Saturday, March 15, 2014

Nữ tướng Lê Chân

Thứ Bảy 15.03.2014    
Kính thưa quý thính giả, Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn sát cánh cùng nam giới tạo nên những chiến tích vang lừng. Nhất là trong cuộc khởi nghĩa chống quân Hán của Hai Bà Trưng và thế hệ Lĩnh Nam vào mùa Xuân năm 40. Trong giai đoạn này, người phụ nữ đã viết nên trang sử hào hùng vì đóng vai trò then chốt cả về chỉ huy lẫn chiến đấu, biết bao anh thư đã hy sinh trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, dựng lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt", chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Nữ tướng Lê Chân" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình tối nay.
Bà Lê Chân là một vị nữ tướng xuất sắc, với các chiến tích của bà được ghi dấu ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội...

Tương truyền quê bà Lê Chân ở làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Cha là ông Lê Đạo và mẹ là bà Trần Thị Châu.
Bà Lê Chân là mẫu người xinh đẹp, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai Thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định muốn lấy bà làm thiếp nhưng cha mẹ bà dứt khoát cự tuyệt, khiến cho họ bị Tô Định sát hại.
Bà Lê Chân sau đó phải bỏ quê, di cư xuống vùng An Dương, ở cửa sông Cấm lập trại khai phá. Bà phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy sản, tạo cho An Dương trở nên vùng đất trù phú và bà đặt tên vùng này là An Biên. Mặt khác, bà chiêu mộ quân binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sĩ của bà được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy chiến.
Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà đưa quân gia nhập vào cuộc khởi nghĩa. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm nữ tướng tiên phuông, lập nhiều chiến công. Sau khi thu phục 65 thành, Tô Định tháo chạy về nước, bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền, lo luyện tập quân sĩ và tăng gia sản xuất.
Năm 43, Mã Viện đưa 2 vạn đại quân sang xâm lược. Vì cô thế và không để rơi vào tay giặc nên bà Lê Chân và Hai Bà Trưng trầm mình tự vẫn ở Hát Giang.
Theo truyền thuyết, ngày 8 tháng 2 âm lịch là ngày sinh, và 25 tháng 12 âm lịch là ngày mất của bà Lê Chân. Các vua đời sau xuống chiếu phong bà là Thượng đẳng phúc thần công chúa
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng in đậm dấu son trong sử sách, trong ký ức dân gian qua nhiều thế hệ. Các nữ tướng trong cuộc khởi nghĩa đều được dân chúng lập đền thờ, đời đời khói hương tưởng kính, riêng Thánh Chân công chúa, Chưởng quản binh quyền Lê Chân được nhiều địa phương thờ phượng tại:
-Đền An Biên (Quảng Ninh) quê hương của Bà.
-Đền Nghè tại An Biên.
-Đình Vẻn quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng là nơi Bà khai hoang, lập ấp.
-Đình Hoàng Mai (Hà Nội), nơi Bà rèn luyện quân sĩ.
-Đặc biệt tại căn cứ Lạt Sơn xưa, từ bao đời nay người dân địa phương, khách thập phương xa gần tụ về chiêm bái, đông nhất vào kỳ lễ hội tại ngôi đền thờ Bà để tưởng niệm vị anh thư dâng trọn cuộc đời vì nghĩa lớn.
Không chỉ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, mà cả nước đều tôn vinh, tưởng niệm nữ tướng Lê Chân, bởi vì Bà đã để lại cho hậu thế muôn đời tấm gương hy sinh vì nước.
* * *
Tương tự như Phật Nguyệt công chúa, bà Lê Chân cũng là một trong hàng chục nữ tướng Lĩnh Nam đã gây rúng động cho triều đình nhà Hán trong cuộc khởi nghĩa vang dội của Hai Bà Trưng vào những năm đầu tiên của Tây lịch. Đặc biệt là trận thủy chiến trên hồ Lãng Bạc, phá tan đạo thủy quân của Mã Viện.
Điều đáng tiếc là, vì thực lực chênh lệch quá lớn giữa quân Hán và quân Lĩnh Nam, cuộc kháng chiến chống quân Hán đã phải tan vỡ với những cuộc tuẫn tiết của rất nhiều nữ tướng, trong đó có Thánh Chân công chúa, để lại nhiều ngậm ngùi trong lịch sử nước Việt, nhưng đồng thời cũng mang lại niềm hãnh diện về truyền thống "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" của dân tộc Lạc Hồng.
Truyền thống hào hùng đó đã trường tồn suốt dòng lịch sử Việt hai ngàn năm sau, và vẫn còn tiếp tục trong cuộc chiến đòi lại chủ quyền đất nước và nhân quyền cho dân tộc hiện nay. Từ mấy năm qua, trên khắp các nẻo đường đất nước, người ta thấp thoáng thấy bóng dáng của những Thánh Chân hay Phật Nguyệt công chúa trong hàng ngũ mỗi lúc mỗi đông của những nữ lưu đang xuống đường tranh đấu, bất chấp các thủ đoạn đàn áp ngày càng tàn bạo của tập đoàn lãnh đạo cộng sản.
Sẽ có một ngày lịch sử VN sẽ vinh danh những phụ nữ can trường đó, như đã từng vinh danh Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng như Lê Chân, Phật Nguyệt v.v... suốt mấy ngàn năm qua và hàng ngàn năm tới nữa!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment