Friday, April 8, 2016

Đảng CSVN đùa bỡn với hiến pháp

Thứ Sáu, 08.04.2016
Bằng cách đùa bỡn trắng trợn với hiến pháp, Đảng CSVN đã biểu lộ sự khinh thường của họ đối với nhân phẩm và sự thông minh của dân tộc Việt nam. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài Quan Điểm của LLDTCNTQ với tựa đề: "Đảng CSVN đùa bỡn với hiến pháp" qua sự trình bày của Hướng Dương để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Ngày 7 tháng 4 năm 2016, Ông Nguyễn Xuân Phúc đắc cử với số phiếu trên 90% và tuyên thệ trở thành tân thủ tướng, thay thế ông Nguyễn Tấn Dũng. Trước đây ông Nguyễn Phú Trọng đã được đảng CSVN tín nhiệm tái đắc cử vào chức vụ Tổng Bí Thư đảng thêm một nhiệm kỳ. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã đắc cử chủ tịch Quốc Hội và tuyên thệ nhậm chức ngày 31 tháng 3, sau đó Đại tướng công an Trần Đại Quang đắc cử chức vụ Chủ Tịch nước và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 2 tháng 4. Cả bà Ngân lẫn ông Quang đều đắc cử với số phiếu tín nhiệm cao tương tự như ông Phúc.
Như thế là nhân dân Việt Nam vừa được xem một màn bi hài kịch miễn phí mà sân khấu là chính trường quốc gia và các diễn viên là thành phần lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN.
Sự tái đắc cử vào chức vụ Tổng Bí Thư của ông Nguyễn Phú Trọng gây thất vọng cho nhiều người vì bản chất bảo thủ và thân Bắc Kinh của ông. Nhưng đây là một quyết định nội bộ của một đảng độc tài toàn trị, không gây tranh cãi nhiều. Tuy nhiên, trên nguyên tắc, các chức vụ Chủ Tịch Quốc Hội, Chủ Tịch nước và Thủ Tướng chính phủ nằm trên bình diện quốc gia và căn cứ trên hiến pháp. Chính vì thế sự bổ nhiệm 3 chức vụ này, trong bối cảnh không bình thường, gây ra nhiều tranh cãi trong giới bình luận gia chính trị, về tính hợp hiến hay vi hiến của nó.
Bối cảnh không bình thường này căn cứ trên các lập luận và sự kiện như sau:
1. Quốc hội khóa 14 sẽ được bầu ngày 22 tháng 5 sắp tới nên Quốc Hội Khóa 13 không có thẩm quyền bầu các chức vụ nêu trên
2. Các nhân vật tiền nhiệm như Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không có đơn xin từ chức
3. Hiến pháp 2013 quy định rõ là nhiệm kỳ của chủ tịch nước (điều 87) và chính phủ trong đó có thủ tướng (điều 97) theo nhiệm kỳ của quốc hội. Riêng nhiệm kỳ của chủ tịch quốc hội đương nhiêm phải theo nhiệm kỳ của quốc hội bầu ra mình (điều 71.1)
Căn cứ vào những điều trên, hầu hết các bình luận gia đều phê phán rằng, tác động bổ nhiệm quá sớm vừa rồi của đảng CSVN là vi hiến. Dĩ nhiên đây là một lập luận thuyết phục và người CSVN rất khó bác bỏ lập luận này.
Câu hỏi nêu ra là tại sao họ vẫn làm, không chờ đến ngày 1 tháng 7, sau khi tân quốc hội nhậm chức, như tại các quốc gia dân chủ? và họ nương vào đâu để biện minh cho hành động vi hiến đó?
Câu trả lời là vì họ sợ hãi, bao gồm sự sợ hãi mất quyền lợi. Thật vậy, sau 2 thập niên nắm chính phủ trong tay, Nguyễn Tấn Dũng và đàn em đã xâm nhập mọi giai tầng của guồng máy hành chánh và đảng. Quyền lực đi cùng quyền lợi. Trong suốt 2 thập niên đó, uy tín của Nguyễn Tấn Dũng bao trùm đảng và nhà nước, vượt lên trên Tổng Bí Thư đảng Nguyễn Phú Trọng và trên cả bộ chính trị.
Các nhân vật mới không thể cho Dũng và đàn em cơ hội, dù chỉ là vài tháng mong manh, để tẩu tán tài sản và chứng cớ. Họ cũng không thể hoàn toàn loại bỏ xác xuất xảy ra chính biến từ phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng vì "đêm dài lắm mộng". Chiếm giữ quyền lực sớm hơn lúc nào thì được chia chác quyền lợi nhiều hơn lúc ấy, theo tỷ lệ thời gian.
Trước hết, đảng CSVN vin vào điều 70 của Hiến Pháp nói lên tính tối cao của quốc hội trong Quốc Hội Chế và cho phép Quốc Hội quyền hầu như tuyệt đối "bầu, miễn nhiệm , bãi nhiệm" các chức vụ trên.
Thêm vào đó, hiến pháp 2013 của CSVN là một văn kiện không hoàn hảo và người CSVN đã cố tình tạo dựng sự không hoàn hảo này hầu khuynh loát chính quyền khi cần thiết.
Trước hết, tính vi hiến hay hợp hiến của một sắc luật của lập pháp, một tác động của hành pháp, hay của một đệ tam nhân nào, không phải là vấn đề đối với CSVN vì Hiến Pháp không hề quy định một định chế độc lập (independent institution) như một Tối Cao Pháp Viện hoặc một Tòa Án Hiến Pháp để phán quyết khách quan về tính hợp hiến hay vi hiến.
Điều 74 minh thi trao quyền diễn giải hiến pháp, luật và pháp lệnh cho Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và dĩ nhiên thiếu hẳn yếu tố độc lập. Thêm vào đó, tuy điều 119 minh thị quy định "Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định", nhưng đã hơn 2 năm qua, CSVN cứ lờ đi không ra luật thành lập cơ chế này, và cũng không có gì bảo đảm cơ chế đó sẽ mang tính độc lập thực sự.
Chính vì những khuyết điểm điển hình như thế, bàn bạc trong hiến pháp 2013, mà đảng CSVN có thể mặc nhiên đạp hiến pháp dưới chân và trắng trợn chiếm đoạt quyền lợi cho phe nhóm của mình, bất chấp dư luận hoặc ý dân.
Nếu có sự hiện hữu của một Tối Cao Pháp Viện hoặc Tòa Án Hiến Pháp, với thẩm quyền nguyên thủy (original jurisdiction) về luật hiến pháp, như tại các quốc gia dân chủ, thì Luât Bầu Cử Quốc Hội đã bị tuyên bố vi hiến, vì vi phạm nghiêm trọng điều 27 của Hiến Pháp liên hệ đến quyền bầu cử và ứng cử của công dân.
Quốc Hội khóa 13, những khóa tiền nhiệm và Quốc Hội khóa 14 sắp tới đều vi hiến và không có một đại biểu quốc hội "đảng cử dân bầu" nào được quyền ngồi trong Quốc Hội cả.
Hiến pháp 2013 đã cho phép đảng CSVN đùa bỡn và thao túng những định chế khả kính của quốc gia, như những trẻ con vô tri vô trách nhiệm đùa bỡn với di sản thiêng liêng tổ tiên lưu lại, hầu tùy tiện chia chác những đồ chơi con trẻ.
Hành động vội vàng quá đáng nêu trên của đảng đã tạo nhiều đổ vỡ và chia rẽ nội bộ.
Dù các chiến lược gia của đảng có quyết định minh thị công nhận nhiệm kỳ vô cùng giới hạn của các chức vụ trên, phung phí thêm công quỹ, tái bầu cử và tái tuyên thệ các chức vụ chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ sau khi quốc hội 14 nhậm chức, cho phù hợp với các điều 71(1), 87 và 97 nêu trên, cũng không thể che đậy.
Hành động vị kỷ và vô ý thức này di hại lâu dài cho dân tộc và cần phải chấm dứt bằng sự cáo chung của ý thức hệ giáo điều Mác Lê và sự cáo chung vĩnh viễn của đảng CSVN như một định chế chính tri đã vô cùng thoái hóa.
Xin cám ơn quý thính già đã nghe bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment