Thứ Sáu 15.07.2016
Kính
thưa quý thính giả, phán quyết của tòa án trọng tài thường trực La Haye
ngày 12/7/2016 đã mở ra cho VN một cơ hội lấy lại chủ quyền biển đảo,
nhưng nhà cầm quyền CSVN có dám hành động hay không? Mời quý thính giả
theo dõi Quan Điểm của LLCQ với tựa đề "Việt Nam Đừng Để Lỡ Cơ Hội!" sẽ
được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm
nay.
Thưa quí thính giả,
Sự kiện Trung Cộng bành trướng thế lực quân sự để nhằm chia phần đại
dương với Hoa Kỳ, đó là một diễn biến bình thường trên trường quốc tế,
nhưng cung cách cạnh tranh gian trá và côn đồ bất tuân luật lệ thì lại
không phù hợp với thế giới văn minh. Ở Biển Hoa Đông TC tranh chấp quần
đảo Senkaku với Nhật Bản, Nhật Bản có đủ sức mạnh quân sự để tự bảo vệ,
nên chưa, hoăc không cần kiện TC ra tòa án quốc tế. Trong khi TC cậy lớn
hiếp bé ào xuống Biển Đông, tự vẽ lằn ranh mơ hồ, nhận vơ đến trên 85%
diện tích vùng biển, mà ít ra cho tới năm 1909, các bản đồ cũng như tài
liệu địa dư chính thống của Tàu, không hề có chỗ nào chứng minh rằng
ranh giới phía nam của nước này xuống quá đảo Hải Nam.
Thể hiện bản chất tham lam và hống hách, TC ngang ngược lấn chiếm
Biển Đông, tranh giành với Brunei, Maysia, Indonesia, Philippines, và
Việt Nam, trong ấy Việt Nam là nước quan trọng nhất xét trên nhiều
phương diện. Trước thái độ lấn lướt của TC, buộc Philippines phải kiện
TC ra trước tòa án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế La Haye ở Hòa Lan
(PCA). Sau 3 năm thụ lý, ngày 12/7/2016 tòa này đã đưa ra một phán quyết
chung cuộc có tính ràng buộc dựa trên luật biển 1982 (UNCLOS).
Philippines đã thắng gần như toàn bộ 15 điểm trong đơn kiện mà nước này
nêu ra.
Trung Cộng cũng như Đài Loan tuyên bố không thừa nhận phán quyết của
tòa. Riêng TC còn công bố Sách Trắng huênh hoang về các công trình đã
làm thay đổi nguyên trạng trên các bãi đá ở Trường Sa, biến nơi đây
thành căn cứ quân sự để phục vụ cho ý đồ bành trướng cố hữu của mình.
Sự kiện TC phủ nhận tư cách của Tòa Trọng Tài Thường Trực, và không
chấp nhận phán quyết của tòa này là TC đã chống lại Công Ước Liên Hiệp
Quốc về Luật Biển 1982, là coi thường luật pháp quốc tế, đi ngược với xu
thế toàn cầu hóa chia sẻ các sáng kiến, các nguồn lực và tài nguyên để
sống chung hòa bình.
Trở về với phán quyết của tòa PCA và bối cảnh của Việt Nam, hầu hết
các chuyên gia, các nhân sĩ trí thức, những người yêu chuộng hòa bình
công lý, tôn trọng luật pháp, và nhất là đại đa số người dân Việt Nam
thấy rằng đây là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam phải có ngay động thái
thích hợp, đúng thời, đúng lúc để dành lại chủ quyền biển đảo của nước
nhà, dựa trên công pháp quốc tế, được sự hưởng ứng của những quốc gia
tôn trọng trật tự thế giới chung. Động thái thích hợp ấy là thực thi chủ
quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa mà Trung Cộng đã dùng vũ lực đánh
chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa ngày 19 tháng Giêng năm 1974, cũng như
đảo Gạc Ma và những bãi đá khác ở Trương Sa TC đã đánh chiếm năm 1988.
Thực thi đặc quyền kinh tế 200 hải lý để ngư dân VN được tự do đánh cá
trong vùng biển nước nhà, thăm dò và khai thác dầu khí trong những khu
vực thuộc chủ quyền hợp pháp theo luật biển, cấm tàu bè TC xâm phạm lãnh
hải của VN.
Điều quan trọng là phải thực thi chủ quyền lập tức, ngay lúc này,
không để cho TC lập vùng nhận dạng phòng không, hay có thêm động thái
mới nào; ngay cả khi TC tỏ thái độ mềm mỏng muốn thương lượng song
phương hay đa phương, cũng đừng vội xem đó là thắng lợi trên mặt ngoại
giao. TC chẳng bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông; nhưng ngay
lúc này thế giới xem TC là quốc gia bất tuân luật pháp quốc tế, nếu TC
có thêm những phản ứng gây bất ổn sẽ bị dư luận thế giới khinh chê, thì
họ lại càng bị cô lập thêm.
Dĩ nhiên khi VN thực thi chủ quyền như thế thì TC sẽ cấm cản, sẽ dùng
sức mạnh để chận đứng, đó là điều sẽ xảy ra, và đó cũng là lý do cụ thể
để đưa sự vụ ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế.
Một khi khởi kiện TC với những chứng cớ cụ thể nước này đã vi phạm
chủ quyền lãnh hải của VN bằng đường 9 đoạn lấn chiếm cả thềm lục địa và
vùng đặc quyền kinh tế của VN, lại ngăn cấm ngư dân VN hành nghề, ngăn
cản VN khai thác dầu khí, tự ý đưa dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế
của VN...v.v ....kèm theo những chứng cơ vi phạm ấy bằng vô số các tài
liệu vững chắc chứng minh VN đã thực thi chủ quyền trên quân đảo Hoàng
Sa và Trường Sa từ mấy thế kỷ qua, chắc chắn phần thắng sẽ về phía Việt
Nam, cho dù TC có phủ nhận, có bác bỏ, thì VN vẫn được quốc tế và thế
giới văn minh hỗ trợ.
Nhưng, chữ nhưng mà chính người dân Việt Nam đang đặt ra là nhà cầm
quyền CSVN hiện nay có muốn làm theo ý dân hay không thôi. Người dân
hoài nghi thiện chí của đảng CSVN không thực tâm vì dân vì nước, mà chỉ
vì quyền lợi của đảng. Bởi lẽ đảng CSVN hoàn toàn lệ thuộc và bị chi
phối bởi Trung Cộng, điều này đã được chứng minh bằng cả lịch sử đau
thương của của dân tộc từ hơn 80 năm qua, đến nay thì chính đảng CSVN đã
và đang tạo điều kiện cho TC thôn tính VN. Cứ nhìn vào những gì TC có
trên lãnh thổ VN hôm này, và những vụ đàn áp người dân khi nói đụng đến
TC thì đủ rõ.
Nếu Việt Nam để lỡ mất cơ hội quí báu này, thì chẳng những chúng ta
sẽ vĩnh viễn mất hết biến đảo, mà cả đất nước và dân tộc này sẽ rơi vào
vòng thống trị của kẻ thù Trung Cộng.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ
No comments:
Post a Comment