Monday, July 11, 2016

Đất sản xuất không còn, cả đời chỉ biết bám biển, nay chuyển nghề gì?

Thứ Hai, 11.06.2016
Vụ ô nhiễm làm cho dấn mất biển, nhà nước muốn chuyển đổi nghề cho ngư dân, nhưng chính sách này có khả thi không. Mời quí thính giả nghe bài "Đất sản xuất không còn, cả đời chỉ biết bám biển, nay chuyển nghề gì?" Bài viết của Thanh Nga trên trang Bà Sàm ngày 7/7/2016 sau đây:
Vì vụ Formosa xả thải, ngư dân không thể vươn khơi mà có vươn khơi cũng không còn tôm, cá để đánh bắt, họ buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là ở những địa phương không còn một thước đất trống; độ tuổi lao động đều ngoài 35, 40; vốn thuần nghề biển hai ba chục năm nay, không có tay nghề gì... thì dù có lên bờ rồi cũng loay hoay như gà mắc tóc.
3 tháng qua, tôm cá cạn kiệt, ngư dân đánh bắt về không tiêu thụ được kéo theo hệ lụy "đói" ở khắp các địa phương bị ảnh hưởng. Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng ban hành một số chính sách hỗ trợ ngư dân, trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Quyết định số 1822, ngày 1/7/2016 của UBND tỉnh có đoạn ghi: "Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn thực hiện chuyển đổi ngành nghề (từ khai thác đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hậu cần nghề cá, nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm nghề khác) đối với các khoản vay giải ngân phát sinh trong thời gian từ 1/7/2016 đến 31/12/2016, thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Mức vay vốn hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ".
Phải hiểu rằng đây mới chỉ là chính sách tạm thời của tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng qua đó cũng để thấy được vì sao khi tiếp cận chính sách này cả chính quyền cơ sở và người dân đều thở dài mà nói: "Chính sách thiếu khả thi", "không thể thực hiện được".
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên phân tích, toàn xã Cẩm Nhượng có trên 2.700 hộ dân với 9.664 nhân khẩu; trong đó số khẩu đi biển chiếm tới hơn 4.000 người. Hầu hết tàu thuyền có quy mô nhỏ, đánh bắt vùng lộng.
Ngoài lực lượng trực tiếp đi biển, số nhân khẩu còn lại cũng dựa vào dịch vụ chế biến; khai thác du lịch biển để mưu sinh. Như vậy, đại bộ phận người dân Cẩm Nhượng chỉ biết dựa vào biển để sinh sống, bây giờ kêu họ chuyển đổi nghề nghiệp là một điều quá khó .
Trước tiên nói về độ tuổi lao động, số ngư dân đi biển chủ yếu đều trên 35 – 40, độ tuổi này nếu muốn đi XKLĐ cũng không đất nước nào nhận nữa. Thứ hai, quỹ đất Cẩm Nhượng đến thời điểm này không còn thước nào để phát triển trồng trọt, chăn nuôi hay Nuoi Trong Thuy Sản. Toàn bộ diện tích 278,3ha đều đã sử dụng gần hết, diện tích nào còn dư ra cũng thuộc vùng nghĩa địa, rừng ngập mặn hay đồng muối đã có chủ.
Thứ ba, diện hỗ trợ và định mức hỗ trợ quá hẹp và thấp nên ngư dân không mặn mà. "Bây giờ mức hỗ trợ lãi suất không quá 50 triệu đồng thì làm được cái gì, mà kể cả hỗ trợ luôn số tiền 50 triệu đồng cũng không có đất để chăn nuôi; ra chợ các ki ốt cũng đâu vào đấy cả rồi. Đời sống bà con đang rất khó khăn, nhu cầu tiêu dùng không có thì mở cửa hàng dịch vụ rồi bán cho ai?", ông Hùng lý giải.
Ông Phó Chủ tịch xã tiếp tục với một dẫn chứng khác là kinh doanh dịch vụ du lịch, nếu được hỗ trợ người dân về mua một chiếc xe ô tô phục vụ du khách, tuy nhiên trong thời điểm biển chưa biết bao giờ sạch, không có khách lui tới thì không ai dám liều đầu tư mấy trăm triệu đồng mua chiếc xe về chờ "trả lãi ngân hàng".
Còn các ngành nghề khác như thợ xây, thợ mộc, hàn xì... nếu hộ dân nào có thể làm được họ đã phát triển cả. Bây giờ thợ có tay nghề còn thất nghiệp huống hồ là mấy ông chuyên đánh cá dưới biển giờ lên làm thợ, ai dám tin tưởng mà thuê chứ.
Một bất cập khác trong chính sách của tỉnh nữa là chỉ hộ nghèo, hộ cận nghèo mới được tiếp nhận chính sách này. Tuy nhiên, hộ nghèo, cận nghèo đã từng được hỗ trợ chính sách chuyển đổi nghề rồi nhưng nghề mà họ chuyển đổi cũng gắn liền với... biển. Vậy nên bây giờ chính sách này áp dụng ở Cẩm Nhượng là cực kỳ khó.
"Tôi thấy chỉ còn một kênh khả thi là tạo điều kiện cho con em đang có sức khỏe đi Xuất Khẩu Lao Động. Tuy nhiên, đối tượng có thể đi theo kênh này trên địa bàn không còn nhiều. Chung quy lại chỉ có biển mới giải quyết được hết lao động, mất biển là dân mất hết, đó là chưa kể những hệ lụy về tệ nạn xã hội, an ninh trật tự khi dân thiếu việc làm", ông Hùng nhấn mạnh.
Ngư dân Nguyễn Viết Đinh (55 tuổi) ở thôn Phúc Hải, theo ông cha đi biển từ nhỏ. Gia đình ông hiện sử dụng thuyền công suất 40CV đánh bắt vùng lộng. Dù thuyền nhỏ nhưng cũng giải quyết được việc làm cho 8 lao động nuôi sống vợ con, cháu chắt ở nhà.
Ông Đinh bảo: "Chúng tôi quen "ăn sóng nói gió" từ nhỏ. Bây giờ bảo chúng tôi bỏ biển lên bờ thì làm gì được. Đi XKLĐ đã quá tuổi, làm dịch vụ không bán được hàng mà chăn nuôi lại không có đất. Giờ làm cái chuồng gà cũng cần 10 – 20m2 đất nhưng ở Cẩm Nhượng nhà sát nhà, tường sát tường rồi, mỗi cái đường đi cũng không thể mở rộng được nữa thì chuyển đổi kiểu gì được đây".
Chung quan điểm, ông Võ Quang Hoa (56 tuổi), trưởng thôn Phúc Hải cho rằng: "Những vùng khác đang có rừng, bãi cát, có thể lên rừng trồng cây hoặc phát triển trồng trọt. Chứ Cẩm Nhượng bốn bề san sát nhà cửa, không còn tấc đất, bìa rừng nào trống thì việc chuyển nghề chỉ là ảo tưởng".
Chính sách cần sát thực tế
Ông Nguyễn Văn Hùng cho hay, việc ông mạnh dạn trao đổi về khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp của xã là mong muốn Chính phủ căn cứ vào thực tế từng địa phương cụ thể để xây dựng chính sách. Hơn nữa, nguồn lực trong chính sách cũng phải tương xứng, đáp ứng được mức tối thiểu để người dân có thể tiếp cận, chuyển sang một nghề mới.
Còn ông Nguyễn Viết Đinh, Võ Quang Hoa cho rằng, dù có chuyển nghề gì cũng phải gắn liền với biển, ngư dân vẫn phải bám biển mưu sinh.
"Chúng tôi nghĩ Chính phủ nên xây dựng chính sách cho dân chuyển từ nghề nhỏ sang nghề lớn. Tức là hỗ trợ dân đóng mới, nâng cấp tàu nhỏ lên tàu lớn để đánh bắt xa bờ, như vậy vừa giải quyết được bài toán việc làm vừa bảo vệ được chủ quyền biển đảo"...

No comments:

Post a Comment