Tuesday, September 29, 2015

Về tự do tôn giáo tại Việt Nam

Thứ Ba, 29.09.2015    
Tuần vừa qua Đức Giáo Hoàng Francis đã thăm viếng Cuba, một quốc gia Cộng Sản, nhiều người Công Giáo Việt Nam từ lâu cũng mong muốn Đức Giáo Hoàng đến thăm đất nước mình, nhưng điều gì đã cản trở niềm mong ước ấy? Kính mời quí thính giả theo dõi câu chuyện thời sự đặc biệt bàn về mối bang giao Vatican-Việt Nam và tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam qua sự trình bày của Song Thập.
Cuba trở thành quốc gia Cộng Sản khi Fidel Castro nắm quyền vào năm 1959, ông đã theo đúng đường lối Quốc Tế CS, là không chấp nhận tôn giáo, nên đã áp đặt những luật lệ khắt khe nhằm hạn chế ảnh hưởng của tôn giáo, như cấm người Công Giáo gia nhập đảng CS, nhưng ông đã không thành công như mong muốn, một phần vì tỷ lệ công giáo chiếm đến trên 60% dân số, phần khác Hội Đồng Giám Mục Cuba có lập trường vững chắc và vẫn giữ được vị thế độc lập trong các quyết định về tôn giáo, xã hội, giáo dục.
Khi chiến tranh lạnh chấm dứt, khối CS Quốc Tế tan vỡ, nhiều điều cấm đoán ở Cuba đã được gở bỏ, việc gia nhập đảng không còn bị hạn chế. Thế rồi quốc gia hải đảo này, từ ngày 21 đến 25 tháng Giêng năm 1998, đã mở cửa chào đón người cầm đầu Hội Thánh Công Giáo La Mã, giáo hoàng John Paul đệ Nhị, người đến từ xứ Balan, cũng một thời là quốc gia CS. Cuộc viếng thăm lịch sử ấy đã tác động không nhỏ đến đời sống tâm linh của người dân Cuba. 14 năm sau, ngày 27 tháng 3 năm 2012, giáo hoàng Benedict XVI đã đến Cuba trong 3 ngày hội kiến với Raul Castro và lần này Giáo Hoàng Francis đến Cuba, sau khi đã làm trung gian nối lại mối bang giao Mỹ-Cuba, hai quốc gia thù nghịch, sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn, mở ra một cơ hội mới cho người dân Cuba nghèo khổ vì thể chế CS và bị cấm vận.
Từ Cuba nhìn lại Việt Nam, một quốc gia cũng do đảng CS lãnh đạo, nên đã có lần chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu rằng: "Việt nam ngủ thì Cuba thức, Cuba ngủ thì VN thức, để canh giữ hòa bình thế giới?!". Không rõ đến nay hai nước CS anh em có còn chia nhau nhiệm vụ canh giữ hòa bình nữa không?
Mối quan hệ Việt Nam-Vatican đã bị gián đoạn từ khi đảng CS giành được chính quyền; tại miền Bắc, ngày 15 tháng 9 năm 1959, khâm sứ tòa thánh là John Dooley bị trục xuất. Tại Miền Nam khâm sứ Henry Lemaitre bị trục xuất ngày 19 tháng 12 năm 1975, chấm dứt 50 năm bang giao Vatican-Việt Nam tính từ năm 1925.
Khi VN rơi vào tình trạng kiệt quệ trong thập niên 1980, buộc phải mở cửa ra thế giới để sống còn, thì việc liên lạc với Vatican là nhu cầu cần thiết, mở đầu bằng chuyến viếng thăm VN vào tháng 7 năm 1989 của Hồng Y Roger Etchegaray, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh Vatican. Tiếp theo từ năm 1990 đã có những cuộc thảo luận nhằm nối lại bang giao, tính đến năm 2009, đã có 18 phiên họp giữa hai bên. Từ 2009, hai bên đồng ý thành lập "nhóm công tác chung" và luân phiên địa điểm họp hàng năm ở Việt Nam hoặc Roma. Tính đến tháng 9 năm 2014 đã có 5 vòng đàm phán, kết quả cụ thể là VN đồng ý cho Tòa Thánh bổ nhiệm một đại diện không thường trú, đó là Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, văn phòng đặt tại Singapore, thỉnh thoảng ghé sang thăm VN.
Như vậy trải qua 25 năm thương thảo mà vấn đề nối lại quan hệ giữa VN-Vatican vẫn còn xa vời! Câu hỏi đặt ra là điều gì đã khiến cho việc nối lại bang giao lại khó khăn như vậy? Câu trả lời chắc chắn mỗi bên sẽ khác nhau. Nhưng có một điều dễ hiểu là Hà Nội ngày nay đã giao thương với Âu Châu, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, nên Vatican không còn là nhu cầu như trước nữa.
Trong khi ấy, từ năm 2007 đến nay đã có 4 người trong hàng ngũ lãnh đạo nhà nước Việt Nam đến Vatican để gặp vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo La Mã: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp ĐGH Benedict XVI ngày 25 tháng 1 năm 2007. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp ĐGH Benedict XVI ngày 11 tháng 12 năm 2009. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng gặp ĐGH Francis ngày 22 tháng 1 năm 2013, và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp ĐGH Francis ngày 18 tháng 10 năm 2014. Qua 4 lần gặp gỡ vừa nêu trên, người ta không nhìn thấy những thành quả cụ thể nào, ngoài một thông điệp của nhà cầm quyền Hà Nội, muốn nói với tín đồ và thành phần lãnh đạo giáo hội Công Giáo Việt Nam rằng giữa hai bên đã có những trao đổi ở cấp nhà nước rồi, có nghĩa là những quyết định đã được thỏa thuận ở thượng tầng, do đó tiếng nói của hơn 6 triệu người Công Giáo Việt Nam không còn được nhà cầm quyền CS coi trọng nữa!
Tuy điều 24 Hiến Pháp VN xác định quyền tự do tôn giáo của người dân, nhưng trong thực tế, tình trạng tự do tôn giáo ở VN hôm nay, bề ngoài xem ra có nhiều thay đổi, mà người ta cho rằng chính quyền đã cởi mở hơn, nhưng những thay đổi đó lại mang tính lễ hội, hơn là phản ảnh chiều kích tâm linh của tín đồ các tôn giáo. Nếu đi sâu vào sinh hoạt của các tôn giáo ở VN, thì câu nói của hồng y Phạm Minh Mẫn ngày nào vẫn có giá trị, đó là chế độ XIN-CHO, điều mà nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã quả quyết rằng: "Tự do tôn giáo là một quyền chứ không phải là một ân huệ xin cho" như ở VN ngày nay.
Cho đến nay VN-Vatican chưa có quan hệ ngoại giao nên điều mong ước của người công giáo Việt Nam được chào đón một vị Giáo Hoàng đến thăm quê hương như người dân Cuba quả thật còn rất xa vời.
Đằng Giang

No comments:

Post a Comment