Sunday, June 8, 2014

Nói với người cộng sản

Chủ Nhật, ngày 08.06.2014    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Tuần trước chúng ta dừng ở giả thuyết có thể đảng cộng sản Việt Nam sẽ lại phát động chiến tranh với Trung Cộng.
Thưa quí vị, quí bạn, giả thuyết này nghe qua có vẻ rất không tưởng, rất khó xảy ra. Vì suốt từ năm 1949 cho tới nay, ngoại trừ khoảng 10 năm xung đột từ năm 1979 đến năm 1990, đảng cộng sản Việt Nam liên tục duy trì một chính sách dựa dẫm, nhượng bộ, khuất phục Trung Cộng.
Ngay trong vụ dàn khoan HD 981 đang xảy ra, Trung Cộng đã có hành vi xâm lăng rõ ràng và nghiêm trọng như thế nhưng tất cả các văn kiện, phát biểu của hội nghị trung ương 9 khóa XI của đảng cộng sản Việt Nam đều không có một từ nào để tố cáo, lên án Trung Cộng. Không những thế, viên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có hai lần xin được sang Bắc Kinh để gặp Tập Cận Bình nhưng cả hai lần đều bị từ chối. Trong khi đó, đối với dân, đảng cộng sản Việt Nam vẫn tỏ ra hết sức ngạo ngược, hỗn láo. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn công khai đàn áp những người đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền và quyết liệt ngăn cấm, trấn áp những cuộc biểu tình chống Trung Cộng một cách tự nhiên của dân ta.
Tuy nhiên, thưa quí vị, quí bạn, chúng ta không nên quên một chủ trương có tính nền tảng, "dĩ bất biến ứng vạn biến", của đảng cộng sản Việt Nam, đã được Hồ Chính Minh đúc kết rằng: "Nếu khi gặp lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích chung của Đảng... Muôn việc lấy Đảng làm gốc."
Chính chủ trương "lấy Đảng làm gốc" này mà Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam đã mở cửa để Trung Cộng quay trở lại khống chế Việt Nam từ năm 1949. Cũng chính chủ trương "lấy Đảng làm gốc" nên Nguyễn Văn Linh đã sang Thành Đô năm 1990 để xin nối lại quan hệ với Trung Cộng. Và cũng chính chủ trương "lấy Đảng làm gốc" là lý do khiến đảng cộng sản Việt Nam phải im lặng nhẫn nhục, nhượng bộ trước các yêu sách, xâm lăng từ Trung Cộng trong bao năm qua vì họ sợ làm mất lòng quan thầy Bắc Kinh, vì họ sợ những thỏa thuận bí mật sẽ bị quan thầy Bắc Kinh tiết lộ. Và cũng chính chủ trương "lấy Đảng làm gốc" đã khiến đảng cộng sản Việt Nam luôn cảnh giác, lo sợ biểu tình chống Trung Cộng sẽ chuyển thành biểu tình chống độc tài.
Trong bao năm qua chính sách "hèn với giặc Tàu, ác với dân Việt" đã tỏ ra hữu ích giúp giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam duy trì quyền lực độc tài để được tha hồ vơ vét tài nguyên, ngân khố quốc gia.
Nhưng trong tương lai, không ai chắc chắn chính sách "hèn với giặc Tàu, ác với dân Việt" vẫn còn hữu ích cho quyền lực độc tôn của đảng cộng sản Việt Nam nếu một khi sự xâm lăng của Trung Cộng tiếp tục leo thang, chạm vào lòng tự tôn dân tộc Việt. Trong khi đó, chừng nào chế độ độc tài Trung Cộng còn tồn tại thì chính sách xâm lấn, bành trướng của Trung Cộng vẫn sẽ còn gia tăng đối với Việt Nam. Và khi lòng tự tôn của dân tộc Việt bị tổn thương sẽ là lúc tinh thần chống ngoại xâm quật cường của dân tộc Việt sẽ trỗi dậy với một sức mạnh không thể lường trước. Đây chính là điểm bất dung hòa giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Hoa.
Đây cũng chính là giới hạn mà Đảng cộng sản Việt Nam hẳn đã phải tính đến vì sự sống còn của chính nó. Chúng ta có thể thấy, mặc dù luôn nhượng bộ và thần phục Trung Cộng, đảng cộng sản Việt Nam bề ngoài vẫn luôn khẳng định "quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước". Không những thế, đảng cộng sản Việt Nam còn liên tục xây dựng thêm các mối quan hệ quốc tế khác và tìm kiếm, trang bị thêm nhiều vũ khí trong thời gian gần đây. Chính sách ngoại giao và tăng cường sức mạnh quân sự này, một mặt vừa có tính chất xoa dịu, đánh lạc hướng dư luận, một mặt vừa có thêm cơ hội tham nhũng, nhưng mặt khác nó cũng nhằm mục đích phòng bị cho trường hợp Trung Cộng đả thương lòng tự tôn dân tộc Việt.
Khi đó đảng cộng sản Việt Nam sẽ buộc phải kêu gọi, thúc giục nhân dân Việt Nam lên đường chiến đấu "chống quân Trung Quốc xâm lược và bảo vệ Tổ quốc". Khi đó "Đảng" không chỉ đáp ứng đúng nguyện vọng chống ngoại xâm của dân tộc, "Đảng" còn có cơ hội làm mờ đi được vết tích "hèn với giặc Tàu, ác với dân Việt", lại vừa làm quên được tội ác đã từng "bán nước cho Tàu để cứu Đảng". Không những thế, môi trường chiến tranh, xã hội thời chiến còn là điều kiện thuận lợi để "Đảng" dễ dàng ra tay thanh toán, loại bỏ các nhân vật tiến bộ, những nhân tố dân chủ, tự do – những yếu tố không có lợi cho quyền lực độc tôn của "Đảng". Và dù cuộc chiến kéo dài bao lâu, ở tầm mức nào, thì sự hy sinh lớn nhất vẫn thuộc về Nhân Dân và công lao "chống ngoại xâm" lại vẫn thuộc về "Đảng lãnh đạo". Nhưng, sau chiến tranh, nếu thấy có lợi cho "Đảng", "Đảng" sẽ lại chủ động cầu hòa, thần phục lại Trung Cộng như đã từng xảy ra sau cuộc chiến năm 1979. Như vậy, tất cả vẫn sẽ lại phù hợp với chủ trương "lấy Đảng làm gốc" như Hồ Chí Minh đã nói.
Vậy, nếu một ngày nào đó đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi chiến tranh với Trung Cộng, chúng ta sẽ phải hành động ra sao?
Chúng tôi hy vọng quí vị và quí bạn sẽ cùng suy nghĩ để chúng ta sẽ bàn luận trong chuyên mục tới.
Hải Nguyên và Tiến Văn xin kính chào tạm biệt.
Tiến Văn
08/6/2014

No comments:

Post a Comment