Monday, September 28, 2015

Vì sao ta nghèo ( Phần V, quốc nạn tham ô)

Thứ Hai, ngày 28.09.2015    
Quý thính giả thân mến, ở các nước theo CS với sự độc tôn thống trị, nhất là về mặt luật pháp và truyền thông đã và đang bị khống chế chặt chẽ dưới guồng máy cai trị của đảng CS nên tham ô và tham nhũng là điều tất yếu phải xảy ra. Muốn giải quyết tận gốc rễ quốc nạn này chỉ khi nào đảng CS bị loại bỏ quyền độc tôn thống trị trên đất nước VN. Để tiếp nối chương trình hôm nay, qua chuyên mục Chuyện Chỉ Có Ở VN, đài ĐLSN mời quý thính gỉa theo dõi tiếp bài của Thục Vy: “Vì sao ta nghèo - Phần 5: Quốc nạn tham ô” sẽ được Tâm Anh trình bày sau đây
Lâu nay nhà nước cộng sản Việt nam vẫn hô hào chống tham nhũng, trong khi tham ô vẫn đang là quốc nạn lại ít được nhắc đến. Tham ô và tham nhũng là hai khái niệm khác nhau. Cộng sản Việt nam đang cố tình " đánh lận con đen" làm lu mờ nạn tham ô mà bấy lâu nay vẫn đang lộng hành. Theo tổ chức minh bạch quốc tế ,tham nhũng là "hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân", còn Tham ô là "hành vi lấy cắp của công".
Cũng theo tổ chức minh bạch quốc tế: ở các nước độc tài, nền kinh tế kém phát triển, cùng với vấn nạn tham nhũng, tham ô cũng song hành phát triển. Bởi ở đó vai trò cá nhân rất được đề cao, coi trọng việc quà cáp, biếu xén. Quản lý kinh tế lỏng lẻo, yếu kém, tạo ra nhiều sơ hở để tham nhũng, tham ô có điều kiện phát triển và ở đó quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế. Tham ô, cũng như tham nhũng thường phát triển mạnh ở các nước có thu nhập bình quân đầu người thấp, bởi tại các nước này con người thường có ý đồ tìm cách vươn lên nắm các cương vị lãnh đạo cao để có điều kiện tham ô, tham nhũng. Trong khi ở các nước có thu nhập cao, các cá nhân có tài sản lớn mới bắt đầu tham gia chính trường để làm lãnh đạo.
Ở Việt nam, ngoài hai yếu tố thể chế độc tài và nền kinh tế yếu kém làm cho tham nhũng, tham ô phát triển. Các cơ chế, chính sách dưới thời cộng sản hoặc do năng lực yếu kém, hoặc cố tình chủ trương tạo ra những khoảng trống, những sơ hở để có điều kiện vơ vét nên tham ô, tham nhũng ở Việt nam từ lâu đã trở thành quốc nạn. Và sau đây là vài lĩnh vực chủ yếu mà giới chức cộng sản Việt nam đã và đang trắng trợn tham ô, nói cách khác là ăn cắp của công.
Lập các dự án, vốn là những miếng mồi béo bở cho các nhà hoạch định chính sách của các cơ quan chính phủ, bộ ngành trung ương và chính quyền địa phương. Người đứng đầu các cơ quan này chỉ cần có ý kiến chỉ đạo cho cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền của mình , tiến hành lập dự án theo trình tự thủ tục quy định. Tùy theo từng dự án, dự án càng lớn, số tiền chi cho việc lập dự án càng cao và từ đó hành vi ăn cắp công quỹ nhà nước được dễ dàng tuy nó công khai, trắng trợn mà ít được dư luận quan tâm.
Lĩnh vực xây dựng cơ bản được cho là gây thất thoát vốn lớn nhất. Qua số liệu được công bố từ các cuộc thanh tra do các cơ quan điều tra của nhà nước cộng sản tiến hành đã khẳng định tỷ lệ thất thoát vốn trong xây dựng cơ bản ở vào khoảng 25 đến 30 % trong tổng vốn đầu tư.
Điều ngạc nhiên là vốn thất thoát lớn như vậy song công trình vẫn được xác nghiệm thu hoạch tốt, và phần lớn vẫn bảo đảm chất lượng.
Có lẽ không phải ai cũng biết đó là việc định mức tiêu chuẩn kỹ thuật đã được đội lên đến khoảng 1/3 so với tiêu chuẩn quy định, đây là một trong những cách rất phổ biến để ăn cắp của công của giới chức cộng sản Việt nam. Chẳng hạn kết cấu sắt thép của một công trình chỉ cần dùng loại phi 16 là bảo đảm an toàn nhưng các nhà hoạch định thiết kế nâng lên đến phi 20 để lập dự án kinh phí. Tương tự như vậy, các vật liệu khác cũng được nâng lên cả về giá trị cũng như số lượng trong khoảng từ 20 đến 25%. Khoản chênh lệch đó coi như món tiền mà các cơ quan quản lý nhà nước gửi vào công trình để được lại quả. Nhà thi công áp dụng mọi thủ thuật để có thể rút ruột công trình trong khoảng tỷ lệ tương ứng mà vẫn bảo đảm an toàn. Và tất nhiên họ biết dùng số tiền đó để lo lót cho việc xét nghiệm và thanh tra được trôi chảy.
Mua sắm tài sản, phương tiện phục vụ cho các hoạt động của các cơ quan đảng, nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước là cơ hội thuận lợi nhất, để ăn cắp của công. Thông đồng làm giá giữa bên mua và bán để đội giá thành, hưởng lợi nhuận chênh lệch là việc làm mà bất cứ một giao dịch nào có liên quan đến cuả công đều phát sinh. Tài sản cũ được trá hình bằng cách cải tạo lại để trở thành tài sản mới; rút ruột một số linh kiện bên trong; đánh tráo hãng, mác sản phẩm v.v... là cách làm thường xuyên, phổ thông đang thịnh hành. Có đến một nghìn lẻ một cách ăn cắp của công mà không có sách vở nào mô tả hết được. Họ khai thác mọi khẽ hở để ăn cắp; họ câu kết với nhau để ăn cắp; họ tạo cơ hội cho nhau để ăn cắp vân vân và vân vân. Chuyện chỉ có ở Việt nam.
Thục Vy

No comments:

Post a Comment