Wednesday, June 18, 2014

Giấc mơ của Hạnh, Phần 2

Thứ Tư, ngày 18.06.2014
Hoài bão chiến đấu cho lý tưởng nhất là lý tưởng bảo vệ người công nhân đang bị chủ ngoại và kẻ cầm quyền toa rập bóc lột, đã dần dần thành hình dù những người khởi xướng đang phải chịu giam cầm đày đọa trong ngục tối. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN phần bài viết có tựa đề: " Giấc mơ của Hạnh " của tác giả mang tên Trọng sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Biến ước mơ thành hiện thực
Đối với một cô gái 23 tuổi, tham gia vào lãnh vực hoàn toàn mới lạ như bảo vệ quyền lợi người lao động là một công việc đầy gian truân và nguy hiểm.
Trước Hạnh, hai nhà hoạt động khác là anh Đoàn Huy Chương và Trần Quốc Hiền đã bị chế độ CS kết án nhiều năm tù giam chỉ sau một thời gian ngắn cho ra đời Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam. Sự trả thù mạnh tay đối với những nhà hoạt động bảo vệ quyền công nhân luôn là một rào cản rất lớn.
Bắt đầu với những bước đi chập chững, Đỗ Thị Minh Hạnh bằng sự quyết tâm và lòng chân thành đã giúp nhiều người vượt qua sự sợ hãi ban đầu. Điện thoại của cô bắt đầu nhận nhiều các cuộc gọi từ công nhân gọi đến.
Việc ngày càng nhiều, đôi chân Hạnh không khi nào ngơi nghỉ, có khi sáng ở khu công nghiệp Đồng Nai, chiều đã có mặt trong các dãy nhà trọ tồi tàn ở Long An. Có lần, Hạnh đã gần như ngất xỉu vì thiếu ngủ.
Những cố gắng âm thầm của Hạnh đã tạo nên nhiều thành quả bước đầu, một số công nhân hiểu rõ hơn về quyền lợi chính đáng của mình và đã mạnh mẽ lên tiếng. Việc làm của Hạnh cũng giúp cô có được nhiều người ủng hộ hơn, trong đó có anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng - một thanh niên can đảm và đầy lý tưởng.
Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng ảnh hưởng nhiều từ ông Trần Ngọc Thành - chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Người Lao Động và cũng là một nhà hoạt động công đoàn kỳ cựu tại Ba Lan. Ông Trần Ngọc Thành từng là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, sau khi chứng kiến cuộc cách mạng Đông Âu với vai trò của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, ông Thành tuyên bố vứt thẻ đảng và tham gia đấu tranh.
Ông Trần Ngọc Thành là người đã hy sinh cả cuộc đời và gia sản để đấu tranh giành quyền lợi cho người lao động Việt Nam. Giống như hầu hết các thành viên của Ủy ban Bảo vệ Người Lao Động, ông Trần Ngọc Thành và hai người bạn trẻ Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cùng có chung một ước mơ sẽ thành lập một công đoàn độc lập đại diện cho giới công nhân lao động tại Việt Nam.
Những ước mơ lớn gặp nhau, ngày 29/10/2008, Phong Trào Lao Động Việt ra đời với sự hình thành các nhóm công nhân âm thầm hoạt động trên nhiều khu công nghiệp.
Nhu cầu phát triển phong trào công nhân khiến Hùng và Hạnh ngày càng hăng hái dấn thân, mặc dù điều kiện hết sức khó khăn và thường xuyên đối mặt với các mối nguy hiểm.
Từ một cô gái xinh đẹp, chỉ sau vài tháng Hạnh trở nên đen đúa vì nắng gió, khuôn mặt xanh xao vì làm việc quá sức và ăn uống thiếu chất. Tài sản duy nhất của Hạnh là chiếc xe máy Tàu cũng đã bị bán đi để có chi phí đi lại và làm việc.
Hạnh luôn tin tưởng rằng, không ai đơn độc trên con đường chính nghĩa. Thực vậy, sau quãng đường không ngừng nghỉ, hai bạn đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành của những người bạn đồng hành mới, trong đó có anh Đoàn Huy Chương.
Đoàn Huy Chương là người sáng lập Hiệp hội Đoàn kết Công nông Việt Nam, bị chế độ CS bắt giam và kết án 18 tháng tù. Giữa năm 2008, Chương ra khỏi tù mang theo nhiều chứng bệnh nặng, bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền của người trụ cột gia đình.
Đoàn Huy Chương mang hình ảnh của một người chiến sỹ phục quốc, ngọn lửa tranh đấu nhiệt huyết trong anh không bao giờ tắt. Bất chấp việc bị công an quản chế và theo dõi gắt gao, Chương vẫn bí mật liên lạc và tham gia làm việc cùng hai bạn Hùng, Hạnh.
Một điều có lẽ ít ai biết là vào năm 2009, sau khi vượt thoát sự theo dõi dày đặc của lực lượng công an, Đoàn Huy Chương một mình băng rừng vượt suối theo đường bộ và bí mật đến Thái Lan. Tại đây, Chương được một nhà hoạt động Miến Điện huấn luyện và hướng dẫn các kỹ năng tổ chức, hỗ trợ công nhân đình công, đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng.
Trở về Việt Nam mang theo những kiến thức học được, nhóm Hạnh - Hùng - Chương tiếp tục hăng say làm việc và đã đạt được những thành quả ngoài sức tưởng tượng. Sự tham gia hưởng ứng của giới công nhân nhiều tỉnh thành cùng sự hỗ trợ của Ủy ban Bảo vệ Người Lao Động đã giúp Phong Trào Lao Động Việt có những bước đi vững chắc.
Nỗ lực không mệt mỏi của nhóm Hạnh - Hùng - Chương giúp giới công nhân mạnh mẽ đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Nhiều cuộc đình công nổ ra từ từ Sài Gòn cho đến Trà Vinh, trong đó cuộc đình công tại nhà máy Mỹ Phong là một trong nhiều thành quả mà Phong Trào Lao Động Việt đạt được.
Để có được hình ảnh sau cùng là cuộc đấu tranh của hơn 10 ngàn công nhân Trà Vinh, ngoài những nỗ lực vượt trội, ba người bạn trẻ Hạnh - Hùng - Chương đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, máu xương và những tháng năm tù đày nghiệt ngã.
Trọng

No comments:

Post a Comment