Friday, March 7, 2014

MOODY'S LẠI MỘT "THẾ LỰC THÙ ĐỊCH"

Thứ Sáu, ngày 06.03.2014    
Kinh tế thị trường nhưng vướng cái đuôi của loài khỉ chưa thành người "định hướng xã hội chủ nghĩa" đang kéo toàn dân xuống bờ vực thẳm trên phương diện kinh tế. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Bảo Ngân với tựa đề: "MOODY'S LẠI MỘT 'THẾ LỰC THÙ ĐỊCH' " sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Theo Wikipedia, Moody's có trụ sở tại Hoa Kỳ, là công ty chuyên xếp hạng tín nhiệm đối với các nhà phát hành nợ/ chứng khoán, hoặc đối với bản thân các loại nợ/chứng khoán. Moody's và Standard & Poor's kiểm soát 40% thị phần đánh giá tín dụng toàn cầu, vì thế những đánh giá xếp hạng tín dụng của họ có giá trị tham khảo rất cao đối với các chính phủ, tổ chức tài chính và các nhà đầu tư ngoại quốc.
Mới đây, trong báo cáo triển vọng hệ thống ngân hàng 2014, công bố ngày 18/2/2014, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đánh giá tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam ít nhất phải chiếm 15% gần bằng 17% của Hy Lạp, thay vì chỉ là thấp hơn 5% (mức nợ dưới chuẩn) như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tháng 10/2013. Trong khi đó chính phủ Việt Nam vẫn không thừa nhận mức nợ xấu do Moody's công bố, nên vào ngày 21/2/2014 đã chỉ đạo cho ngân hàng nhà nước đưa ra con số nợ xấu khác hẳn những con số mà họ tuyên bố hồi tháng 10 năm ngoái, là tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam nếu tính một cách thận trọng chỉ khoảng 9%. Đó là ý kiến chính thức của Ngân hàng Nhà nước VN khi công bố tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Như vậy nợ xấu của chính phủ Việt Nam đã được nâng từ mức 5% lên con số 9% chỉ sau 4 tháng. Ở Việt Nam ai cũng biết rằng các con số thống kê trên mọi lãnh vực hoạt động, nhất là về kinh tế do chính phủ đưa ra, thường được tô vẽ thành màu hồng nhằm ba mục tiêu, thứ nhất: là để ca tụng sự lãnh đạo sáng suốt và thành công của đảng về đời sống, kinh tế cũng như xã hội, thuận lợi cho tuyên truyền chính trị và gây ảo tưởng trong dân chúng, thứ hai: là che đậy những khiếm khuyết yếu kém hiện hữu thường trực về năng lực lãnh đạo kinh tế, cũng như đường lối phát triển kinh tế nhập nhằng theo kiểu: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và thứ ba: là cố ý lập lờ các con số tăng trưởng để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như thuận lợi trong việc vay vốn hay phát hành trái phiếu chính phủ ra quốc tế. Chính vì thế mà cách tính toán để đưa ra các con số của chính phủ Việt Nam, khác rất xa so với cách tính theo thông lệ quốc tế, chẳng hạn vấn đề nợ xấu trên đây là một ví dụ điển hình. Các chuyên gia Việt Nam cũng khẳng định, qua đây cũng phát lộ những số liệu mới về nợ xấu đáng lo ngại hơn nhiều so với con số NHNN công bố. Theo ông Gene Fang, Phó chủ tịch của Moody's và là chuyên viên nghiên cứu cao cấp nói trong báo cáo rằng: "Vốn hiện hữu không đủ để bù các khoản lỗ có thể phát sinh từ những yếu huyệt tràn lan trong chất lượng tài sản tại các ngân hàng Việt Nam" "Thêm vào đó, trong vòng 12-18 tháng tới, sẽ không có nhiều cải thiện đáng kể trong việc huy động để bổ sung vốn.". Vì lãi suất thấp người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng nữa. Vậy nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam nằm ở đâu? Thứ nhất: nó nằm ở khối tài sản nhà, đất được thế chấp khi vay vốn. Ngân hàng Việt Nam đang ôm một khối lượng lớn tài sản thế chấp là nhà và đất, nhưng không thể bán ra để thu hồi vốn do thị trường đóng băng. Mặc dù trên thực tế giá trị nhà và đất khi được thế chấp cho ngân hàng chỉ được định giá bằng 50% giá trị thực vào thời điểm thế chấp. Tuy nhiên với vấn đề tham nhũng móc ngoặc với nhau giữa nhân viên ngân hàng và khách hàng đi vay, giá trị thực của tài sản đã được nâng khống lên gấp đôi gấp ba lần để trục lợi. Giờ đây thị trường nhà đất xuống giá nhưng vẫn không có khách hàng mua bán, chính vì vậy khối tài sản nhà đất mà ngân hàng cầm giữ có bán đúng giá thị trường hiện nay cũng không bán được và đó chính là nợ xấu. Vấn đề thứ hai nợ xấu nằm trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang trên bờ vực phá sản. Đã qua rồi cái thời ngân hàng nào cũng thích cho các ông lớn tập đoàn như: Vinashin, Vinalines, Than Khoáng sản, Điện Lực Việt Nam, v.v... vay vì có sự chống lưng của chính phủ. Ngay cả như ông cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng hăng hái đi nước ngoài vay cho Vinashin 750 triệu Dollar Mỹ. Nhưng cuối cùng thì con tàu Vinashin đã chìm với gần 100 ngàn tỷ đồng Việt Nam theo nó đổ sông đổ biển. Các ông lớn tập đoàn khác cũng đang nợ như chúa chổm mà ngân hàng thì chẳng biết bao giờ mới đòi được nợ, trong khi chính phủ cũng đang điên đầu giải quyết khủng hoảng nợ của các tập đoàn. Vấn đề thứ ba là các ngân hàng cho vay lòng vòng lẫn nhau kiếm lời, thay vì cung cấp tiền cho nền kinh tế, mà vụ án siêu lừa đảo Huyền Như đã bộc lộ điểm này. Vì kinh tế khủng hoảng trầm trọng, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nên khách hàng không có nhu cầu vay vốn, dẫn đến vốn huy động ứ đọng phải mua trái phiếu chính phủ cho chắc ăn. Mà chính phủ lúc này thu không bù nổi chi, vay mới thì không được mà còn phải trả nợ nước ngoài, v.v... thế nên, cái phao cứu sinh từ chính phủ cũng đang xì hơi. Thật là họa vô đơn chí!
Đó mới chỉ là một vài nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh nợ công của Việt Nam. Cái mà CSVN sợ nhất lúc này là vỡ nợ dây chuyền không có gì cứu vãn nổi sẽ dẫn đến sự sụp đổ chế độ. Vậy hãy chờ xem đỉnh cao trí tuệ CSVN chèo chống con thuyền kinh tế mục nát ra sao?
Bảo Ngân.
07/03/2014

No comments:

Post a Comment