Sunday, May 18, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 18.05.2014   
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Tuần trước chúng ta dừng ở việc Phùng Cung đánh giá Nguyễn Đình Thi là loại "Sở Khanh cách mạng". Chúng ta nên lưu ý, vào thời điểm đó, Nguyễn Đình Thi là một nghệ sỹ con cưng của Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam.
Ngẫm kỹ hơn, chúng ta mới thấy chữ dùng này của Phùng Cung hết sức tinh tế. "Sở Khanh cách mạng": có thể hiểu Nguyễn Đình Thi là một con người lẳng lơ, lừa lọc được sinh ra từ cách mạng hoặc cũng có thể hiểu Nguyễn Đình Thi là hệ quả của một cuộc cách mạng lừa mỵ, lật lọng. Hoặc là cả hai đều được.
Tập Dạ Ký còn đưa ra cái nhìn tổng quát về "con đường cách mạng" của Hồ Chí Minh và nhận định về cái gọi là "cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm". Trong tập Dạ Ký, Phùng Cung viết:
"Tôi đang thong thả bước trên một đường phố - trước kia rải nhựa nay đầy những vết xe tăng để lại nham nhở. Tôi mất phương hướng, mất cả lập trường, lại không phải nhà quân sự nên không nhìn nhận rõ đây là dấu tích tàn phá của chiến tranh vệ quốc hay xâm lược. Tôi tiếc con đường nên nghĩ dông dài thô thiển: Tất cả chỉ là sự bày đặt, buôn bán máu xương của ma vương quỷ dữ!"
Thật tỉnh táo và táo bạo, ngay lúc giới lãnh đạo cộng sản tại miền Bắc đang trên đỉnh kiêu ngạo của chiến thắng Điện Biên Phủ, Phùng Cung đã đặt ra một nghi vấn: liệu đó có phải "kháng chiến vệ quốc" hay chỉ là trò "bày đặt, buôn bán" của kẻ cầm quyền xảo quyệt.
Thưa quí vị, quí bạn, cũng rất tiếc và cũng thật may cho Phùng Cung, ông đã không sống cho tới ngày hôm nay để đọc Công hàm của chính quyền Hồ Chí Minh gửi Trung Cộng vào đúng năm 1958 hay để xem Đảng Cộng sản Việt Nam bắt bớ, trấn áp, đạp vào mặt những người Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc như thế nào.
Sống trong một chế độ hà khắc, hết sức xảo quyệt về đường tuyên truyền, Phùng Cung vẫn nhận ra thủ đoạn kích động tính yêng hùng mù quáng của dân đen cho những âm mưu chính trị của đảng cộng sản. Phùng Cung viết:
"Cũng như người ta nói: "Ra ngõ gặp anh hùng", là rất có cơ sở, rất có lý. Ngay nơi gia đình tôi đang ở, cũng hàng chục Hùng - Hùng Sơn, Hùng Việt, Hùng Anh, anh Hùng, thậm chí có cả Hùng Nhèm, Hùng Giẻ Rách v.v... Cũng là thời thịnh anh Hùng nên người ta ngưỡng mộ cái danh hiệu cao sang ấy mà đặt tên không ngoài sự khuyến khích "hướng hùng".
Đó là tập Dạ Ký.
Còn truyện ngắn "Con ngựa già của chúa Trịnh", được in công khai vào tháng 11 năm 1956, như giương lên cho công luận thấy số phận vừa bi vừa hài của những bồi bút, những văn nghệ sỹ có tài nhưng chấp nhận sống đời nô bộc cho kẻ cầm quyền.
Đây là con ngựa tài khi được sống đời tự do dưới ngòi bút của Phùng Cung:
"Chỉ trong chớp mắt, con Kim-Bông đã vượt lên hàng đầu, vừa hí, vượt lên, chân trước khoăm lại như móc sắt, đuôi bay như giải phướn, tưởng như chân nó không hề chạm đất. Ở phía xa người ta nhìn nó chỉ còn thấy một bóng trắng lấp lánh, oằn lên, oằn xuống như một con rồng trắng uốn khúc. Nó bay tới phía nào là tiếng reo hò phía ấy vang lên không ngớt...Khi dứt hồi trống, con Kim-Bông dừng lại, tai nó ù đi vì tiếng reo hò ca ngợi của xung quanh, nó càng nức lòng, chân nó dậm xuống đất cồm cộp như muốn bay thêm hàng nghìn vòng nữa mới phỉ sức.
Sau cuộc đua này, nó được cả đua trường tặng danh là "Bạch long Thiên-lý-mã" và chọn làm mẫu mực để luyện tập cho cả đoàn ngựa chiến của triều đình... Và từ đó nó cùng bầy ngựa chiến xông pha chiến trận, trải nhiều trận vào sanh ra tử. Nó nhớ nhất là trận quần chiến bên bờ sông Gianh. Thế địch mạnh, quân địch đã thắt vòng quanh nó, nhiều đồng loại nó đã phơi thây. Nó gắng hết sức mạnh, vùng lên như hổ đói, phá vỡ vòng vây, hạ thủ tướng địch, giành toàn thắng."
Còn đây là cuộc đời của văn tài hay ngựa tài khi sống đời nô bộc:
"Một mã phu nữa mang cương đóng vào gáy nó. Bộ cương quý giá và đẹp đẽ làm sao? Đời nó chưa từng thấy. Hàm thiếc bằng bạc: hai đầu nạm vàng sáng lóe. Nó sung sướng gục đầu xuống nạp hàm thiếc một cách ngoan ngoãn. Khi mã phu buông tay: lạ lùng lắm, nó thấy hai vật gì to bằng hai cái lá đa che ngang hai bên mắt khiến nó chỉ có thể nhìn thẳng phía trước mà thôi.
Rồi một mã phu đẩy nó lùi lại, đứng giữa hai càng gỗ sơn son thếp vàng. ủa lạ quá chừng, những cái gì mà đẹp thế này? Ta sẽ làm gì đây? Nó rùng mình, thấy hãnh diện như được sống một kiếp sống khác, sung sướng hơn trước.
Bỗng dưng hai càng gỗ dúi mạnh một cái, cổ nó bệt xuống, miệng nó gần chạm đất, nó vừa ngốc được lên thì giây cương đã ghìm thẳng. Nó cất bước thấy nặng; cái nặng quái gở, như bóp nghẹt lấy cổ, có lúc bềnh bồng nhẹ đi một chút, nhưng rồi gáy nó càng như lún xuống. Nó phải cố lấy gân bốn vó mới giữ được cái thế đứng đường bệ. Rồi bỗng có một ngọn roi da quất nhẹ vào mông, nó cắm cổ đi. Khi nghe tiếng bánh xe nghiền trên mặt đá, nó mới biết là nó đang kéo xe cho chúa."
Chưa đầy 3 năm sau, tháng 05/1961, tác giả của khắc họa trên bị công an đưa vào tù trong 12 năm. Khi ra tù, Phùng Cung làm nghề dập đinh và phụ bán bánh rán cho vợ để kiếm sống. Nhưng khát khao bày tỏ và tinh thần kiên cường của Phùng Cung vẫn nguyên vẹn, đúng như câu thơ ông viết trước khi qua đời:
"Quất mãi nước sôi,
Trà đau nát bã.
Không đổi giọng Tân-Cương."
Tân-Cương là tên một loại trà nổi tiếng ở Bắc hoặc có thể hiểu, Tân là Mới, là Sống lại. Còn Cương là Cương cường – không bao giờ khuất phục bạo quyền.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
18/05.2014

No comments:

Post a Comment