Sunday, April 24, 2016

Việt Nam Tuần Qua

Chủ Nhật, 24.04.2016
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh, HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả của đài DLSN cùng chị HA.
Hoàng Ân: Trong tuần qua Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà đấu tranh bền bỉ cho dân chủ và tự do tại VN suốt bao năm qua đã được trao giải thưởng nhân quyền Gwangju của chính phủ Nam Hàn. Cùng chia giải này với Bác sĩ Quế là tổ chức dân sự xã hội có tên Liên minh Bầu cử Trong sạch và Công bằng của Mã Lai. Xin anh nhắc lại sự kiện này để quý thính giả của đài DLSN cùng nghe?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Giải nhân quyền Gwangju của Nam Hàn được hình thành vào năm 2000, nhằm tưởng niệm cuộc nổi dậy đòi tự do và dân chủ tại thành phố Gwangju vào năm 1980. Mặc dù bị đàn áp đẫm máu, nhưng biến cố này được xem là khởi điểm cho tiến trình dân chủ hóa tại Nam Hàn. Vào năm 2004, thủ lãnh đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi cũng được Nam Hàn chọn trao giải này, nhưng đến năm 2013 bà mới sang Gwangju để nhận giải sau nhiều năm bị quản thúc.
Xin nhắc lại là suốt 30 năm qua, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế thường được đề cử làm ứng viên các giải thưởng nhân quyền quốc tế, kể cả giải Nobel Hòa bình. Ra đời ở Hà Nội vào năm 1942, sau đó di cư vào miền nam năm 1954, ông Quế tốt nghiệp y khoa vào năm 1966, làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy và giảng dạy tại đại học Y khoa Sài Gòn.
Sau biến cố 30/4/1975, ông cương quyết ở lại VN và đến năm 1978 thì bị chế độ cộng sản bắt giam và tuyên án 10 năm tù với cáo buộc "âm mưu lật đổ chính quyền". Sau khi ra tù, vào năm 1990 ông thành lập tổ chức Cao Trào Nhân Bản, với chủ trương đòi đa nguyên, đa đảng. Một lần nữa Bác sĩ Quế lại bị bắt và bị tuyên án 20 năm tù trước khi được ân xá vào năm 1998. Vì tiếp tục phê phán chế độ cộng sản, đến năm 2004 ông lại bị kết án 30 tháng tù, nhưng được quốc tế can thiệp nên chỉ thọ án 6 tháng.
Trong thông cáo trao giải, ban giám khảo Gwangju tuyên bố là "cuộc hành trình đi tìm tự do cho dân tộc VN của Bác sĩ Quế và những hình phạt mà ông gánh chịu đã khiến cho dư luận thế giới cảm phục ông". Thông cáo cho biết người được giải sẽ nhận số tiền 50 ngàn Mỹ kim và buổi trao giải sẽ diễn ra vào ngày 18/5 ở Nam Hàn. Tuy nhiên không biết bạo quyền Hà Nội có cho phép Bác sĩ Nguyễn Đan Quế sang Nam Hàn để nhận giải hay không.
Hoàng Ân: Thưa anh TA, anh có ghi nhận như thế nào trước việc VN vẫn đứng hạng chót về quyền tự do báo chí?
Trường An: Theo tôi được biết trong bảng xếp hạng thường niên của tổ chức Phóng viên Không biên giới, Việt Nam vẫn đứng hạng chót về quyền tự do báo chí, với hàng loạt các vụ đàn áp trong năm qua.
Trong báo cáo công bố vào hôm qua, tổ chức này cũng mạnh mẽ lên án Hà Nội đã có chủ trương đàn áp các tiếng nói đối lập, với hai vụ điển hình là việc bắt giam vô cớ Luật sư Nguyễn Văn Đài, và phiên tòa bỏ tù blogger Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh. Ngoài ra hàng loạt các blogger khác cũng bị tuyên án tù với các tội danh ấm ớ, trong số đó có blogger Nguyễn Ngọc Già bị phán án 4 năm tù. Đó là chưa kể hàng loạt các vụ công an, giả danh côn đồ hay xử dụng côn đồ, để hành hung đánh đập những người bất đồng chính kiến.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới nhận định rằng, giới nhà báo độc lập tại Việt Nam đã bị đàn áp một cách có hệ thống dưới chế độ cộng sản, và lực lượng công an được xử dụng như một công cụ. Cùng lúc với báo cáo của tổ chức Phóng viên Không biên giới thì hội thánh Tin Lành tỉnh Bình Định cũng phổ biến một lá thư kêu cứu, nội dung cho biết là hàng trăm công an và côn đồ tấn công vào nhà nguyện, chửi bới, hành hung giáo dân, đập phá đồ đạc và thậm chí là rút dao dọa giết giáo dân vào sáng ngày 13/4 vừa qua. Đến chiều cùng ngày thì một thanh niên Tin Lành bị hai tên côn đồ vây đánh trước trụ sở ngân hàng Agribank.
Hoàng Ân: Vào ngày 25 tới đây, nhà cầm quyền VN sẽ có cuộc đối thoại nhân quyền với chính phủ Mỹ tại thủ đô Washington. Anh Vui lòng nói rõ hơn về vấn đề này?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, cuộc đối thoại nhân quyền có tính cách thường niên giữa hai nước Mỹ - Việt sẽ diễn ra vào ngày 25/4 ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Phái đoàn Hoa Kỳ sẽ do phụ tá ngoại trưởng Mỹ, Tom Malinowski, cầm đầu, trong khi người cầm đầu phái đoàn VN là Vũ Quang Anh, vụ trưởng vụ quốc tế của bộ ngoại giao VN. Trong thông cáo báo chí đưa ra vào hôm qua, bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết đây là cuộc đối thoại thường niên, với nhiều vấn đề bảo vệ quyền con người sẽ được thảo luận, kể cả vấn đề cải tổ pháp luật và các đạo luật liên quan đến quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, quyền thành lập hội đoàn và ngiệp đoàn v.v... Ngoài ra các vụ đàn áp những người bất đồng chính kiến cũng sẽ được nêu lên. Thông cáo nhấn mạnh rằng, nhân quyền là lãnh vực quan trọng trong mối quan hệ Mỹ - Việt, và là chìa khóa then chốt để tăng cường sự hợp tác giữa hai nước.
Tuy nhiên, cũng vào hôm qua, bộ ngoại giao VN đã lên tiếng chỉ trích báo cáo nhân quyền 2015 của bộ ngoại giao Mỹ. Phát ngôn nhân Lê Hải Bình lặp lại luận điệu phản bác quen thuộc là "bộ ngoại giao Mỹ đã không khách quan và không phản ánh đúng đắn thực trạng nhân quyền tại VN", đồng thời cáo buộc là nước Mỹ vẫn dựa trên những thông tin sai lạc khi đưa ra báo cáo nói trên.
Hoàng Ân: Thế còn việc dân biểu Mỹ yêu cầu Tổng thống nêu vấn đề nhân quyền khi sang thăm VN thì sao thưa anh?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
13 dân biểu Mỹ vừa gửi thư yêu cầu Tổng thống Barack Obama phải nêu lên vấn đề vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam trong chuyến công du sắp tới.
Trong thư, các dân biểu này nhấn mạnh đến việc Việt Nam đang cố gắng cải thiện bộ mặt để gia tăng mối quan hệ với Hoa Kỳ về thương mại và được tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí có tầm hủy diệt lớn. Tuy nhiên theo các dân biểu này thì trong thời gian qua, Hà Nội tiếp tục gia tăng đàn áp các tiếng nói đối lập và các tổ chức tôn giáo không thuộc hệ thống quốc doanh.
Chính vì thế, các dân biểu đề nghị Tổng thống Obama kêu gọi Hà Nội phóng thích ngay lập tức hàng trăm tù nhân chính trị và lương tâm đang bị đày đọa trong các nhà tù cộng sản. Điển hình như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Mục sư Nguyễn Công Chính, Luật sư Nguyễn Văn Đài và các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hữu Vinh.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment