Tuesday, August 20, 2019

Lý Ngọc Hà_ Người mở đường thầm lặng

Chuyện Nước Non Mình

Kính thưa quý thính giả, chiến đấu trong thầm lặng, tù tội không ai biết, tiếp tục cuộc đời trong im lặng: một nhân cách lớn lao, một khí phách con cháu Trưng Triệu hiếm có. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Lý Ngọc Hà_ Người mở đường thầm lặng” của Phạm Thanh Nghiên sẽ được tác giả trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Phạm Thanh Nghiên
Tự bẻ gãy răng để khỏi phải lên truyền hình đọc “Bản nhận tội” do công an soạn sẵn. Ra toà nhận bản án 9 năm tù giam. Đi tù lặng lẽ, ra tù cũng lặng lẽ. Không được ai biết đến, không lời ca tụng ngợi khen. Đương nhiên, chẳng có giải thưởng nào giắt lưng. Nhưng khí phách ấy, tấm lòng ấy đã đủ để nhận được sự kính trọng, biết ơn và là bài học về sự can đảm, về đức tính khiêm nhường cho những người đi sau.
* *  *

Người phụ nữ can đảm ấy là Lý Ngọc Hà. “Lý” chỉ là một cái họ nhận vơ thôi. Chị mang họ “Nguyễn”. Nhưng sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, chị cũng như nhiều người dân Miền Nam khác phải thay tên đổi họ, hoặc đốt giấy tờ, “khai man lý lịch” với hy vọng được yên thân, hoặc ít ra cũng giảm đi phần nào mức độ trả thù vì mang gốc gác Việt Nam Cộng Hoà.
Ông bà nội của Lý Ngọc Hà đều bị Việt Minh giết chết khi ba của chị- ông Nguyễn Kim Thạch mới 15 tuổi. Bà nội khi ấy vừa sinh cô út được tròn 1 tháng tuổi. Bà con chòm xóm đồn đại rằng bà nội chị bị chôn sống cùng với nhiều người khác. Không ai tìm thấy xác, vì thế chỉ làm một ngôi mộ tạm rồi lập bia thờ mà thôi. Mười một đứa trẻ bơ vơ được họ hàng đưa về phân công mỗi nhà nuôi một vài đứa. Sau này ông Nguyễn Kim Thạch trưởng thành, làm việc trong ngành cảnh sát, mới đón các em về chăm nom.
Cuộc đời Lý Ngọc Hà đượm buồn từ thời thơ ấu. Ba mẹ bỏ nhau, cô bé Hà được đưa đến gửi cho bà dì (em ruột của bà ngoại) nuôi nấng từ khi mới lên 4 tuổi. Người cha đi làm, gửi tiền về cho bà nuôi con, rồi phụ giúp các em ở nhà. Sau khi bà dì qua đời, chị Hà đón mẹ về ở cùng. Sau biến cố 1975, ông Nguyễn Kim Thạch bị bắt đi tù cải tạo 6 năm trời. Ra tù, ông không muốn làm phiền các em, thuê cái chòi ở ngoài cánh đồng, cuốc đất, chăn vịt kiếm sống. Tháng 6/2008, ông Thạch qua đời khi chỉ còn 2 tháng nữa là Lý Ngọc Hà- người con duy nhất của ông mãn hạn tù.
Chị lấy chồng, sinh được hai đứa con, một trai một gái. Nhưng cũng giống cha mẹ mình, cuộc hôn nhân của chị cũng đổ vỡ. Thấy cảnh con gái bị chồng ngược đãi, đánh đập, mẹ chị khuyên “mày đi đâu thì đi cho thoát cảnh này, hai đứa con để tao nuôi”.
Lý Ngọc Hà vượt biên sang Cam-pu-chia rồi qua Thái Lan.  Chị chứng kiến tận mắt cuộc sống khổ sở, tủi nhục của đồng bào mình trên đất khách, trong thân phận lưu vong, bất hợp pháp. Ước mơ làm một điều gì đó góp phần thay đổi quê hương đã thúc đẩy chị tham gia Tổ chức Việt Nam Tự Do của ông Nguyễn Hữu Chánh, một người Mỹ gốc Việt lãnh đạo. Năm 2000, chị cùng một số anh em trong Tổ chức nhận nhiệm vụ về nước rải truyền đơn, kêu gọi người dân đứng lên đòi quyền tự do. Lý Ngọc Hà bị bắt vào tháng 2/2000, nhằm mồng 3 Tết nguyên đán.
Trong thời gian bị tạm giam, công an đã soạn sẵn bản nhận tội với nội dung xuyên tạc về tổ chức Việt Nam Tự Do để ép buộc  Lý Ngọc Hà đọc trên truyền hình. Cầm tờ giấy do điều tra viên đưa trước để “tập dượt”, Lý Ngọc Hà giận run người, nhưng vẫn cố kiềm chế cảm xúc. “Phải làm thế nào đây?” Câu hỏi đó trở đi trở lại trong đầu óc chị. Nếu khước từ, hậu quả chị nhận chắc sẽ không nhỏ. Không chừng, sẽ bị tra tấn, đánh đập. Ai mà nói trước được. Nhưng nếu đồng ý, có nghĩa là quy hàng, là phản bội lương tâm, là bán đứng anh em đồng đội, sau này không dám ngẩng mặt nhìn ai.
Suốt hai ngày đêm không ăn không ngủ, cuối cùng Lý Ngọc Hà đi đến một quyết định táo bạo: bẻ răng. Chỉ có cách ấy mới không phải lên truyền hình làm điều trái lương tâm, mới giữ được phẩm giá cho mình. Và cũng chỉ cách ấy mới không bị trả thù vì mang tội “chống đối cán bộ”.
Vài hôm sau đi cung, mấy viên công an điều tra đều ngỡ ngàng trước khuôn mặt biến dạng,  hàm răng khuyết đi 6 chiếc của chị. Không ai biết và cũng không ai tin nổi chị dám làm thế. Điều tra viên, cai tù, bạn tù hỏi thì Lý Ngọc Hà trả lời qua loa là răng bị hư, lung lay, tự rụng hoặc đau quá nên nhổ đi. Nhiều ngày sau khi tự bẻ răng, Lý Ngọc Hà lên cơn sốt liên tục, lúc nóng lúc lạnh. Hàm trên sưng vù với lỗ chỗ vết chân răng còn rỉ máu. Các cơn đau đầu liên tục kéo đến, hành hạ chị. Đau đớn khiến chị không ăn nổi, kiệt sức, phải đi trạm xá lấy thuốc. (còn tiếp)
Phạm Thanh Nghiên

No comments:

Post a Comment