Chủ Nhât, 17.07.2016
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Kính thư quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an bộ đội,
Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã
nói: "Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản
làm". Tới nay mặc dù chính thể Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa nhưng
chúng ta phải thừa nhận nền tảng dân chủ của của chính thể Việt Nam Cộng
Hòa cùng câu nói đó của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là bất hủ.
Nhưng rất đáng tiếc đã có rất nhiều người không nghe hoặc đã nghe mà
không tin sự kết luận của Tổng thống Thiệu nên cuối cùng bản thân đã
phải tự trả những cái giá rất đắt.
Trong câu chuyện hôm nay chúng tôi xin chia sẻ với quí vị, quí bạn ba
câu chuyện không may như thế của những Việt Kiều đã tin vào Nghị quyết
36 của Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam để quyết định hồi hương hay quay
về đầu tư tại Việt Nam để rồi tự chứng minh câu nói của cố Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu là đúng.
Trường hợp đầu tiên chúng tôi muốn kể là doanh nhân Việt Kiều Trịnh
Vĩnh Bình. Ông Bình là một người tỵ nạn cộng sản sau 1975 rất thành đạt
tại Hòa Lan. Ông Bình không chỉ trở thành triệu phú, ông còn hội nhập
sâu vào xã hội Hòa Lan, trở thành một đảng viên của Đảng Dân chủ Tự do,
đảng cầm quyền vào cuối những năm 1980 tại Hòa Lan. Ngay đầu những năm
1990 ông Trịnh Vĩnh Bình tin vào chính sách "đổi mới" của đảng cộng sản
Việt Nam và quyết định gom hết vốn liếng tiền vàng trở về nước đầu tư.
Ông Bình đã nhanh chóng thành một doanh nhân Việt Kiều rất thành công
tại Việt Nam thuộc các lãnh vực chế biến hải sản, kinh doanh địa ốc, du
lịch, khách sạn với nhiều cơ ngơi đồ sộ tại Sài Gòn, Vũng Tàu, Cần Thơ.
Nhưng đột nhiên năm 1996 ông Bình bị công an Việt Nam bắt giam với lý do
trốn thuế cùng nhiều tội danh khác. Nhưng nhiều tình tiết sau đó cho
thấy nguyên nhân chính phía sau là giới chức Việt Nam muốn chiếm đoạt
khối tài sản khổng lồ của ông Bình. Tuy nhiên, vụ bắt người để cướp của
này không đơn giản vì chính giới Hòa Lan can thiệp rất mạnh. Nhưng phải
sau gần 10 năm vừa ngồi tù, vừa lẩn trốn, vừa đâm đơn kiện ra tòa quốc
tế với trợ giúp rất cương quyết từ chính quyền Hòa Lan, ông Trịnh Vĩnh
Bình mới bảo toàn được mạng sống thoát khỏi Việt Nam và lấy lại được một
số tài sản.
Trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Gia Thiều. Khi Sài Gòn thất thủ, ông
Thiều mới 11 tuổi đã cùng gia đình thoát khỏi Cộng sản rồi định cư tại
Pháp. Ngay sau khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận Việt Nam vào năm 1995, ông Thiều đã
nhanh chóng trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn theo lời kêu gọi
"Việt Kiều yêu nước hãy về đóng góp với quê hương" của chính quyền cộng
sản. Với đầu óc thông minh và năng động, ông Thiều đã cùng gia đình đầu
tư vào mảng kinh doanh điện thoại di động và nhanh chóng thành công vang
dội. Từ khoảng năm 1995 đến năm 2003 công ty Đông Nam của ông Thiều đã
thống lĩnh thị trường điện thoại di động tại Việt Nam với cách thức kinh
doanh mới hiện đại rất hấp dẫn khách hàng. Công ty của ông Thiều là
công ty phân phối độc quyền đầu tiên các mác điện thoại nổi tiếng như
Motorola và Nokia. Ông Thiều trở thành một doanh nhân Việt Kiều trẻ rất
thành công và rất nổi tiếng vì chinh phục được một mỹ nhân là hoa hậu Hà
Kiều Anh- cô cháu gái của hai cán bộ cộng sản cao cấp, Thứ trưởng Bộ
Lao động và Đại sứ cho cộng sản Việt Nam tại Liên hiệp quốc. Nhưng tháng
08 năm 2003, ông Nguyễn Gia Thiều bị bắt khẩn cấp, công ty bị phong tỏa
với cáo buộc buôn lậu, trốn thuế. Vụ việc pháp lý kéo dài hơn hai năm
với kết quả ông Thiều bị kết án 20 năm tù giam cùng số tiền phạt lên tới
gần 150 tỷ đồng (tương đương khoảng 08 triệu đô-la Mỹ) cho dầu ông
Thiều và luật sư của ông đã chứng minh công ty của ông Thiều không buôn
lậu và chấp nhận bồi hoàn tiền thuế nếu như chưa đóng. Nhưng chỉ ít lâu
sau, công ty FPT của Trương Gia Bình (một doanh nhân thân cận với chính
quyền và là con rể cũ của tướng Giáp) đã nổi lên thành một nhà phân phối
các điện thoại di động rất lớn có phong cách giống như công ty của ông
Nguyễn Gia Thiều đã thực hiện trước đó.
Trường hợp thứ ba là Kỹ sư Nguyễn An Trung, một Việt Kiều Nhật Bổn
từng lấy vợ Nhật và là một thành viên tích cực của BEHEITO - một tổ chức
thân Cộng sản miền Bắc trước năm 1975 tại Nhật Bổn. Khi chính quyền
cộng sản mở ra "đổi mới", Kỹ sư Nguyễn An Trung cũng hăm hở theo tiếng
gọi của Nghị quyết 36 quyết định về Việt Nam sinh sống và đầu tư, kinh
doanh trong lãnh vực xe hơi. Sau 10 năm kinh doanh thành đạt và đóng góp
tích cực để vực dậy nghành giao thông vực vận tải của Việt Nam, đột
nhiên ông Trung bị công an bắt cũng với cáo buộc buôn lậu. Ở trong tù
ông Trung rất hoảng sợ và kêu cứu lên các cấp lãnh đạo cao nhất của cộng
sản, đồng thời nhắn tin cho các thân hữu thuộc hội BEHEITO trợ giúp.
Cuối cùng, sau hơn 10 tháng nằm tù ông Trung mới được tha bổng nhưng
phải chấp nhận mất đứt 118 chiếc xe hơi cho nhà nước.
Thưa quí vị, quí bạn, ba câu chuyện đau xót kể trên chỉ là vài ví dụ
nhỏ trong lãnh vực kinh doanh, thương mại của những Việt Kiều đã quá tin
vào các nghị quyết, văn bản hay lời hứa hẹn ngon ngọt của chính quyền
cộng sản rồi mang vạ vào thân, vừa mất tiền, mất sản nghiệp, mất danh dự
và chút nữa mất cả mạng sống.
Đó là những điều đáng tiếc lẽ ra đã không thể xảy ra nếu những người
đó tin hoặc ghi nhớ lời dặn của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: "Đừng
nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm".
Hải Nguyên và Tiến Văn kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Tiến Văn
17/07/2016
No comments:
Post a Comment