Friday, September 18, 2015

Tin Tức thứ Sáu 18.09.2015

HÀ NỘI YÊU CẦU THÁI LAN BỒI THƯỜNG VỀ VỤ TẤN CÔNG CÁC TÀU CÁ VN

Nhà cầm quyền Hà Nội vào hôm qua chính thức yêu cầu Thái Lan mở cuộc điều tra và bồi thường về vụ cảnh sát Thái Lan truy đuổi và nã đại liên vào các tàu cá VN khiến một ngư dân thiệt mạng và hai người khác bị thương. Trong cuộc họp báo vào hôm qua, phát ngôn nhân bộ ngoại giao Hà Nội cho biết là phía VN đã gửi công hàm đến tòa đại sứ Thái Lan, nội dung yêu cầu mở cuộc điều tra nghiêm túc, trừng phạt những kẻ sai phạm, đồng thời bồi thường về tính mạng và tài sản cho ngư dân Việt. Cần nhắc lại là giới chức Thái Lan cũng đã thừa nhận vụ nổ súng vào các tàu cá Kiên Giang hôm 11/9, nhưng biện hộ là họ chỉ tự vệ khi bị các tàu VN bao vây uy hiếp trong hải phận Thái. Đây là lần đầu tiên mà cảnh sát Thái Lan đã nổ súng thẳng vào các tàu cá xâm nhập hải phận của họ. Tờ báo Thanh Niên trong nước cũng đăng hình những đầu đạn đại liên ghim vào các thân tàu VN. Đây là loại đạn trung liên có tầm sát thương cao, mà nếu trúng đạn thì không chết cũng bị tàn tật vĩnh viễn.

MỘT ĐIỂN HÌNH PHONG KIẾN VỀ TRIỀU ĐÌNH CỘNG SẢN HIỆN NAY

Dư luận trong nước đang bán tán xôn xao về một bài phóng sự trên tờ Người Lao Động, nội dung cho biết là hầu hết các quan chức lớn nhỏ ở huyện Mỹ Đức, trực thuộc thành phố Hà Nội, đều là thân nhân hay họ hàng của ông bí thư huyện ủy Lê Văn Sang.
Bài báo cho biết là các chức vụ quan trọng như trưởng phòng tài chánh – kế hoạch, phòng kinh tế hay ban quản lý dự án, văn phòng huyện ủy đều nằm trong tay các thân nhân hay họ hàng, thậm chí là phía sui gia, của ông bí thư huyện Mỹ Đức, Lê Văn Sang. Khi bị chất vấn, ông Lê Văn Sơn, chú của bí thư Sang và hiện nắm chức trưởng ban tổ chức huyện ủy, đã thừa nhận các quan hệ họ hàng này, nhưng khẳng định là việc bổ nhiệm đều được thực hiện theo đúng "qui trình". Bà Nguyễn Lan Hương, phó bí thư huyện, cũng khẳng định là đúng qui trình và nói thêm là "nếu làm sai thì thành ủy Hà Nội đã mở cuộc điều tra".
Thế nhưng khi báo chí đặt câu hỏi với ông Phan Đăng Long, một quan chức thành ủy Hà Nội, thì ông này lắc đầu trả lời là không hay biết gì về chuyện này. Ông Long còn nói thêm là chuyện "cả họ làm quan" ở quận huyện không phải là chuyện hiếm có ở VN, thậm chí điều này cũng rất phổ biến ở cấp tỉnh.

NGƯỜI DÂN VIỆT VỪA CÓ THẺ CĂN CƯỚC, VỪA CÓ CHỨNG MINH NHÂN DÂN

Trong một cải tổ hành chánh chưa từng có trên thế giới, bộ công an VN tuyên bố là từ năm 2016, người dân VN sẽ có 3 loại giấy tờ tùy thân là thẻ căn cước, hai thẻ chứng minh nhân dân loại 9 số và 12 số. Bộ này nhấn mạnh rằng cả 3 loại thẻ nói trên chỉ khác nhau ở tên gọi, chứ về giá trị thì như nhau.
Lý do có 3 loại thẻ nói trên là vì quốc hội VN đã thông qua đạo luật Căn cước Công dân, nội dung qui định là những công dân từ 14 trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1 năm tới, vì thế các địa phương sẽ ngưng cấp thẻ chứng minh nhân dân, trừ phi là các nơi đó chưa có máy móc để in ấn thẻ căn cước thì vẫn tiếp tục cấp thẻ cũ. Những ai đang có thẻ chứng minh nhân dân thì vẫn xử dụng cho đến khi được yêu cầu đổi sang thẻ căn cước và đến năm 2020 thì chỉ còn một loại thẻ duy nhất là thẻ căn cước.

HƠN 2 NGÀN NÔ LỆ ĐƯỢC GIẢI CỨU TẠI MỘT HÒN ĐẢO CỦA INDENOSIA

Hơn hai ngàn người đã được tìm thấy và giải cứu khỏi tình trạng lao động như nô lệ ở miền đông Indonesia trong vòng 6 tháng qua.
Cuộc giải cứu được thực hiện sau thời gian điều tra của thông tấn xã Hoa Kỳ (AP) về nguồn hải sản nhập cảng vào Mỹ có giá rẻ mạt. Kết quả cho thấy các hải sản này đến từ những ngư dân bị ép buộc làm việc như nô lệ ở Nam Dương. Đa số các nô lệ này là đến từ Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và Lào. Họ đã bị đánh đập bằng roi cá đuối và bị bỏ đói nếu không chịu làm việc.
Một ngư dân Miến Điện 25 tuổi cho biết là anh mất liên lạc với gia đình suốt 5 năm qua sau khi bị lừa bán cho một tàu đánh cá Nam Dương, thay vì được đến một công trường xây dựng ở Thái Lan như lời hứa hẹn của đường dây buôn người.

NHÀ CẦM QUYỀN QUÂN PHIỆT THÁI LẠI DỜI NGÀY TUYỂN CỬ QUỐC HỘI

Tập đoàn quân phiệt Thái Lan vào hôm qua loan báo là cuộc tuyển cử quốc hội không thể diễn ra trước tháng 6 năm 2017, với lý do là phải soạn lại bản hiến pháp sau khi hội đồng cải cách, do chính tập đoàn này bổ nhiệm, đã không thông qua bản sơ thảo hiến pháp vào đầu tháng này.
Phát biểu trong buổi gặp gỡ các phái đoàn ngoại giao quốc tế, phó thủ tướng Wissanu Krea-Ngam tuyên bố là tiến trình soạn thảo hiến pháp mới sẽ mất khoảng 20 tháng, vì thế người dân Thái Lan phải đợi ít nhất là đến tháng 6 năm 2017 mới có thể đi bầu ra một chính phủ dân sự.
Việc dời ngày thêm một năm nữa sẽ giúp cho tập đoàn quân phiệt do đại tướng Chan-O-Cha cầm đầu sẽ kéo dài hơn 3 năm, một kỷ lục cầm quyền lâu nhất của quân đội Thái kể từ năm 1969.

THƯỢNG VIỆN NHẬT BẢN SẮP THÔNG QUA TU CHÍNH ÁN VỀ VAI TRÒ QUÂN ĐỘI

Vào hôm qua, ủy ban tư pháp thượng viện Nhật đã thông qua tu chính án cho phép quân Nhật được tham chiến ở hải ngoại để giúp đỡ các đồng minh.
Trong phiên họp của ủy ban tư pháp vào sáng hôm qua, đã có cuộc tranh cãi nẩy lửa, thậm chí là dẫn đến ấu đả, giữa các thượng nghị sĩ cầm quyền và đối lập. Tuy nhiên cuối cùng thì tu chính án này cũng được thông qua, bất chấp hàng trăm ngàn người dân Nhật đã xuống đường phản đối suốt mấy tháng qua, với hàng chục người bị cảnh sát câu lưu vì có hành vi quá khích trong các cuộc biểu tình trước quốc hội.
Cần nhắc lại là hiến pháp hiện hành của Nhật là một trong những điều kiện do Hoa Kỳ và phe đồng minh đưa ra sau khi chấm dứt thế chiến thứ hai. Trong đó có một điều khoản qui định quân đội Nhật chỉ có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc và tuyệt đối không được điều quân ra hải ngoại dù với bất cứ lý do gì.

No comments:

Post a Comment