Tuesday, June 14, 2016

Hệ quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama

Thứ Ba, 14.06.2016
Một kết luận mà bất cứ một quan sát viên quốc tế nào cũng rút tỉa từ chuyến viếng thăm Việt Nam của TT Obama, đó là lòng dân Việt Nam luôn hướng về Hoa Kỳ và một nền dân chủ chân chính. Trong khi đó Đảng CSVN tiếp tục chủ trương độc tài toàn trị và ươn hèn với Trung cộng. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Thiện Ý với tựa đề: "Hệ quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Barack Obama được đánh giá là đã diễn và kết thúc tốt đẹp cho cả đôi bên Mỹ-Việt. Vậy chuyến đi này có hệ quả như thế nào đối với Biển Đông và quan hệ ba bên Mỹ-Việt-Trung?
Mục đích chung của hai nước là duyệt lại và tăng cường thực hiện "quan hệ đối tác toàn diện" giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, được cụ thể hóa bằng việc công bố, ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đồng thời, Hoa Kỳ tái cam kết tiếp tục để cho Việt Nam tham gia Hiệp định TPP và đi vào thực hiện trong tương lai, nếu Việt Nam thực hiện đúng những điều kiện đòi hỏi của TPP (công đoàn độc lập, cải cách luật pháp, hình thành các tổ chức xã hội dân sự...) để được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua.
Những thành tựu trên đây còn ngầm gửi đến Bắc Kinh thông điệp rằng việc Việt Nam ngày càng xích lại gần hơn với Hoa Kỳ về kinh tế (Hiệp định TPP) và an ninh, quốc phòng (bán vũ khí và các hoạt động quân sự chung tại Biển Đông...) là hệ quả tất nhiên của những hành động trắng trợn xâm chiếm Biển Đông, ỷ mạnh hiếp yếu bao lâu nay của Trung cộng.
Tuy nhiên, để giảm bớt cường độ phản ứng của Trung cộng bất lợi cho Việt Nam, Hoa Kỳ tạo thế "độc lập tự chủ" cho Hà Nội, để Trung cộng vẫn tin rằng, dù Hà Nội có đến gần Washington đến đâu, vẫn không quay lưng lại với Bắc Kinh và luôn trung thành với mối quan hệ khăng khít, lâu đời giữa hai nước. Vì thế, một mặt Tổng thống Obama tuyên bố các hành động tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trong khuôn khổ "quan hệ đối tác toàn diện" song phương chứ không nhắm vào Trung cộng hay với bất cứ lý do nào khác.
Mặt khác Tổng thống Obama tuyên bố quyết định bãi bỏ hoàn toàn cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đã không kèm điều kiện tiên quyết buộc nhà cầm quyền CSVN phải thực hiện một số động tác tôn trọng nhân quyền cụ thể trước chuyến đi.
Trên đây là những hệ quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Obama đối với quan hệ ba bên Mỹ - Việt, Mỹ - Trung và Việt - Trung.
Thế còn hệ quả với nhân dân Việt Nam thì sao?
Rõ ràng là có sự khác biệt nhiều điều giữa "ý đảng" và "lòng dân". Người ta thấy hàng ngàn người dân Việt Nam từ Hà Nội đến Saigon đã tự nguyện ùa ra đường nồng nhiệt đón tiếp Tổng thống Obama trên các lộ trình ông đi qua; cũng như những tràng pháo tay bầy tỏ sự tán đồng mạnh mẽ nhiều lần vang lên trong suốt cuộc nói chuyện hơn nửa tiếng đồng hồ của ông với hàng ngàn người dân đa số là thanh niên, sinh viên học sinh tụ tập tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội để trực tiếp nghe nhà lãnh đạo Mỹ nói về giá trị thực tiễn của tự do, dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự... và rằng những điều này chỉ có được do chính người dân và chính quyền cùng nhau thực hiện, chứ Hoa Kỳ không thể và không có quyền làm thay, mà chỉ có thể hổ trợ, giúp đỡ khi được yêu cầu.
Qua những hình ảnh, lời nói bầy tỏ nỗi vui mừng, kính trọng, yêu mến của mọi tầng lớp dân chúng Việt Nam dành cho Tổng thống Obama ở những nơi ông đi qua hay tiếp xúc được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thống trong và sau thời gian chuyến thăm... Người ta tự hỏi vì sao?
Có lẽ một phần là do tâm lý mong chờ Hoa Kỳ như một "cứu tinh" trước hành động của Trung cộng ngày càng trắng trợn lấn chiếm biển đảo của Việt Nam mà nhà cầm quyền thì chỉ biết "hèn với giặc, ác với dân". Phần khác có lẽ vì người dân nhận thức được thực tế họ có được đời sống tốt đẹp hôm nay, được trả lại một số quyền dân chủ, dân sinh so với hơn 20 năm trước đây, chủ yếu nhờ Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận (1995-2015), tạo cơ hội cho đảng và nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện chính sách "mở cửa" cho các nhà tư bản Hoa Kỳ và các nước khác vào đầu tư. Chính nhờ đó Việt Nam đã phát triển đáng kể nền kinh tế thị trường tự do theo hướng tư bản chủ nghĩa, chứ không phải do "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" như nhà cầm quyền CSVN vẫn ngụy biện và thực tế đã phủ định sự ngụy biện này. Thực tế các yếu tính của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đã hình thành gần hoàn bị sau 20 năm (1995-2015) và chính nhà đương quyền Việt Nam cũng mong được Hoa Kỳ công nhận Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama.
Ngoài những nguyên nhân của quá khứ trên, Tổng Thống Obama được người dân Việt Nam nồng nhiệt đón chào và ngưỡng mộ, yêu mến thật sự, là do chính cung cách thân dân của nhà lãnh đạo hành pháp cao nhất của một cường quốc dân chủ bậc nhất thế giới, thể hiện qua lời ăn tiếng nói khi giao tiếp với quần chúng Việt Nam bên đường, trong hội trường với giới trẻ ở Hà Nội hay với đại diện một số tổ chức xã hội dân sự, giới kinh doanh ở Saigon; hay khi Ông Obama vào một nhà hàng bình dân ở Hà Nội để ăn bún chả, hay uống cà phê trong một quán bên đường ở Saigon...
Tựu chung, tất cả những lời nói, hành động của nhân dân Việt Nam bày tỏ sự kính trọng, yêu mến chân thành và nồng nhiệt khi đón chào Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, có ý nghĩa như một thông điệp gián tiếp gửi đến nhà cầm quyền độc tài toàn trị tại Việt Nam, đã đến lúc nên làm và "phải làm theo lòng dân". Nghĩa là đã đến thời điểm thuận lợi để cùng nhân dân xây dựng dân chủ, bằng cách chủ động chuyển đổi hòa bình qua chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng.
Đây cũng là một lời nhắc nhở với đảng và nhà cầm quyền CSVN, rằng mặc dầu trong chuyến đi này, Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, mà không đòi hỏi phải thực hiện trước một số việc làm cụ thể về tôn trọng nhân quyền, nhưng việc thực thi quyết định bãi bỏ cấm vận trên nguyên tắc này, cũng như việc thực thi Hiệp định TPP vẫn phải được xét định căn cứ trên thành tích thực thi nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN. Nghĩa là tất cả chỉ là những đồng ý trên nguyên tắc, thực tế tôn trọng nhân quyền vẫn là "điều kiện ắt có" bắt buộc đảng và nhà cầm quyền CSVN phải thực hiện "điều kiện đủ" để được Hoa Kỳ thực thi. Tất cả hãy còn ở phía trước. Đảng và nhà cầm quyền CSVN cần thức thời, hiểu rõ sự cảm thông của Hoa Kỳ và sự chịu đựng của nhân dân là có mức độ, đừng coi thường sức mạnh "tức nước, vỡ bờ" của nhân dân để "già néo, đứt dây" khiến "Đảng ta" có thể "mất cả chì lẫn chài"./.

No comments:

Post a Comment