Thứ Ba, 12.07.2016
Nhân quyền, thể hiện qua quyền tự do lập hội của mọi công dân Việt Nam, sẽ góp phần lớn lao vào sách lược chống tham nhũng tại Việt Nam. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Chí Dũng với tựa đề: "Hãy cài nhân quyền vào 22 tỷ USD vốn ODA chưa giải ngân cho Việt Nam!" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tháng Năm 2016 - trùng với một thông tin trên mặt vài tờ báo nhà nước
về "Chính phủ Mỹ nợ Việt Nam 12 tỷ USD" và chuyến "vay tiền giảm nghèo"
ở Nhật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một báo cáo của Cục Quản lý nợ
và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho biết nhà nước vẫn còn một
nguồn ngoại tệ cực kỳ dồi dào. Đó là số vốn ODA mà các nhà tài trợ quốc
tế đã cam kết (hoặc chưa giải ngân) với Việt Nam lên đến 22 tỉ USD!
Trong bối cảnh nợ đến hạn phải trả cho nước ngoài - khoảng 20 tỷ USD
cho năm 2015 và cũng có thể chừng đó hoặc hơn trong năm 2016 - là quá
lớn so với nguồn thu ngày càng èo uột của ngân sách và tình trạng ngân
sách sắp rỗng ruột, con số 22 tỷ USD vốn ODA quả là quá hấp dẫn. Nếu
toàn bộ số vốn này được giải ngân ngay lập tức theo phương châm mà phía
Việt Nam ưa dùng là "linh hoạt" hay "đặc cách", có thể tưởng tượng gương
mặt giới quan chức ăn xổi sẽ sáng bừng đến thế nào, bởi món quà từ trên
trời rơi xuống này không những giúp cầm hơi chế độ mà còn tạo "công ăn
việc làm" cho các nhóm lợi ích quen đục khoét vốn ODA.
Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham
nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán
khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức "hợp pháp". Thậm chí tỷ lệ "lại
quả" ODA còn vọt đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường
tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010.
Các nước Tây Âu và Bắc Âu cũng tài trợ cho Chính phủ Việt Nam trong
vài chục năm qua để "cải cách luật pháp" và "chống tham nhũng", nhưng
việc này dường như cũng không mang lại mấy kết quả. ODA vẫn là miếng mồi
béo bở nhất cho có giới chức tham nhũng ở Việt Nam.
Nếu tỷ lệ 40% được "ứng dụng thành công" vào con số 22 tỷ USD vốn ODA
còn lại sẽ được ký kết và giải ngân cho Việt Nam, sẽ có ít nhất hàng
chục tỷ đô la viện trợ tuồn thẳng vào túi giới quan chức - vốn đang quá
lo lắng vì "không biết lấy gì để ăn" trong bối cảnh ngân sách "không
biết lấy gì để tiêu".
Muốn chống được tham nhũng, ít nhất người dân phải được cất tiếng
nói, thay vì bị bóp nghẹt. Không phải ngẫu nhiên mà vào cuối năm 2015,
trong một lần dự hội thảo "Phát triểnViệt Nam" do Thủ tướng Dũng chủ
trì, phía Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) đã trao cho Việt Nam một bản
khuyến nghị 7 điểm, với điểm đầu tiên đặc biệt chưa từng thấy: Việt Nam
cần sớm ban hành luật Lập hội.
Nếu không có nhân quyền, bài học ODA trở thành "giá súng" cho chế độ
độc tài đã từng thấm máu dân chúng ở nhiều quốc gia trên thế giới sẽ lặp
lại ở Việt Nam. Nhiều chế độ và nhà độc tài đã vay mượn từ nước ngoài,
biển thủ vốn vay cho các mục đích cá nhân, và để lại nhiều khoản nợ cho
công chúng mà họ cai trị: chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi vay mượn
ODA suốt thập niên 80 trong khi phần lớn ngân sách được dùng tài trợ
quân đội và cảnh sát để đàn áp những người dân gốc Phi. Giờ đây, người
dân Nam Phi gánh chịu số nợ của những kẻ đã đàn áp họ.
Fernando Marcos của Phillipines khi mất quyền lực năm 1986 cũng để
lại khoản nợ nước ngoài 28 tỉ USD, trong lúc tài sản cá nhân của Marcos
được ước tính lên đến 10 tỉ...
Không nên có thêm "giá súng" ở Việt Nam. Lực lượng công an tại quốc
gia này luôn được dành cho một phần lớn trong cái bánh ODA để nuôi dưỡng
mức sắt máu trong việc đàn áp nhân dân.
9 trong số 15 chiếc ghế bị bỏ trống tại cuộc gặp của Tổng thống Hoa
Kỳ Barack Obama với các đại diện của Xã hội dân sự Việt Nam vào tháng
5/2016 là hình ảnh rõ ràng nhất về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam. Nếu
ngay cả những khách mời của Tổng thống Hoa Kỳ mà còn bị công an Việt
Nam ngăn chặn và câu lưu bất hợp pháp tại nhà riêng và tại đồn cảnh sát,
thì cơ chế đàn áp một cách liên tục và có hệ thống của chính thể Hà Nội
đối với các quyền tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do báo chí, công
đoàn độc lập, tù nhân chính trị là một thực tế hết sức dễ hiểu.
Và nếu ông Obama không phải công du mà đi du lịch Việt Nam, hãy coi
chừng một ngày nào đó chính ông sẽ bị công an đất nước này cấm chỉ không
cho ra khỏi khách sạn.
Đã đến lúc cần suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh về việc đề ra nhân
quyền như một trong những điều kiện tiên quyết vào các chương trình cung
cấp tín dụng, đặc biệt là vốn ODA và đặc biệt là cài nhân quyền vào kế
hoạch cung cấp 22 tỷ USD vốn ODA còn lại cho Việt Nam, dù số tiền này đã
được ký theo từng dự án hay mới chỉ là cam kết theo lộ trình đến năm
2020 và sau năm 2020.
Nghị định quản lý và sử dụng vốn ODA của Việt Nam phải được cải cách
triệt để. Người dân và những tổ chức giám định độc lập ODA của nước
ngoài phải được tham gia trong tiến trình hoạch định và phân phối. Có
thế thì viện trợ ODA mới được sử dụng đúng mục đích, và nhất là không bị
lạm dụng cho mục đích "chi thường xuyên," bao gồm chi cho lực lượng
công an.
Hiệu quả "chống tham nhũng" trong quản lý vốn ODA phải được Chính phủ
Việt Nam và các bộ ngành, địa phương liên quan chứng minh được trước
các nhà tài trợ. Không thể để tái hiện hình ảnh một nhà tài trợ ngoại
quốc rút khăn mù xoa lau hai lần tay mình sau khi bắt tay một quan chức
Việt Nam trong một cuộc hội thảo chống tham nhũng ở Hà Nội.
Nếu từ năm 2014 giới nghị sĩ Hoa Kỳ đã cài quyền tự do tôn giáo vào
TPP thì tại sao Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế
(International Monetary Fund), Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (Asian
Development Bank) và những quốc gia như Nhật Bản lại không gắn những
khoản cho vay tín dụng với Xã hội dân sự, tự do ngôn luận, tự do thông
tin và quyền "dân chủ cơ sở" của người dân để buộc giới quan chức Việt
Nam phải sử dụng đúng đắn khoản tiền đóng thuế của công dân các nước
viện trợ?
No comments:
Post a Comment