếng với một số nước Đông Nam Á là Trung Cộng sẽ rút lui khỏi công ước quốc tế về luật biển mà họ đã ký kết vào năm 1996.

THƯỢNG VIỆN MỸ BÁC BỎ DỰ LUẬT KIỂM SOÁT SÚNG ỐNG

Viện lý do là vi phạm hiến pháp, vào hôm qua Thượng viện Hoa Kỳ đã bác bỏ 4 đề nghị gia tăng kiểm soát việc mua bán và sở hữu súng ống.
Dự luật sửa đổi nói trên được một số nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ đệ trình, sau vụ thảm sát kinh hoàng ở thành phố Orlando, với 49 người chết và 53 bị thương tại một hộp đêm của giới đồng tính luyến ái. Tuy nhiên dự luật này đã không chiếm đủ túc số để thông qua, với phe chống đối cho rằng dự luật này đã vi phạm hiến pháp, nội dung cho phép người dân Mỹ có quyền sở hữu súng ống để tự vệ.
Cần biết là theo kết quả thăm dò vào tuần trước, hơn 70% dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ việc gia tăng kiểm tra lý lịch những người muốn mua súng, đặc biệt là đối với những kẻ bị tình nghi là khủng bố.

BẮC HÀN LẠI CHUẨN BỊ PHÓNG PHI ĐẠN TẦM XA

Chính phủ hai nước Nam Hàn và Nhật Bản đã ban hành lệnh báo động sau khi có tin tình báo là bạo quyền cộng sản Bắc Hàn sắp phóng phi đạn có tầm xa 4 ngàn cây số.
Quân đội Nhật đã bị đặt trong tình trạng ứng chiến, với lực lượng phòng không có quyền bắn hạ bất cứ phi đạn nào tiến vào không phận của Nhật.
Theo các nguồn tin tình báo thì Bắc Hàn đã vận chuyển các hỏa tiễn Musudan đến miền đông duyên hải và chuẩn bị phóng thử nghiệm lần thứ 5. Đây là loại hỏa tiễn được Bắc Hàn mang ra khoe khoang trong cuộc duyệt binh vào năm 2010, nhưng chưa bao giờ phóng thành công. Nhưng nếu thành công thì các phi đạn này có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

No comments:

Post a Comment