Saturday, May 17, 2014

Đại thần Tô Hiến Thành

Thứ Bảy 17.05.2014   
Một người đóng góp nhiều công trạng cho đất nước, đặc biệt lúc vương triều Lý đang chuyển dần từ thời thịnh trị sang suy yếu, người được xem là danh nhân kiệt xuất về chính trị, quân sự và văn hóa của đất nước. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Đại thần Tô Hiến Thành" của Việt Thái qua sự trình bày  của Tam Thanh.
Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1102), tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, vùng đất Thăng Long. Ông là con của quan Phủ doãn Trường An là Tô Trung và bà Nguyễn Thị Đoan. Tô Hiến Thành làm quan dưới 2 triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông, được phong tước vương mặc dù không phải là tôn thất nhà Lý. Ông là người trực tiếp chứng kiến thế sự thăng trầm vì bạo loạn của vương triều nhà Lý.
Từ thuở nhỏ, Tô Hiến Thành theo học cả văn lẫn võ. Năm Mậu Ngọ 1138, ông đậu cao nên được nhà vua mời vào cung trọng dụng. Tô Hiến Thành trở nên nổi tiếng trong công cuộc dẹp loạn Thân Lợi.
Năm 1140, Thân Lợi tự xưng là con trai Lý Nhân Tông và nổi loạn chống vua Lý Anh Tông ở khu vực Thái Nguyên. Quân của Thân Lợi đã bị quân nhà Lý do Đỗ Anh Vũ đánh tan, Thân Lợi bị Tô Hiến Thành bắt và chém đầu theo lệnh của vua Lý Anh Tông. Tô Hiến Thành là người đã khuyên vua tha cho những người tham gia nổi loạn để tỏ lòng nhân ái đối với dân chúng.
Sau đó, Thái úy Tô Hiến Thành đã cùng vua Lý Anh Tông đi dẹp loạn các nơi, mở mang bờ cõi về phía Tây Bắc. Ông cũng dẫn quân chống Chân Lạp xâm lược, chinh phạt Chiêm Thành, làm cho vị thế của nước Đại Việt dưới thời Lý Anh Tông trở nên lớn mạnh đối với các nước lân bang và khiến nhà Tống phải e dè. Ông buộc nhà Tống phải công nhận nước Đại Việt vào năm 1164. Lịch sử ghi chép các công trạng của Tô Hiến Thành như sau:
-Năm 1141, lên châu Lạng dẹp loạn Thân Lợi.
-Năm 1159, về phía Đông dẹp quân Ngưu Thống, Ải Lao.
-Năm 1160, được giao chấn chỉnh quân đội.
-Năm 1161, cùng tướng Đỗ An Di mang hai vạn quân trấn giữ biên giới Tây Nam.
-Năm 1167, đem quân đi đánh Chiêm Thành.
Ngoài võ nghiệp, sự nghiệp quan văn của ông cũng hiển hách không kém, nhưng phần lớn công lao lại ở giai đoạn cuối đời, khi ông trở thành đại thần phụ chính cho nhà Lý.
Trước đó, công lao lớn nhất của ông là tổ chức khai hoang, lấn biển ở các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh.
Về văn học, từ năm 1156 ông đã xin vua Lý bãi bỏ khoa thi Minh Kinh bác học, thay bằng khoa thi văn hóa để tìm hiền tài.
Trước khi vua Lý Anh Tông băng hà năm 1175, nhận thấy Thái tử Lý Long Xưởng thiếu đạo đức, nhà vua truyền di chiếu lập hoàng tử Lý Long Trát mới có 1 tuổi lên ngôi (tức vua Lý Cao Tông) và giao cho ông chức Thái sư để giúp tân hoàng trị nước.
Chính vì thế, công lao của Tô Hiến Thành không chỉ ở lãnh vực đánh dẹp phản loạn, đem lại bình yên cho đất nước, mà còn ở lãnh vực chính sự, biết tôn trọng và đề cử hiền tài. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận: "Hiến Thành lãnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công minh, người trong nước đều quy phục".
Tô Hiến Thành mất ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179), triều vua Lý Cao Tông.
Để tưởng nhớ công đức của ông, dân chúng lập đền thờ ở nhiều nơi, có hơn 200 ngôi đình và đền thờ Tô Hiến Thành. Vùng đất huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, các làng Cổ Am đều có đền thờ ông. Ở làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng và Hà Tây có ngôi đền Văn Hiến Đường thờ ông. Ngoài ra, Tô Hiến Thành được thờ ở các di tích đình Trùng Hạ, đình Vân Thị, đình Trùng Thượng thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình, đền Đông thuộc xã Thạch Đồng và tại thành phố Hà Tĩnh. Hơn thế nữa tên Tô Hiến Thành đã được đặt tên cho những con đường khắp các tỉnh thành.
* * *
Triều đại nhà Lý là triều đại lâu dài nhất trong lịch sử giữ nước và mở nước của dân tộc. Đây là triều đại đã đặt được nền móng vững chắc về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa cho đất nước trong suốt 225 năm với quốc hiệu Đại Việt. Suốt dòng thời gian 225 năm lịch sử đó, nước Đại Việt đã khiến nhà Tống bên Tàu không dám manh tâm xâm chiếm, thậm chí còn phải học hỏi về hệ thống tổ chức binh bị của nhà Lý.
Sự cường thịnh của triều Lý là nhờ có được những minh quân, văn thần, võ tướng xuất sắc, điển hình như Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ), các danh tướng như Lý Thường Kiệt và Tô Hiến Thành đã "phá Tống, bình Chiêm, diệt phản loạn" để mang lại an bình cho đất nước.
Điều đáng tiếc là ngày hôm nay, vì sự kiêu căng và ngu muội của tập đoàn lãnh đạo cộng sản, rất ít học sinh Việt Nam biết đến công lao to lớn của Tô Hiến Thành, một vị quan chẳng những có tài cầm binh mà còn có tài trị quốc rất xuất sắc, nên được người dân tự lập đền miếu khắp nơi để thờ phượng sau khi Ngài qua đời.
Đáng tiếc hơn nữa là trong tình hình tổ quốc lâm nguy hiện nay vì giặc phương Bắc xua quân xâm lược, đảng và nhà nước cộng sản VN không có được một nhân vật nào có đủ tầm vóc như Tô Hiến Thành để trấn áp và đánh đuổi giặc ngoại xâm. Thậm chí, người cầm đầu đảng CSVN là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, muốn lén lút sang Tàu triều kiến, nhưng bị Tập Cận Bình khinh bỉ, từ chối không cho gặp mặt! Nỗi ô nhục này của Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN sẽ bị dân tộc Việt nguyền rủa đến ngàn đời sau!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment