Wednesday, April 6, 2016

Tin tức ngày thứ Tư, 06.04.2016

Thứ Tư, 06.04.2016

VIỆT NAM TIẾP TỤC CẤM BÁO CHÍ TƯ NHÂN

Vào sáng hôm qua, quốc hội Việt Nam đã thông qua một số sửa đổi trong đạo luật báo chí, nhưng vẫn không cho phép giới tư nhân được ra báo, mặc dù hủy bỏ quy định là nhà nước có nhiệm vụ quản lý các tờ báo. Đạo luật này không đề cập gì đến việc tư nhân được phép ra báo, mà chỉ cho phép các cơ sở giáo dục, chẳng hạn như các đại học, được quyền xuất bản các tạp chí khoa học.
Trong các sửa đổi lần này, có nhiều điểm rất đáng chú ý như việc ép buộc các ký giả phải tiết lộ nguồn tin của mình theo yêu cầu của tòa án hay viện kiểm sát. Đồng thời cấm báo chí xác định tội danh của những người bị bắt giữ trước khi có tuyên phán của tòa án. Ngoài ra luật mới có thêm điều khoản cho phép người dân được quyền góp ý và phê bình các cơ quan của đảng và nhà nước trên báo chí.
Tuy nhiên luật mới này có rất nhiều điều cấm, với mức phạt vạ rất cao nếu vi phạm. Điển hình như cấm bôi nhọ đảng và nhà nước, phủ nhận cái gọi là "thành tựu cách mạng", hay xúc phạm các anh hùng dân tộc. Có nghĩa là mặc dù có quyền góp ý và phê bình, nhưng người dân có thể bị cáo buộc tội "tuyên truyền chống phá nhà nước" theo điều luật 258, hay bỏ tù về tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ để bôi nhọ đảng và nhà nưóc", theo điều luật 88.
Theo công bố thì đạo luật báo chí mới này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Giêng năm 2017.

INDONESIA LẠI HỦY DIỆT 13 TÀU CÁ VIỆT NAM

Vào hôm qua, giới hữu trách Nam Dương đã hủy diệt hàng chục chiếc tàu cá nước ngoài bị bắt giữ về tội xâm nhập hải phận bất hợp pháp, gồm 13 tàu cá Việt Nam và 10 tàu cá Mã Lai.
Toàn bộ các tàu cá này bị đánh chìm tại một vị trí ở ngoài khơi đảo Kalimantan và quần đảo Natuna của Nam Dương, dưới sự chứng kiến của nhiều quan chức cao cấp Nam Dương, trong đó có vị bộ trưởng hàng hải và ngư nghiệp.
Cần nhắc lại là chính phủ Nam Dương rất mạnh tay trong việc bắt giữ các tàu thuyền ngoại quốc xâm phạm hải phận của Nam Dương. Chủ trương này trở nên cứng rắn hơn kể từ khi Tổng thống Joko Widodo lên cầm quyền. Vào tháng 8 năm ngoái, hàng chục tàu cá Việt Nam bị bắt giữ cũng bị Nam Dương hủy diệt và hình ảnh được công bố khắp thế giới.

SIÊU VI ZIKA BẮT ĐẦU XUẤT HIỆN Ở VIỆT NAM

Bộ y tế Việt Nam vào hôm qua công bố hai vụ nhiễm bệnh Zika đầu tiên tại Việt Nam, với một phụ nữ ở Nha Trang và một phụ nữ ở Sài Gòn đã được xác định là nhiễm bệnh này.
Cần nhắc lại, siêu vi Zika xuất phát từ Phi châu, thường là do muỗi đốt, dẫn đến chứng bệnh teo não ở hài nhi sơ sinh nếu người mẹ bị nhiễm bệnh trong thời gian mang thai. Vào cuối tháng qua, một du khách Úc trở về từ Việt Nam cũng bị phát giác nhiễm bệnh này.
Theo thông cáo của bộ y tế Việt Nam, ca nhiễm đầu tiên là một phụ nữ 64 tuổi ở thành phố Nha Trang, với các triệu chứng sốt nhẹ, nhức đầu, đỏ mắt và nổi ban ở hai chân. Ca thứ hai là một phụ nữ 33 tuổi ở quận 2 – Sài Gòn. Thứ trưởng bộ y tế, Nguyễn Thanh Long, dự đoán là sẽ có thêm nhiều vụ nhiễm bệnh tại Việt Nam trong thời gian tới và cho biết đã thông báo cho các bệnh viện chuẩn bị đối phó với bệnh này.

NHẬT BẢN VẪN MUỐN ĐƯA NGHỊ TRÌNH BIỂN ĐÔNG VÀO HỘI NGHỊ G7

Bất chấp sự chống đối của Trung Cộng, chính phủ Nhật vẫn giữ vững lập trường sẽ đưa tình hình căng thẳng ở Biển Đông vào nghị trình thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 42 của khối G7 vào cuối tháng 5 tới đây.
Theo một số nguồn tin khả tín thì Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trong vai trò nước chủ nhà của hội nghị G7 sẽ khai mạc tại Tokyo vào ngày 26/5, sẽ đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn vào nghị trình thảo luận của khối này. Hơn thế nữa, Thủ tướng Abe còn muốn thuyết phục các siêu cường kinh tế đưa hai vấn đề này vào bản Tuyên bố chung sau khi bế mạc vào ngày 27/5.
Cần nhắc lại là vào ngày 29/2, trong một cuộc gặp gỡ giữa hai nước Hoa – Nhật, phụ tá ngoại trưởng Trung Cộng đã lên tiếng đe dọa là nếu Nhật Bản mang vấn đề Biển Đông vào hội nghị G7 thì mối quan hệ giữa hai nước sẽ thêm căng thẳng.

THỦ TƯỚNG ICELAND TRỞ THÀNH NẠN NHÂN ĐẦU TIÊN CỦA "HỒ SƠ PANAMA"

Thủ tướng Iceland, ông Sigmundur Gunnlaugsson, đã tuyên bố từ chức vào hôm qua sau khi hàng chục ngàn người dân Băng Đảo tụ tập trước trụ sở quốc hội vào hôm thứ Hai để kêu gọi ông phải từ chức.
Ông Gunnlaugsson trở thành nạn nhân đầu tiên trong vụ xì-căng đan "Hồ sơ Panama", với các tài liệu cho thấy hai vợ chồng ông đã không báo cáo khối tài sản đầu tư lên đến hàng triệu Mỹ kim. Vào hôm qua, ông Gunnlaugsson đã đề nghị vị tổng thống xứ Băng Đảo giải tán quốc hội và tổ chức tuyển cử quốc hội mới.
Cần nhắc lại là cả thế giới đang xôn xao vì vụ xì-căng-đan "Hồ Sơ Panama", với hơn 11 triệu tài liệu bị phanh phui từ công ty Mossack Fonseca của Panama. Các tài liệu này cho thấy hơn 200 ngàn người, trong đó có 140 vị nguyên thủ quốc gia, đã xử dụng công ty nói trên để giấu diếm tài sản, trốn thuế và thậm chí là rửa tiền từ các vụ làm ăn phi pháp.
Vào hôm qua, Bắc Kinh cũng ra lệnh cấm báo chí loan tải về vụ xì-căng-đan mà trong hồ sơ có cả thân nhân của ông Tập Cận Bình và cựu thủ tướng Lý Bằng.

CỰU TỔNG THỐNG MIẾN ĐIỆN "ĐI TU"

Cựu tổng thống Miến Điện, ông Thein Sein, đã xuống tóc tại một ngôi chùa Phật giáo để khởi đầu cuộc tu tập của mình sau khi về hưu. Ông Thein Sein không đưa ra lời bình luận nào, mà chỉ cho biết là ông cân nhắc đến việc đi tu kể từ tháng Giêng năm nay, khi đến tham dự một hội nghị Phật giáo và trò chuyện với vị hòa thượng đáng kính nhất của Miến Điện là Sitagu.
Trong khi đó thì quốc hội Miến Điện đang thảo luận về việc thành lập một chức vụ mới, với tên gọi là Cố vấn Quốc gia, mục tiêu là trao cho bà Aung San Suu Kyi vị thế lãnh đạo cao nhất của đất nước. Tuy nhiên phe chính phủ đang vấp phải sự chống đối mạnh mẽ từ phe quân đội.

No comments:

Post a Comment