Friday, May 2, 2014

30 tháng Tư - Vết thương còn đang rỉ máu

Thứ Tư, ngày 30.04.2014    
Hàng năm cứ đến gần ngày 30 tháng Tư, thì trong nước cũng như hải ngoại lại nêu ra rất nhiều câu hỏi về nguyên do bên này chiến thắng, bên kia thất bại. Vấn đề chúng tôi muốn nêu ra hôm nay là ai phải chịu trách nhiệm hàn gắn vết thương sau cuộc chiến? Mời quí thính giả nghe quan điểm của LLCQ về vấn đề này qua giọng đọc của Hải Nguyên.
Kính thưa quí thính giả,
Biến cố 30 tháng Tư 1975 vẫn còn hằn sâu trong tâm trí nhiều người Việt. Người thắng vẫn còn vui, người thua vẫn còn buồn. Buồn vui là tâm trạng bình thường của tâm lý con người, nhưng buồn vui của chúng ta hôm nay không đơn giản là tâm lý của từng cá nhân riêng lẻ, mà nó là một màn đen u ám đè năng lên cả một dân tộc, một cộng đồng tạo ra trạng thái rã rời, bải hoải, như một con bệnh đã đến hồi kiệt quệ không còn thuốc chữa!
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là tại sao đã 39 năm qua, mà vết thường vẫn đang rỉ máu. Và làm cách nào để chữa lành vết thương này? Sự kiện thì ai cũng thấy, vết thương chẳng những vẫn đang rỉ máu, mà xem ra còn hằn sâu căng rộng hơn ra nữa.
Đây không phải là một nhận định hàm hồ hay phóng đại, mà dựa trên những sự kiện hiển nhiên vẫn đang diễn ra từ ngày bên đắc thắng biểu tỏ niềm vui trước mặt người thua cuộc. Dĩ nhiên thắng thì vui, cho dù bản chất của cuộc chiến là phi lý, là bất chính vì nó được Cộng Sản Quốc Tế chỉ đạo ủy nhiệm và chi viện, chính Lê Duẩn đã nói rõ "chúng ta đánh là đánh cho Nga, cho Tàu".
Để dành được chiến thắng, họ phải chịu những tổn thất nhân mạng to lớn, cộng với những hy sinh cá nhân và gia đình của đồng bào Miền Bắc. Vì vậy họ muốn được bù đắp cân xứng với những thiệt hại đã chịu. Thế là bên thua cuộc phải đắp đổi như dòng sông chảy xiết làm "bên lở bên bồi" một cách vô tội vạ.
Bên bại phải chịu cảnh con mất cha, vợ mất chồng, gia đình ly tán, nhà cửa ruộng vườn, tài sản chắt chiu gầy dựng bao nhiêu năm, nay biến thành mây khói. Hàng triệu quân dân cán chánh thay vì trở thành lực lượng lao động phát triển xây dựng làm giàu cho gia đình và xã hội, thì đã bị đẩy vào các trại tù khổ sai, một hình thức diệt chủng rất thâm độc. Hàng triệu người lìa bỏ quê hương ra đi chấp nhận nguy hiểm cả tính mạng, và hàng trăm ngàn người đã vùi thân trong lòng đại dương. Trên đây là vài nét đơn giản không thể diễn tả hết những đau thương chất ngất của người thua cuộc.
Những mất mát tính mạng và tài sản của bên thua cuộc đã quá lớn, nhưng những mất mát các quyền tự do căn bản như tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và những quyền tự do khác còn to lớn gấp bội. Nhất là phẩm giá con người bị vùi dập, bị khinh miệt, đã tạo thêm nỗi nhức nhối mới, chẳng những cho bên thua cuộc và cho cả bên thắng cuộc nữa, nhất là những thế hệ sinh ra sau 1975, họ không cảm nhận được những điều cha anh họ đã trải nghiệm, nhưng rõ ràng họ đang biểu tỏ thái độ từ hoài nghi đến tiêu cực và bất mãn giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.
Ai chẳng mong hòa bình, nhất là một nền hòa bình khi đất nước đã thống nhất. Nhưng đất nước đã thống nhất mà lòng người lại ly tán, lại chia rẽ trầm trọng hơn bào giờ hết, thì làm sao có sức mạnh để xây dựng bên trong, và chống ngoại xâm từ bên ngoài?
Cứ tạm bỏ qua những sai lầm trong lúc say men chiến thắng bằng các hình thức mang tính trả thù đối phương như bỏ tù, cướp bóc tài sản, thanh lọc dân chúng, triệt tiêu tư sản vân vân và vân vân. Nhưng sau vài chục năm những người lãnh đạo CSVN cũng phải nhận ra những sai lầm, và những hệ lụy của sự sai lầm ấy hòng đưa ra những động thái tích cực hàn gắn vết thương của cả dân tộc chứ.
Thay vì mở ra một vận hội mới, thể hiện tinh thần khoan nhượng tạo điều kiện cho những người bị gạt ra bên lề dân tộc có cơ hội đóng góp tài năng sáng kiến vào việc xây dựng chung, thì họ lại chỉ củng cố sự độc tôn độc đảng, xây dựng một guồng máy cai trị sắt máu dựa trên dối trá và bạo lực, thu tóm tài nguyên quốc gia để chia chác cho nhóm lợi ích, bỏ mặc đại đa số dân chúng đói khổ, kể cả những thương binh liệt sĩ đã hy sinh một phần thân thể cho cuộc chiến, còn cựu bộ đội đã cống hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cao cả mà nay đã vỡ mộng khi nhận ra mình đã bị lừa, bị lợi dụng!
Người Việt Nam luôn tin rằng dân tộc ta đầy lòng vị tha, mau quên hận thù sẽ sớm hàn gắn vết thương để cùng nhau nhìn về tương lai, cùng bắt tay xây dựng một xã hội mới cho dân tộc. Nhưng tiếc thay quả banh nằm bên phía thắng cuộc, chẳng những nó không được trao ra, mà còn tạo thêm chia rẽ hận thù mỗi lúc mỗi sâu đâm hơn.
Có quá nhiều sự kiện chứng minh hùng hồn cho tình trạng gây thêm chia rẽ giữa nhà cầm quyền CS và người dân Việt hôm nay. Điển hình là màn trình diễn sửa đổi hiến pháp năm 2013 vừa qua, một cơ hội bằng vàng để tạo sự hòa giải và đoàn kết dân tộc. Nhưng đảng CSVN đã hiện nguyên hình là một tập đoàn mafia lừa đảo, qua âm mưu kêu gọi góp ý cho Bản Hiến Pháp mà kết cục là hành vi tráo trở gian manh. Như thế làm sao hàng ngũ lãnh đạo các tôn giáo, giới trí thức, dân chúng tiến bộ và ngay cả những đảng viên CS còn chút liêm xỉ cũng không thể chấp nhận được. Chưa nói tới hàng triệu vụ dân oan khiếu kiện, nạn tham nhũng đang cấu kết để lũng đoạn đất nước. Chưa nói tới nguy cơ CSVN bán đất dân biển cho Trung Cộng.
Chính những điềù trên đây đang làm cho vết thương tiếp tục rỉ máu và rộng thêm ra. Trách nhiệm này chính bởi đảng CSVN. Do đó những trỏ hề bịp bợm ve vãn một số người tỵ nạn ở nước ngoài của Nguyễn Thanh Sơn, chẳng những không hàn gắn gì mà còn làm tổn thương thêm cho những người đã mất mát quá nhiều, và chẳng còn gì để mất them nữa.
Cám ơn quí thính giả đã nghe quan điểm của chúng tôi.
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment