Saturday, June 25, 2016

Thủ tướng Trần Trọng Kim

Thứ Bảy 25.06.2016
Kính thưa quý thính giả, Một người đã phục vụ tận tụy cho đất nước, tuy chỉ nắm quyền trong một thời gian ngắn và cũng chưa hoàn toàn có được chủ quyền, nhưng chính phủ của ông được đánh giá là đã đóng góp một phần không nhỏ trong tiến trình dành lại độc lập cho Việt Nam. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Thủ tướng Trần Trọng Kim" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình phát thanh tối nay.
Trần Trọng Kim, sinh năm Quý Mùi (1883) tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Vợ ông là bà Bùi Thị Tuất, em gái của nhà nghiên cứu văn học Bùi Kỷ. Ông chỉ có một người con gái là Trần Thị Diệu Chương, lấy chồng làm Chưởng lý Bộ Quốc ấn tại Sénégal. Cha ông là Trần Bá Huân, người đã sớm tham gia phong trào Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo.
Trần Trọng Kim xuất thân trong một gia đình Nho giáo, từ nhỏ ông học chữ Hán. Năm 1897, ông theo học trường Pháp - Việt tại Nam Định. Năm 1900, ông thi đỗ vào trường Thông ngôn và tốt nghiệp năm 1903.
-Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình.
-Năm 1905, ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon.
-Năm 1906, ông cùng với Nguyễn Văn Vĩnh sang Pháp dự Hội chợ tại Marseille.
Sau hội chợ, ông xin ở lại học thêm tại các trường ở Ardèche, Lyon và tiếp tục học ở trường Thuộc địa.
-Năm 1909, ông vào học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp ngày 31/ 7/1911.
Khi về nước, ông lần lượt giảng dạy ở trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi), trường Hậu bổ và trường Nam sư phạm. Ông là một nhà mô phạm mẫu mực, có uy tín trong xã hội, giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp như:
-Thanh tra Tiểu học (1921).
-Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924).
-Giảng dạy tại Trường Sư phạm (1931).
-Giám đốc các trường Nam tiểu học tại Hà Nội (1939).
-Từ thập niên 1910 đến thập niên 1940, ông viết rất nhiều sách về giáo dục và lịch sử. Ngoài ra, ông còn tham gia các hoạt động xã hội, từng là Phó trưởng Ban Văn học của Hội khai trí Tiến Đức, Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Trưởng ban nghiên cứu Phật học của Hội Phật giáo Bắc kỳ.
-Năm 1943, một năm sau khi ông về hưu, Nhật Bản tiến vào Đông Dương. Người Nhật lấy cớ "giúp các nhà chính trị tránh sự bắt bớ của Pháp" để bí mật đưa ông và chí sĩ Dương Bá Trạc sang Singapore.
-Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm thuộc địa Đông Dương và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam.
-Ngày 11/3/1945, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam.
-Ngày 30/3/1945, ông được quân Nhật đón từ Bangkok (Thái Lan) về Sài Gòn.
-Ngày 5/4/1945, ông đến Huế yết kiến vua Bảo Đại và tán thành giải pháp lập nội các do chí sĩ Ngô Đình Diệm đứng đầu. Nhưng ông Diệm không ra Huế, vua Bảo Đại triệu ông vào gặp lần thứ hai. Ông và một số trí thức có tiếng tăm được giao thành lập nội các ở Huế vào ngày 17/4/1945. Đây là chế độ nghị viện đầu tiên tại Việt Nam và ông trở thành Thủ tướng. Nội các của ông đều là các nhà trí thức như luật sư, bác sĩ, kỹ sư.
Tháng 6 năm 1945, chính phủ của ông đặt quốc hiệu là Việt Nam, quốc thiều là bài Đăng Đàn Cung và quốc kỳ có nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ.
Ra mắt nội các được 4 tháng, ngày 5/8 hàng loạt thành viên trong nội các của ông từ chức. Bộ trưởng Vũ Ngọc Anh qua đời, 3 bộ trưởng khác xin từ nhiệm vì không thể làm việc với cố vấn Nhật và vua Bảo Đại khi ấy chỉ lo ăn chơi, săn bắn, không quan tâm đến đất nước.
Ông cố gắng mời thêm các nhân vật cấp tiến bổ sung vào nội các, nhưng bất thành. Đầu tháng 8, ông viện lý do bị "tăng huyết áp" để xin từ chức.
Sau khi Việt Minh cướp chính quyền và thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông lưu vong ra nước ngoài.
Ngày 6/2/1947, sau nhiều năm tháng sống ở Quảng Châu và Hồng Kông, người Pháp thu xếp cho ông trở về nước để vận động thành lập chính phủ mới. Nhưng khi về đến Sài Gòn, ông nhận thấy những lời hứa hẹn của người Pháp là giả dối nên quyết định không cộng tác.
Năm 1948, ông qua Nam Vang sống với người con gái. Sau đó, ông trở về Việt Nam và mất tại Đà Lạt vào ngày 2/12/1953, hưởng thọ 71 tuổi.
Từ trước năm 1945, học giả Trần Trọng Kim đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng về các lãnh vực sử học, văn học, nghiên cứu và giáo dục, đặc biệt là cuốn Việt Nam sử lược (1919) được đánh giá là một trong những quyển sử Việt có phong cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu, được tái bản nhiều lần và dùng làm nền tảng cho môn sử dưới thời VNCH. Năm 1949, ông viết cuốn hồi ký Một cơn gió bụi.
* * *
Nhắc đến Trần Trọng Kim là nhắc đến một nhà mô phạm gương mẫu, một chí sĩ đầy tâm huyết với tiền đồ của đất nước. Thế nhưng vận mệnh quốc gia quá tăm tối, khiến ông không thể đưa đất nước thoát khỏi sự nô lệ của ngoại bang, cả Nhật lẫn Pháp. Và cho đến hôm nay, nền tự chủ mà ông khao khát vẫn không có được, nếu không muốn nói là VN càng ngày càng lệ thuộc vào nước Tàu, một kẻ thù truyền kiếp mà ông thường nhắc đến trong cuốn Việt Nam Sử lược.
Rất may mắn là trong thời loạn thế, ông may mắn thoát được bàn tay độc ác của Việt Minh, không bị thủ tiêu như chí sĩ Phạm Quỳnh và nhiều nhà trí thức cùng thời với ông. Nhưng ông cũng không sống được để nhìn thấy chế độ VNCH ra đời, dưới sự lãnh đạo của chí sĩ Ngô Đình Diệm, người lẽ ra đã nắm quyền Thủ tướng theo sự đề cử của ông với vua Bảo Đại.
Có thể nói rằng, Trần Trọng Kim là một Thủ tướng "bắt đắc dĩ" và "bắt đắc chí", thế nhưng sự tận tụy của ông đối với dân tộc và đất nước là một tấm gương sáng chói mà ít có nhân vật nào trong lịch sử VN thời cận đại có thể so sánh!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment