Saturday, March 15, 2014

Phỏng Vấn ông Phùng Liên Đoàn về Điện Hạt Nhân tại Việt Nam kỳ 3

Thứ Bảy 15.03.2014   
Ông Phùng Liên Đoàn là một chuyên gia về nguyên tử và môi trường, đã làm việc hơn 40 năm tại Mỹ cạnh tranh với nhiều người khác kiếm các dịch vụ an toàn và an ninh cho các chương trình nguyên tử, và tẩy uế phóng xạ tại các trung tâm nguyên tử của Mỹ. Từ năm 2009, ông Đoàn có ý kiến là Việt Nam không nên xây nhà máy ĐHN không những vì các giả thiết cho chương trình này tại Việt Nam là sai, mà còn vì ngân sách hạn hẹp của ta cần phải chú ý vào việc hun đúc nguyên khí quốc gia một cách toàn diện qua bẩy yếu tố an ninh của con người; đó là an ninh thực phẩm, sức khỏe, giáo dục, cá nhân, cộng đồng, môi trường và cơ chế. Ông Đoàn có bằng thạc sĩ và tiến sĩ về ngành kỹ thuật nguyên tử tại trường đứng vào hạng nhất thế giới là Massachusetts Institute of Technology. Sau đây đài ĐLSN có vài câu hỏi cho TS Phùng Liên Đoàn.
HN: Mới đây báo chí đăng tin ầm ĩ là tổng thống Obama đã đệ trình để Quốc Hội chấp thuân việc giao thương với Việt Nam về ĐHN, ông nghĩ sao về vấn đề này?
TS PLĐ: Đây là một vấn đề nặng chính trị hơn là kinh tế, kỹ thuật. Theo tôi, nó rất quan trọng về tính cách địa chính trị của Việt Nam, nhưng nó không có nghĩa lý gì về phương diện kinh tế và khoa học kỹ thuật cho Việt Nam..
HN: Xin ông cho biết rõ hơn.
TS PLĐ: Vietnam có một vị trí rất nhậy cảm và quan trọng trong bàn cờ quốc tế mới, trước sự bành trướng kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Một mặt, VN là đồng chí môi hở răng lạnh, 16 chữ vàng của Trung Quốc; một mặt VN sẽ là nước đầu tiên bị hại nếu TQ nhất quyết muốn chiếm biển ĐNA là của mình. Đối với Mỹ, cường quốc dẫn đầu các nước khác đối mặt với các đe dọa của Trung Quốc như trước kia đã kìm hãm ý đồ bành trướng của Hitler trong chiến tranh thế giới II và ý đồ bành trướng của Stalin trong chiến tranh lạnh, Mỹ cần lôi kéo Việt Nam làm tiền đồn trong phòng tuyến bao vây Trung Quốc, gồm cả Nga, Nhật, Hàn, Phi, Mã Lai, Úc...và nói chung, toàn Thái Bình Dương. Chiến lược đối nghịch giữa TQ và Mỹ sẽ kéo dài nhiều chục năm, cho tới khi hoặc có chiến tranh nóng, hoặc có sự cư xử văn minh và hòa bình của TQ. Vietnam là con chốt đầu; cả Mỹ, Nga, Ấn và Âu Châu đều quan tâm. ĐHN là một cái cớ khiến một nước nghèo và hậu tiến như Việt Nam có thể giao thiệp dưới chiêu bài "hợp tác" với các nước lớn; và các nước lớn cũng đồng ý dùng chiêu bài này cho "danh chính ngôn thuận" trong nỗ lực dẫn TQ tới cách cư xử văn minh, hòa bình.
Còn như về kinh tế và khoa học kỹ thuật, thì ý đồ ĐHN tại Vietnam chỉ là một cái thùng rỗng, được bao che bởi nhiều huyền thoại gây hỏa mù cho cả người dân lẫn giới khoa học kỹ thuật. Huyền thoại thứ nhất là ĐHN rất an toàn, ngay cả sau biến cố Fukushima. Huyền thoại thứ hai là ĐHN rất kinh tế, ngang ngửa với các dạng khác như than, dầu khí, tái tạo. Huyền thoại thứ ba là Việt Nam sẽ cần rất nhiều điện kể cả ĐHN để phát triển kinh tế. Huyền thoại thứ tư là Việt Nam có nhiều nhân tài và công nhân khéo tay, cần cù chịu khó. Huyền thoại thứ năm là ĐHN sẽ là một cú hích quan trọng cho việc phát triển khoa học kỹ thuật Việt Nam trong tương lai.
HN: Xin ông cắt nghĩa huyền thoại thứ nhất là ĐHN rất an toàn
TS PLĐ: Sự an toàn hay nôm na là nguy hiểm của ĐHN đã là đầu đề của mọi tranh cãi về ĐHN trên thế giới và dĩ nhiên tại Việt Nam. Người ủng hộ như chính phủ và các chuyên gia do chính phủ trả lương thì cả quyết ĐHN rất an toàn ngay cả sau biến cố nóng chẩy Fukushima. Người chống đối thì dẫn chứng những khốc hại của các tai nạn như Chernobyl và Fukushima, rồi diễn giải thêm về những nguy hiểm cả nghìn năm cho thế hệ mai sau. Theo tôi, cả hai phía đều đi quá trớn trong trận địa dành lá phiếu của người dân trong các xã hội tự do dân chủ. Trong khi Nga, Trung Quốc hoặc United Arab Emirates (UAE) quyết định xây là xây vì họ có tiền và người dân không được hỏi ý kiến, thì ĐHN đã bị dân bầu phiếu bỏ để loại bỏ dần tại Thụy Điển vào những năm 1990s, nay đang xét lại; đã bị biểu quyết bỏ tại Ý; đã bị biểu quyết bỏ dần tại Đức và Nhật, nhưng cũng đang được xét lại. Nghĩa là, người dân phản ứng theo cảm tính và chính phủ tại các nước dân chủ tự do hành động theo ý dân đến khi dân thấy quyết định này tốn kém quá thì lại xét lại.
Tôi biết rất rõ sự nguy hiểm hay an toàn của ĐHN vì tôi đã làm trong nghề này trên 40 năm tại Mỹ và đã đích thân tham gia thiết kế 4 nhà máy ĐHN (tám lò) và khảo cứu toàn thể các lò ĐHN đời thứ 2 tại Mỹ, qua công trình WASH-1400 năm 1972-1975 mà cả thế giới dùng làm căn bản xét đoán sự an toàn của ĐHN. Ta có thể nhìn sự "nguy hiểm" hay an toàn này qua hai khía cạnh.
Về tai hại cho sức khỏe của con người, thì ĐHN tuy đã làm độc hại một vùng đất chung quanh Chernobyl và Fukushima, nhưng chưa từng giết một người dân bình thường nào, mặc dầu hằng năm sản xuất 3000 tỉ kWh điện (gấp 25 lần Việt Nam và bằng 13% điện trên thế giới). Số chuyên viên và công nhân chết vì tai nạn kỹ nghệ và phóng xạ trong tai nạn nóng chẩy tại Windscale (Anh, 1957) là 0, Three Mile Island (Mỹ, 1979) là 0, Chernobyl (Ukraine, Nga Soviet, 1968) là 133; và Fukushima (Nhật, 2011) là 2. Người dân sống gần các tai nạn đó bị một lượng nhiễm xạ trung bình khoảng 20%-30% phóng xạ hằng năm ai cũng bị khi sống trên trái đất. Như vậy ta không thể nói ĐHN rất nguy hiểm và nằng nặc khuyến cáo không nên dùng nó, trong khi các nhà máy đốt than hằng năm gây cả chục ngàn tử vong, các nhà máy thủy điện đã từng làm chết hơn 170,000 người như trường đập Banqiao Shimandan nam9 1975; các nhà máy hóa chất như Bhopal đã làm chết hơn 8000 người trong vòng một tuần năm 1984; và các động cơ trên xe hơi, xe gắn máy đã làm chết hơn 1.25 triệu người hằng năm. Mỗi người sống trên trái đất chỉ khoảng 100 năm. Trong thời gian đó cơ nguy bị tử vong rất lớn là vì chiến tranh, chính sách, thức ăn độc hại, xe cộ, chết đuối, trèo cao bị ngã.... Mỗi rủi ro này đều có sác xuất lớn nhiều ngàn lần hơn do phóng xạ từ nhà máy ĐHN khi hoạt động và ngay cả khi có tai nạn. Ta nên hỏi, vì chúng nguy hiểm như vậy, thì ta có nên ngăn cấm chúng trong xã hội ngày nay hay không. Chắc chắn là không. Hạnh phúc và nhu cầu của con người trong thời buổi mới rất cần tới chúng, và mọi cố gắng của các chính phủ vì dân đều là tìm cách giảm thiểu những rùi ro đó. Thiếu chúng thì đời sống của số đông nhân loại sẽ khổ hơn, nhiều rủi ro bất hạnh hơn. ĐHN cũng vậy, đem lại điện cho con người mà lại ít rủi ro hơn là các dạng năng lượng khác như than, đập nước, hơi khí.
Nhưng trên khía cạnh đầu tư kinh tế thì khác. ĐHN làm rất khó, xây rất lâu, điều hành trong những luật lệ hết sức khắt khe. Có cả ngàn cơ nguy trong 7 thang sự cố INES (International nuclear events scale) khiến nhà máy ĐHN bắt buộc phải ngưng chạy. Và nếu có sự cố ở thang 6 như Three Mile Island, 7 như Chernobyl và Fukushima thì nhà máy bị đóng cửa vĩnh viễn, gây tổn thất 100% cho đầu tư và rất lớn cho kinh tế liên hệ. Chính vì những rủi ro này, có phần nhiều hơn tại Việt Nam hơn các nước khác vì tánh tình và trình độ của công nhân ta, mà tôi khuyến cáo ta chưa nên xây ĐHN trong khi ta còn rất nghèo, hạ tầng cơ sở của ta còn rất yếu cả về phần cứng cũng như phần mềm. Hơn nữa, ta có nhiều cách khác làm điện nhanh hơn và rẻ hơn ĐHN.
Tóm lại, "an toàn" là một huyền thoại mà cả người ủng hộ lẫn người chống đối ĐHN đã dùng làm căn bản cho lập trường của mình. Họ đều không trình bầy sự thực một cách công bình, biến "an toàn" thành một huyền thoại hoặc rất tốt theo người ủng hộ, hoặc rất xấu theo người chống đối.
Mặc dầu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố vào tháng 1 năm 2014 là hoãn xây nhà máy ĐHN vì "không an toàn thì ta không xây", nhưng trong thực tế, ta hoãn Ninh Thuận I và có thể cả một chùm các nhà máy ĐHN tiếp nối là vì ta không có tiền và hoạch toán 2011 về việc ta cần điện năm 2020 -2030 là đã quá phóng đại hoặc chưa phải là mối quan tâm quan trọng nhất cho Việt Nam trong lúc này.
HN: Xin ông cắt nghĩa huyền thoại thứ hai là ĐHN rất kinh tế, sánh ngang với các nguồn khác.
TS PLĐ: Giá điện sản xuất ra là gồm ba thành phần: phí đầu tư xây dựng, phí nhiên liệu, và phí điều hành.
Về xây dựng, nhà máy càng tối tân, càng xây lâu, thì càng đắt tiền. Ví dụ, nhà máy đốt hơi khí, dễ xây nhất, chỉ tốn khoảng 1200 USD/kWe; đập nước, xây khó hơn và cần nhiều vật liệu hơn, tốn khoảng 2000 USD/kWe; nhà máy đốt than với thiết bị thu gom SO2 và CO2, tốn khoảng 4000 USD/kWe; nhà máy ĐHN, khó xây nhất, tốn khoảng 5000 USD/kWe. Những con số này là với giá trị USD năm 2014 và hoạch toán tại những nước có hạ tầng tốt như Mỹ, Âu châu, Nhật, Hàn. Nhưng ở Viet Nam, mọi dạng nhà máy (có thể là trừ đập nước) sẽ đều đắt hơn bởi vì hạ tầng của ta thô sơ và cái gì ta cũng phải nhập khẩu.
Về nhiên liệu, thứ gì ta có thì ta không phải mua. Vì thế, nước, hơi khí, gió và than là các thứ ta có. Làm điện bằng nước chẩy, đốt than, đốt hơi khí, tuabin gió sẽ rẻ hơn nhiều làm điện bằng uranium mà ta sẽ phải nhập khẩu. Có người nói ta có mỏ uranium. Không những các mỏ này là chưa chắc, mà làm nhiên liệu uranium cho lò ĐHN là một công nghệ rất cao, rất tốn kém mà cả trăm năm nữa ta chưa chắc có thể làm được. Vì thế, ĐHN không lợi cho Việt Nam trên khía cạnh nhiên liệu và xây dựng.
Về điều hành, ta có thể học từ ABC như hiện chính phủ đang tuyển người đi học. Nhưng cũng như nhà máy Dung Quất và máy bay Boeing, suốt thập niên đầu ta vẫn phải nhờ các chuyên viên ngoại quốc làm các dịch vụ chính, với tiền lương cao gấp 10 lần tiền lương của chuyên gia Việt Nam. Hơn nữa, ta đang mắc phải một sai lầm hệ thống, là gửi người đi học ĐHN tại nhiều nước khác nhau, dùng các ngôn ngữ khác nhau, làm cản trở cho sự cộng tác làm việc nghiêm túc sau nay tại nhà máy ĐHN. Ta đang tự gây mầm mống thất bại với chính sách này vì nhà máy sẽ không có hiệu suất cao trong việc điều hành, thường nằm ốm không tạo điện.
Tóm lại, ĐHN tại Việt Nam sẽ không rẻ bởi cả ba yếu tố: xây cất, nhiên liệu và điều hành. Trong một bài viết năm 2009, tôi đã tiên đoán là ĐHN tại Việt Nam, nếu thực hiện được vào năm 2020, sẽ đắt gấp ba giá điện năm 2009 tại Việt Nam. GNP của 90 triệu người dân Việt Nam sẽ không thể tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian 11 năm đó.
ĐHN không thể cạnh tranh giá cả với các dạng năng lượng khác tại Việt Nam trong 10-15 năm tới.
HN: Xin ông cắt nghĩa huyền thoại thứ ba là Việt Nam cần ĐHN vì sẽ thiếu rất nhiều điện vào những năm 2020 và 2030.
TS PLĐ: Năm 2009 đảng Cộng Sản và chính phủ có quyết tâm lớn là xây ĐHN và đã đẩy qua được Quốc Hội cho phép. Một trong những yếu tố chính là Việt Nam, với đà phát triển kinh tế hơn 8%/năm, sẽ cần 330 tỉ kWh điện vào năm 2000 (gấp 3 lần năm 2009), và 693 tỉ kWh điện vào năm 2030 (gấp 6 lần năm 2009). Hoạch toán này đã quá lạc quan về hai giả thiết quan trọng nhất, đó là kinh tế sẽ phát triển tiếp tục như trong 10 năm trước, và hệ số đàn hồi về việc dùng điện sẽ chỉ hạ dần dần từ 2 tới 1.5 rồi tới 1. Nhưng từ năm 2010 kinh tế đã có phần èo uột, không tăng được 8%/năm như dự kiến cho tới năm 2015, và nhất định là sai khi tính tới 2020 và 2030. Đồng thời, hệ thống có tới 26,000 MWe mà sức dùng cao nhất trong tết Giáp Ngọ vừa qua chỉ bằng 50% khả năng của hệ thống. Mặt khác, nạn cúp điện vẫn xẩy ra luôn luôn làm người dân thiếu tin tưởng. Các sự kiện này đưa tới kết luận là hệ thống truyền tải điện không bền vững, và phương pháp quản lý các nhà máy cho nhịp nhàng hãy còn nhiều yếu kém. Nếu quản lý tốt, không những ta chỉ cần dự trữ 20% thay vì 100% trên số điện cần ở thời điểm cao nhất. Việc này dẫn tới kết luận là ta có thể chăm chú vào việc dùng các nhà máy hiện có cho thật hiệu quả, và không cần xây cất thêm như quyết định của Thủ Tướng năm 2011. Thật vậy, báo cáo của bộ Công Thương cuối năm 2013 cho biết là hơn 400 công trình xây cất (hầu hết là thủy điện nhỏ) đã bị hoãn lại hoặc loại bỏ vì ta không có vốn và chúng thực sự chưa cần thiết.
Thiếu điện là một huyền thoại. Hệ thống truyền tài không bền vững và quản lý điện yếu kém là sự thật. Trong một bài viết trên BauxiteVN tháng 1 năm 2014, tôi đã đề nghị vài phương pháp sử dụng điện nhậy bén hơn để ta không cần tới ĐHN mặc dầu kinh tế có hưng phục lại tới mức 8-10%/năm. Vài phương pháp đó là: (1) Ưu đãi chuyên viên và công nhân các nhà máy thủy điện, nhà máy đốt hơi khí, nhà máy đốt than như chương trình ưu đãi chuyên viên và công nhân ĐHN vì điện nào cũng là điện. Được ưu ái, huấn luyện bài bản để yên tâm làm việc nuôi gia đình khỏe mạnh và cho con cái học hành là cách tốt nhất ta nâng được năng suất của các nhà máy hiện có, khiến chúng sản xuất thêm 10%-30% mà không cần xây cất thêm, kể cả xây cất ĐHN. (2) Mua bóng đèn huỳnh quang phát không hoặc bán rẻ cho người dân, để việc thắp sáng tiết kiệm được 20-50% điện mà vẫn có đủ ánh sáng như trước. (3) Dùng các máy đếm điện thông minh để ta có thể lập giá điện thông minh dựa trên số điện dùng và giờ dùng trong ngày hoặc đêm. (4) Khuyến khích việc dùng máy điều hòa không khí một cách thông minh, để không những tiết kiệm được điện mà còn tạo một nghề nuôi sống nhiều ngàn lao động tư nhân. (5) Dùng kỹ thuật khoan ngang để tìm thêm trữ lượng khí đốt có thể có ở dưới sâu và trong vựa than đồng bằng sông Hồng. Việc này có triển vọng cung cấp nhiên liệu làm điện rẻ tiền cả trăm năm thay vì phải nhập khẩu 100% nhiên liệu ĐHN. Ta sẽ không bao giờ thiếu điện nếu ta quản lý nhậy bén và dùng kỹ thuật mới trong việc đốt than và hơi khí sản xuất nội địa.
HN: Theo ông, huyền thoại thứ tư là ta có thể làm được tất cả vì ta có nhiều nhân tài và công nhân Việt Nam khéo tay, cần cù, chịu khó.
TS PLĐ: Ai khoe nhân tài Việt Nam và công nhân viên Việt Nam là người không biết mình biết ta. Sự thật là các nước tương đương với Việt Nam như Thái Lan, Mã Lai, Phi, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan... còn có nhiều nhân tài và còn đa dạng hơn ta; và công nhân của họ không những khéo tay, cần cù chịu khó, mà còn hơn ta ở chỗ được huấn luyện chu đáo hơn và có tinh thần tôn trọng kỷ luật công nghệ hơn. Kinh nghiệm thực tế của các công ty đem tiền và kỹ thuật tới Việt Nam gia công, như Nike, Intel, Samsung, Honda... đã cho biết sự thực này. Ta có một số người học giỏi, có bằng cấp, so sánh được với quốc tế thì họ chọn lựa làm việc tại nước ngoài vì môi trường Việt Nam không tốt cho công việc của họ. Hầu hết nhân tài quốc nội lại thích bằng cấp hơn là thực tế; vì thế, những người làm những việc quan trọng nhất trong các công xưởng lớn lại phần lớn là người ngoại quốc. Ta có nhiều lao công xuất khẩu không phải là để làm các việc chuyên môn, mà để làm các việc lao động thấp nhất mà người địa phương không muốn làm. Đó là sự thực của yếu tố lao động Việt Nam, ta không nên khoe bừa bãi.
HN: Xin ông cho biết thêm về huyền thoại thứ năm.
TS PLĐ: Huyền thoại thứ năm, được dẫn chứng trong các công văn của chính phủ khi quyết định về ĐHN, là chương trình lớn này sẽ giúp công nghệ khoa học Việt Nam tăng tiến để không bao lâu ta sẽ làm được nhiều sản phẩm cạnh tranh được với quốc tế như Hàn Quốc hiện đang làm.
Ý kiến trên, rất thành thật nơi người lãnh đạo, nhưng chỉ là một huyền thoại trong địa hạt ĐHN, vì kỹ thuật ĐHN rất tối tân, không thuộc vào loại sản xuất cả trăm ngàn cái giống nhau một thiết bị, mà thuộc vào loại sản xuất đặc thù từng cái cho cả ngàn thiết bị khác nhau. Công việc từ khai mỏ uranium, biến dạng thành chất hơi, tinh luyện trong các nhà máy ly tâm hoặc khuếch tán, sản xuất ra các viên nhiên liệu UO2 rồi đóng vào các thanh nhiên liệu zirconium... là những chặng đường mà mỗi chặng đòi hỏi rất nhiều vốn và chuyên gia kinh nghiệm. Với lịch sử khoa học công nghệ Việt Nam, ta còn rất lâu mới có sức có vốn như vậy. Ngay cả Hàn Quốc hiện nay với sự phồn vinh gấp 10 lần Việt Nam mà cũng làm chưa nổi. Và nếu ta có sản xuất được một thiết bị nào đó cho nhà máy ĐHN thì có khả năng rất cao là thiết bị đó làm nhà máy bị ốm không sản xuất điện. Ngoài ra, sẽ khó mà bán các thiết bị điện hạt nhân ta làm cho ai. Có nhiều phương pháp khác không cần kỹ thuật ĐHN mà vẫn có thể giúp khoa học kỹ thuật Việt Nam. Ví dụ, làm tua bin gió tương đối dễ nhưng ta có thể làm vì có nhu cầu điện gió trong nước, và may ra ta còn có thể xuất khẩu nếu ta làm tốt làm rẻ hơn các thiết bị tương tự của các nước khác. Nói "nâng cao khoa học kỹ thuật" nghe thì rất hay, nhưng có làm được hay không trong bối cảnh cạnh tranh thế giới thì ta còn cần phải học hỏi kinh nghiệm của ta trong quá khứ và kinh nghiệm của các nước đã đi trước ta.
Tóm lại, người lãnh đạo cần suy ngẫm năm huyền thoại trên để làm quyết định đúng đắn có lợi cho tương lai của đất nước trong vấn đề ĐHN. Đó là các yếu tố ngoài yếu tố địa chính trị như tôi đã nói ở trên.
Nếu lãnh đạo Việt Nam còn muốn có ĐHN vừa là yếu tố địa chính trị vừa là yếu tố phát triển quốc gia, thì tôi đề nghị ta bắt lấy thời cơ sẽ tan biến trong vài năm, là điều đình với Nga, Nhật, và Mỹ xây nhà máy ĐHN nhỏ lắp trên bè (FSMR). Cơ hội này sẽ giúp ta hội nhập ĐHN theo hướng mới, và còn cứu vãn được Vinashin và Vinalines là những chương trình lớn của chính phủ nhưng không may đã bị những nhân tài nửa mùa làm bại liệt vì đã ấu trĩ chỉ biết dùng cái quạt mo hiếm quý của quốc gia đem đổi lấy nắm xôi của phú ông. Cơ hội xuất khẩu 1000 nhà máy FSMR cho 50 năm tới là khá cao, khiến việc đàm thoại với Mỹ, Nga, Nhật không phải là việc không có chủ đích rõ ràng. Tôi sẽ có dịp bàn về FSMR sau.

No comments:

Post a Comment