Wednesday, March 26, 2014

Nhu Cầu Phải Có Một Cuộc Cách Mạng Mới

Thứ Tư, ngày 26.03.2014    
Liên tục chương trình, qua chuyên mục Con Người Việt Nam tuần này, Nguyên Hồng sẽ trình bày về “Nhu Cầu Phải Có Một Cuộc Cách Mạng Mới”. Mời quý thính giả cùng theo dõi sau đây
Thế kỷ thứ 20 là thế kỷ của nhiều cuộc cách mạng ở Việt Nam. Sự kêu gọi của các nhà ái quốc Việt Nam trong việc đánh đuổi thực dân Pháp -- và với lòng yêu nước quật cường của dân tộc Việt, thực dân Pháp rời Việt Nam để Việt Nam được độc lập.
Và rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng lại được người lãnh đạo ở Việt Nam kêu gọi lòng yêu nước của người Việt tại miền Bắc để Nam tiến. Ở một khía cạnh nào đó, phải nhìn nhận nhà cầm quyền miền Bắc sau năm 1954 đã biết lợi dụng những bất đồng của quần chúng Mỹ -- để kiên trì thực hiện cuộc Nam tiến nhằm mục đích áp dụng toàn bộ chủ nghĩa cộng sản lên trên toàn cõi Việt Nam.
Cuộc kháng chiến đánh Mỹ thần thánh được bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền Hà Nội tuyên dương. Người Việt Nam trong cơn mê say với chiến thắng đánh đuổi được bè lũ đế quốc, đã không đủ sáng suốt để nhìn rõ cuộc chiến trên chẳng thần thánh chút nào. Trái lại đây là một cuộc nội chiến để hai phe (cộng sản – tư bản) thử nghiệm các loại vũ khí họ có trên một dân tộc rất là yêu nước; một cuộc chiến ý thức hệ để thiêu đốt bao nhiêu tuổi trẻ Việt Nam ở cả hai miền Nam-Bắc; một cuộc chiến mà nhà cầm quyền Hà Nội lợi dụng lòng yêu nước của người dân để họ toàn quyền cai trị và áp dụng chủ thuyết cộng sản lên trên toàn bộ đất nước Việt Nam, đồng thời bóp chẹt các quyền tự do căn bản của con người để độc tài đảng trị hầu làm giàu cho chính bản thân của kẻ cầm quyền.
Mấy chục năm sau kể từ khi cuộc chiến tranh chấm dứt và chủ nghĩa xã hội do đảng cộng sản Việt Nam áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đất nước vẫn không có gì khả quan. Trái lại Việt Nam đi thục lùi so với các nước trong vùng. Việt Nam đang đứng trước hiểm họa đồng hóa kiểu mới của Trung Hoa. Tự do -- dân chủ, cơm no -- áo ấm mà đảng cộng sản Việt Nam hô hào trong chiến tranh, tất cả những thứ đó chỉ có cho những người trong đảng, những người nằm trong bộ máy cầm quyền. Còn người dân, thành phần chủ lực đã tốn biết bao xương máu để đấu tranh trong thời chiến tranh thì hoàn toàn không có sự tự do -- dân chủ, cơm no -- áo ấm.
Cuối thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21, sự thật lịch sử được một số người đặt lại vấn đề. Người Việt Nam nhìn cuộc sống của chính mình, nhìn sự nghèo đói của dân tộc, và nhìn sự giàu có của đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, người ta đặt lại vấn đề là -- cuộc chiến tranh đánh Mỹ cứu nước có phải thực sự là thần thánh như đảng cộng sản Việt Nam nói hay không? Hãy nghe Dương Thu Hương, một nhà văn, một người Việt yêu nước đã từng tham gia vào cuộc chiến đánh Mỹ của gần 40 năm về trước nói "cuộc chiến tranh chống Mỹ, với tôi, là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất trong lịch sử dân tộc. Nó là sự sung đột giữa hai thế lực hiếu chiến, Mỹ một bên, những người cộng sản Việt Nam một bên, cả hai bên đều chịu trách nhiệm trước mười triệu linh hồn đau khổ".
Cách mạng được hiểu là thay đổi hiện tại cho khá hơn, cho đẹp hơn. Nhưng quá khứ cho thấy, các nhà lãnh đạo trong đảng cộng sản Việt Nam đã lợi dụng lòng yêu nước, lợi dụng từ ngữ cách mạng -- để đem cái lợi về quyền lực cũng như tài lực cho chính bản thân và đảng của mình. Còn quần chúng chỉ là một con bài được đảng tác động làm cái chuyện hy sinh cho cái chủ đích của đảng mong muốn.
Bây giờ nhìn lại Việt Nam, nhu cầu cách mạng ở thế kỷ 21 là nhu cầu rất cấp bách. Cuộc cách mạng hôm nay không phải để chống Mỹ, chống thực dân – mà là một cuộc cách mạng đánh thức con người Việt Nam, đánh tan sự sợ hãi của người Việt Nam. Cần phải nhấn mạnh lại một điều là cuộc cách mạng hôm nay là cuộc cách mạng đánh thức Con Người Việt Nam, đánh tan sự sợ hãi của người VN
Chỉ khi nào con người Việt Nam thức tỉnh, chỉ khi nào sự sợ hãi của người Việt Nam chấm dứt -- thì người Việt Nam mới có thể đứng dậy nói thẳng với đảng cộng sản Việt Nam là -- các ông đã không thực hiện được tự do -- dân chủ, ấm no -- hạnh phúc mà các ông đã từng tuyên truyền, cho nên bây giờ các ông phải ra đi, hoặc mở ra một cuộc tổng tuyển cử để dân chúng có thể chọn người tài giỏi vào cơ chế chính quyền trong việc lãnh đạo đất nước.
Có thể nói rằng, sự sợ hãi hôm nay là do thái độ thụ động, mặc nhiên chấp nhận những bất công đang xảy ra trên đất nước từ mấy chục năm qua. Thái độ này tạo ra một tầng lớp ăn trên nằm trước, tạo ra giữa người có quyền kèm theo có tiền với số đông người dân thầm lặng không có quyền và không có tiền. Thái độ thụ động này làm cho người cầm quyền muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, muốn bắt ai đó thì đưa ra những bộ luật phản dân chủ, đi ngược lại hiến pháp để bỏ tù những người khác chính kiến với người cầm quyền.
Cho dù thời điểm của hôm nay, sự sợ hãi của người dân đã bớt dần. Tuy nhiên, niềm sợ hãi vẫn còn nằm sâu trong tầm thức của đa số người dân. Chính vì thế một cuộc biểu tình rộng lớn vẫn chưa xảy ra, một cuộc vận động mạnh mẽ vào tầng lớp nhân dân vẫn chưa thực hiện được -- để tạo ra một làn sóng biểu tình đồng loạt xảy ra ở khắp mọi nơi -- để buộc nhà cầm quyền độc tài Việt Nam trả lại đất đai đã bị cướp hoặc sẽ bị cướp, buộc nhà cầm quyền độc tài Việt Nam trả lại những quyền tự do dân chủ cho người Việt Nam. Buộc nhà cầm quyền VN chấm dứt sự tình nguyện làm thái thú cho giặc phương Bắc là Trung Hoa.
Cho nên nhu cầu có một cuộc cách mạng mới là điều rất cần thiết cho đất nước hiện giờ. Và nguyên do nào để đưa đến khẳng định là chúng ta cần có một cuộc cách mạng mới, một cuộc cách mạng hoàn toàn khác xa các cuộc cách mạng trong quá khứ, một cuộc cách mạng không tiếng súng nhưng rất là khó khăn để thực hiện? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong tuần lễ tới của chủ đề Con Người Việt Nam.

No comments:

Post a Comment