Wednesday, August 21, 2019

Tin Tức: Thứ Tư, ngày 21/08/2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Miên Dương trình bày sau đây:

1)  TRUNG CỘNG KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN TẠI BÃI TƯ CHÍNH.
Trong một tuyên bố mới nhất, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Cộng, ông Cảnh Sảng, khẳng định là nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Cộng và yêu cầu các nước phải ngưng chỉ trích chuyện này.

Lời tuyên bố nói trên được ông Sảng đưa ra trong cuộc họp báo vào hôm thứ Hai 19/8, khi trả lời câu hỏi về việc Việt Nam lên tiếng phản đối nhóm tàu Hải Dương 8 quay lại Bãi Tư Chính. Trong phần trả lời, ông Sảng gián tiếp xác nhận là nhóm tàu này triệt thoái khỏi khu vực vào tuần trước là do “điều kiện hàng hải và nhu cầu thực tế”.
Ngay sau khi Trung Cộng tuyên bố như trên, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông John Bolton, cáo buộc Trung Cộng đã sử dụng chiến thuật “đe dọa” ở Biển Đông để ngăn chặn các nước khai thác tài nguyên. Một lần nữa, ông Bolton tuyên bố là Hoa Kỳ cương quyết ủng hộ các nước đang bị Trung Cộng lấn lướt và đe dọa.
2)  BỘ GIAO THÔNG VIỆT NAM TRẢ LẠI CÁI TÊN “TRẠM THU PHÍ” THAY VÌ “THU GIÁ”.
Sau hơn một năm bị dư luận chỉ trích, bộ Giao thông Việt Nam vào hôm qua thông báo sẽ trả lại cái tên “trạm thu phí” sau khi đổi thành “trạm thu giá”.
Tuy nhiên, để cứu vớt uy tín, bộ này đưa ra cụm từ “trạm thu phí đường bộ”, với lời giải thích là nơi thu phí xử dụng đường bộ.
Như tin đã loan, vào đầu năm 2018, bộ giao thông ra lệnh đổi tên từ “trạm thu phí” sang “trạm thu giá”, làm dấy lên làn sóng chỉ trích trong dư luận. Đến tháng 5 năm nay, bộ này sửa tên mới, gọi là “trạm thu tiền” nhưng vẫn bị dư luận chỉ trích. Cuối cùng thì đến hôm qua, bộ này quyết định trả lại cái tên trạm thu phí kèm theo hai chữ “đường bộ” nêu trên.
3) QUỐC LỘ 91 Ở TỈNH AN GIANG LẠI TIẾP TỤC SẠT LỞ.
Vào sáng sớm hôm qua, thứ Ba 20/8, gần 30 thước đường quốc lộ 91 ở tỉnh An Giang lại đổ ập xuống sông Hậu ở địa phận xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú.
Vào ngày 1/8, một đoạn đường dài hơn 80 mét trên quốc lộ 91 đã bị sông Hậu cuốn, với chiều sâu hơn 10 thước. Ngay sau biến cố này, nhà cầm quyền An Giang đã chi hơn 25 tỷ đồng để mua cát đổ xuống sông, với tổng khối lượng lên đến 26 ngàn thước khối, nhằm bảo vệ phần còn lại của đoạn đường này.
Tuy nhiên vào rạng sáng hôm qua, nước sông đã cuốn trôi các bao cát và gây sạt lở thêm một đoạn dài gần 30 mét, ăn sâu vào bên trong, đe dọa hàng chục căn nhà trên đường.
4)  HIỆN TƯỢNG CÁ CHẾT LẠI XUẤT HIỆN Ở HỒ TRÚC BẠCH – HÀ NỘI.
Trong mấy ngày qua, hiện tượng cá chết lại xuất hiện tại hồ Trúc Bạch, thuộc quận Ba Đình – Hà Nội, khiến mùi hôi thối trùm phủ các con đường xung quanh.
Tính đến chiều thứ Ba 19/8, các công nhân vệ sinh đã thu lượm hàng tấn cá chết, đa số là cá rô phi có trọng lượng từ nửa ký trở lên. Một số tờ báo nhà nước cho biết là hiện tượng cá chết trắng hồ không chỉ xuất hiện ở hồ Trúc Bạch mà còn xẩy ra ở hồ Tây, nhưng số lượng ít hơn.
Cần nói thêm, hai hồ này được Hà Nội chi rất nhiều tiền để cải thiện sự trong lành nhưng hiện tượng cá chết vẫn diễn ra hầu như mỗi năm.
5) TRUNG CỘNG BẮT GIỮ MỘT NHÀ NGOẠI GIAO ANH Ở BIÊN GIỚI HỒNG KÔNG.
Bộ ngoại giao Anh vào hôm qua bày tỏ sự lo ngại về số phận của một nhân viên làm việc tại tòa lãnh sự Anh ở Hồng Kông sau khi người này sang đặc khu Thâm Quyến dự họp và bị bắt trên đường trở về.
Tòa lãnh sự Anh xác nhận tin trên nhưng từ chối cho biết danh tính của nhân viên này. Tuy nhiên một tờ báo Hồng Kông cho biết người này là ông Simon Cheng, đã mất tích sau khi đến Thâm Quyến tham dự một hội luận về kinh doanh vào ngày 8/8. Trong khi đó phía Trung Cộng tuyên bố là không hay biết gì về vụ này.
Kể từ khi làn sóng biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông bắt đầu, Trung Cộng đã gia tăng kiểm soát ở biên giới. Bất cứ ai qua lại biên giới đều bị công an Trung Cộng kiểm tra nghiêm ngặt, kể cả lục soát điện thoại để xem hình ảnh trong máy.
6)  DÂN HỒNG KÔNG CHUẨN BỊ CHO CUỘC TỔNG BIỂU TÌNH VÀO CUỐI TUẦN NÀY.
Sau khi bác bỏ lời kêu gọi đối thoại của bà Carrie Lâm, tổng đốc Hồng Kông, giới thủ lãnh biểu tình đang ráo riết vận động cho cuộc tổng xuống đường vào cuối tuần này.
Vào hôm qua, thứ Ba 20/8, bà Lâm lên tiếng đề nghị đối thoại với đại diện của phe biểu tình để giải quyết cơn khủng hoảng chính trị tại vùng đất được nước Anh trao trả cho Trung Hoa vào năm 1997. Tuy nhiên phe biểu tình tiếp tục yêu cầu phải cải thiện dân chủ và trừng trị những hành vi côn đồ của lực lượng cảnh sát. Phe biểu tình cũng lên tiếng xin lỗi về sự hỗn loạn đã gây ra tại phi trường Hồng Kông.
Theo dự trù, các nhóm tổ chức hy vọng con số người xuống đường vào cuối tuần này sẽ vượt qua con số 1 triệu 700 ngàn người vào hôm Chủ nhật 18/8 nhằm gia tăng sức ép lên nhà cầm quyền Bắc Kinh và Hồng Kông.
7)  HOA KỲ LẠI CẢNH CÁO TRUNG CỘNG VỀ TÌNH HÌNH HỒNG KÔNG.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence vào hôm qua lên tiếng nhắc lại các lời cảnh cáo của Tổng thống Donald Trump về cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông, đồng thời yêu cầu bạo quyền Trung Cộng phải tôn trọng nền tư pháp độc lập của khu tự trị này.
Ông Pence tuyên bố là nếu Trung Cộng muốn bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ thì phải tôn trọng những cam kết mà Trung Cộng đã đồng ý trong bản tuyên bố chung Anh – Hoa vào năm 1984, nội dung tôn trọng hệ thống luật pháp của Hồng Kông sau khi nước Anh giao trả nhượng địa này.
Ông Pence nhấn mạnh thêm là chính phủ Hoa Ký sẽ nỗ lực trợ giúp để giải quyết cơn khủng hoảng nói trên bằng biện pháp hòa bình.
8)  GIỚI THƯƠNG GIA ẤN ĐỘ KÊU GỌI TẨY CHAY HÀNG HÓA TRUNG CỘNG.
Giới thương gia Ấn Độ lên tiếng kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Cộng hoặc đánh thuế 500% nhằm trả đũa việc Trung Cộng trợ giúp cho Pakistan chống lại Ấn Độ.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Trung Cộng lên tiếng ủng hộ Pakistan hủy bỏ quy chế đặc biệt dành cho hai khu vực Jammu và Kashmir ở miền bắc Ấn Độ. Trong lời kêu gọi, Liên minh Thương gia Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng Tàu để Trung Cộng hiểu được hậu quả khi ủng hộ Pakistan chống lại nước Ấn.
Mối quan hệ giữa hai nước thù địch Ấn Độ và Pakistan đã căng thẳng hơn sau khi Ấn Độ huỷ bỏ tình trạng tự trị của Kashmir và đặt khu vực này vào vòng kiểm soát của chính phủ trung ương. Đây là vùng đất mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, dẫn đến các cuộc xung đột đẫm máu nhiều thập niên qua.

No comments:

Post a Comment