Saturday, April 30, 2016

Câu chuyện thời sự ngày 30 tháng Tư: 41 năm nhìn lại và con đường tương lai của Việt Nam.

Thứ Bảy, 30.04.2016
Thời gian là nhu cầu cần thiết để đánh giá những sự kiện lịch sử. Việt Nam đã trải qua cuộc chiến tranh suốt 30 năm dài, lẽ ra sau 41 năm ngày chấm dứt cuộc chiến đầy đau thương phức tạp kia, thời gian đã quá đủ để đưa đất nước tiến lên, nhưng điều gì đã ngăn cản sự mong đợi ấy, mời quí thính giả theo dõi Câu chuyện thời sự ngày 30 tháng Tư, với chủ đề 41 năm nhìn lại và con đường tương lai của Việt Nam sẽ do Hướng Dương trình bày sau đây.
Ngày này vào đúng 41 năm về trước, một nửa lãnh thổ Việt Nam hình chữ S đã thay đổi từ thể chế dân chủ sang độc tài cộng sản, sau 21 năm đứng vững với tên gọi Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia được đa số các nước trên thế giới công nhận và có quan hệ ngoại giao bình thường.
Ngày thay đổi ấy là một ngày đau thương khôn tả của những người sống dưới chế độ tự do dân chủ ở Miền Nam Việt Nam, và lại là ngày vui mừng lớn của "bên thắng cuộc" là đảng cộng sản Việt Nam, và những người không biết rõ sự thật ở Miền Nam và bản chất của CS.
Đến nay, 41 năm sau, những thế hệ lớn tuổi đã có sự so sánh những gì trong quá khứ với thực tại hôm nay, dĩ nhiên những người sống ở Miền Bắc từ năm 1954 đến 1975 thì cho rằng cuộc sống trên toàn cõi VN hôm nay đã tốt hơn trước kia, nhất là ở Miền Bắc. Nhưng ngược lại những người ở Miền Nam thì lại thấy khác, sự khác biệt lớn nhất không phải vì có đủ cơm ăn áo mặc hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn, có nhiều đường sá cầu cống, nhà cao tầng hơn trước, mà là sự bất an cả về thể chất lẫn tinh thần. Về thể chất, con người phải khép mình vào những ràng buộc theo phương cách lao động mới, phải tranh thủ với thời gian, đối phó với môi trường, và những thay đổi vật chất khác; những thay đổi này tác động rất mạnh đến tinh thần, đến cuộc sống nội tâm. Dựa vào những nghiên cứu khoa học cho thấy, khi cá nhân con người bất an, thì nó sẽ kéo theo sự bất an cho cả xã hội, đây là hiện tượng cụ thể không ai phủ nhận được tại Việt Nam hôm nay.
Đối với những thế hệ trẻ, và những người sinh ra sau 1975, ít là trong vài chục năm trước đây, họ không có kinh nghiệm gì của quá khứ, nên không thể có sự so sánh những khác biệt giữa đời sống ở Miền Bắc và Miền Nam, giữa tự do và độc tài, giữa dân chủ và đảng chủ, giữa độc đảng và đa đảng; họ xa lạ với những khái niệm về nhân quyền, dân quyền, về đa nguyên đa đảng, xa lạ với hình thái tổ chức chính quyền và tổ chức xã hội ở những quốc gia khác ngoài Việt Nam. Những thế hệ này họ cần một thời gian đủ dài, và những điều kiện cởi mở để nhìn ra vấn đề. Đến nay thì nhờ vào kỹ thuật truyền thông đại chúng, một phần giới trẻ đã nhận ra cái hay cái dở mà họ đã bị đóng khung trong môi trường CS, nên đang xẩy ra những xung đột nội tâm vô cùng mãnh liệt trong lòng người trẻ VN hôm nay. Nhà cầm quyền độc tài CS biết như thế, nên đã ra sức kìm hãm, ngăn chận không cho giới trẻ tiếp cận với những trào lưu tiến bộ khác ngoài khuôn khổ gò bó do đảng CS vạch ra. Đó cũng chính là nguyên nhân của những bất ổn xã hội hôm nay tại VN.
Từ những nhận xét tóm tắt trên, chúng ta có thể đưa đến một kết luận rằng, từ sự thay đổi thể chế dân chủ ở Miền Nam Việt Nam, tuy có được sự thống nhất lãnh thổ, dưới sự cai trị của đảng CS đã tạo ra muôn vàn điều xấu khác, khiến đời sống đại đa số người dân luôn lo âu vì phải sống trong một xã hội hết sức bất ôn.
Vậy con đường nào khai mở cho tương lai Việt Nam có thể thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay? Ai cũng đặt ca câu hỏi này, nhưng lại không tự mình tìm lấy câu trả lời, mà muốn người khác trả lời thay! Đây chính là sự bế tắc lớn nhất, cần phải bức phá để vượt qua.
41 năm đã quá đủ để nhận ra giữa đúng và sai, giữa tốt và xấu của một thế chế độc tài CS lạc lậu áp đặt trên đất nước này. Vì vậy chỉ khi nào từng người và mỗi người, dù ở địa vị xã hội nào, xác quyết rằng đất nước Việt Nam này là của tôi, tương lai của tôi phải do tôi quyết định chứ không ai khác, thì mới thay đổi được tình trạng hiện nay. Không có quyết tâm, không tranh đấu, không có hy sinh, thì sẽ chẳng bao giớ có tự do dân chủ nhân quyền được.
Kính chào quí thinh giả.
Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi

No comments:

Post a Comment