Thứ Bảy 09.07.2016
Kính thưa quý thính giả, Lịch sử Việt Nam ghi lại nhiều chiến công hiển hách của các anh hùng đời Trần, trong đó có một vị tướng tài, một nhà ngoại giao giỏi và còn là một nhà thơ. Ông đã đặt vận mệnh của đất nước lên trên mối bất hòa, cùng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn dốc sức đánh đuổi quân Nguyên - Mông và ông được xem là đệ nhất công thần đời Trần. Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Thái sư Trần Quang Khải" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình tối hôm nay.
Nhất đại công danh thiên hạ hữu,
Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô.
Nghĩa là:
Công danh trong thiên hạ thì có người như ông,
Lòng trung hiếu với hai triều đại thì thế gian không có.
Đó là hai câu thơ của vua Trần Thánh Tông tặng Thượng tướng Trần
Quang Khải khi giao soái kỳ thống lãnh binh quyền trước khi ra chiến
trường đánh đuổi quân Nguyên - Mông.
Trần Quang Khải sinh năm 1241, là con trai thứ ba của vua Trần Thái
Tông và Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu. Ông là em ruột của Trần Thánh
Tông hoàng đế.
Trong thời niên thiếu, ông là một học sinh thông minh chăm chỉ, giỏi
cả văn lẫn võ, am hiểu nhiều ngoại ngữ và còn thích thơ văn. Ông là học
trò của Hàn lâm Học sĩ, kiêm Quốc sử Viện giám tu Lê Văn Hưu, một nhà sử
học nổi tiếng đã soạn pho chính sử đầu tiên của dân Việt.
Lịch triều Hiến chương của Phan Huy Chú, phần Nhân vật chí có ghi về
Trần Quang Khải như sau: "Ông nghe rộng, biết nhiều, hiểu các tiếng
người nước Phiên. Mỗi khi sứ sang, ông được chọn vào thù tiếp. Ông rất
chăm học, hay làm thơ".
-Năm 1258, ông lấy Phụng Dương công chúa, con gái của Trần Thủ Độ,
sau khi Trần Thánh Tông lên ngôi, ông được phong tước Chiêu Minh Đại
vương.
-Năm 1261, ông được tham gia việc triều chính khi vừa 20 tuổi.
-Năm 1265, ông được phong chức Thượng tướng, vào trấn thủ Nghệ An.
-Đầu năm 1271, ông làm Thái úy, trở thành đại thần đầu triều, trên cả Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
-Năm 1282, vua Trần Nhân Tông phong ông làm Thái sư, nắm quyền nội
chính. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (năm 1285)
và lần thứ ba (năm 1288), ông là vị tướng lập nhiều đại công trên chiến
trường.
Trong sự nghiệp quân sự, chiến công hào hùng nhất của ông là trận
chiến ở Chương Dương và Thăng Long, đánh tan quân Nguyên, đoạt lại kinh
thành vào cuối tháng 5 năm 1285.
Sử sách ghi nhận Trần Quang Khải là một nhà ngoại giao tài giỏi. Năm
1281, khi nhà Nguyên sai Sài Thung đem 1.000 quân đưa bọn Trần Dĩ Ái về
nước. Khi đến biên giới, quân Nguyên bị quân nhà Trần chận đánh. Trần Dĩ
Ái bỏ chạy. Theo kế hoãn binh, Sài Thung được đưa về Thăng Long để
triều đình nhà Trần có thêm thời gian chuẩn bị đối phó. Lúc đưa Sài
Thung về nước, Trần Quang Khải làm bài thơ đưa tiễn rất thân thiết, đoạn
kết có câu viết:
Vị thẩm hà thời trùng đỗ diện,
Ân cần ác thủ tự huyên lương.
Nghĩa là:
Chưa biết ngày nào cùng gặp mặt,
Để ân cần nắm tay hàn huyên.
Đối với sứ giả hống hách, thái độ của Trần Quang Khải vẫn ung dung
niềm nở, thể hiện một nghệ thuật ngoại giao khôn khéo của ông thời bấy
giờ.
Trong văn học sử Việt Nam, Trần Quang Khải là một nhà thơ có tiếng.
Thơ ông sáng tác có tập Lạc Đạo, nay đã thất truyền, chỉ còn lưu được
một số bài. Sử gia Phan Huy Chú ghi lại: "Là một vị tướng cầm quân xông
pha khắp trận mạc đánh giặc, song thơ ông lại 'thanh thoát, tao nhã',
'sâu xa, lý thú'. Ấy là phong thái của các vua quan nhà Trần và của
người Việt Nam ngàn đời sau".
Thái sư Trần Quang Khải mất ngày 3 tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), hưởng
dương 53 tuổi. Ông được dân chúng quý mến gọi là Quốc Thúc và được
người dân Việt lập đền thờ ở Phương Bông, Nam Định và Hoa Lư, Ninh Bình.
Tên ông được đặt cho nhiều trường học và đường phố tại Việt Nam.
* * *
Một trong những giai thoại được ghi trong sử Việt là khi triều đình
nhà Trần chuẩn bị công cuộc đánh đuổi quân Nguyên lần thứ hai, Hưng đạo
vương Trần Quốc Tuấn được giao ấn Nguyên soái, tổng chỉ huy quân đội Đại
Việt. Để giải hòa sự hiềm khích giữa hai chi trong dòng tộc Trần, và
củng cố sự đoàn kết trong quân, Hưng Đạo Vương đã đến thăm doanh trại
của Thái sư Trần Quang Khải. Khi nghe cận vệ nói rằng Thái sư đang tắm,
đức Hưng Đạo Vương đã tiến vào bên trong và tự tay xối nước, kỳ lưng của
Thái sư Trần Quang Khải.
Sử không nói rõ là sau đó cả hai chi Trần Quang và Trần Quốc có hòa
giải hay không, nhưng sau đó đức Trần Quang Khải luôn đồng thuận các sắp
xếp của Hưng Đạo Vương, dẫn đến các chiến thắng lẫy lừng ở bến Chương
Dương và Thăng Long.
Ngẫm lại giai thoại nói trên, bất cứ người Việt nào còn quan tâm đến
tiến đồ dân tộc, sẽ cảm thấy ngậm ngùi cho đất nước hôm nay. Hơn 800 năm
trước, quân dân Đại Việt đã may mắn có được những vị minh quân và võ
tướng nhà Trần, một lòng quyết tử để bảo vệ giang sơn, đánh bại đạo quân
được xem là hùng mạnh nhất thế giới vào thời đó.
Thế nhưng, bây giờ thì tập đoàn cộng sản VN cũng đồng lòng, nhưng lại
là đồng lòng "rước giặc vào nhà", dâng hiến mảnh giang sơn gấm vóc mà
biết bao tướng sĩ dưới quyền Thái sư Trần Quang Khải và Hưng Đạo Vương
Trần Quốc Tuấn đã hy sinh tính mạng để khẳng định nền tự chủ và độc lập
của Đại Việt.
Đáng phẫn nộ hơn nữa là sau mấy chục năm đày ải các quân dân cán
chính VNCH, với hàng trăm ngàn thương phế binh VNCH đang sống vất vưởng
trên hè phố, bạo quyền Hà Nội lại kêu gọi dân tộc hãy tha thứ cho tập
đoàn Formosa, thủ phạm gây ra thảm họa cá chết tại miền Trung mà phải
mất ít nhất là 50 năm nữa thì may ra vùng biển VN mới có thể hồi phục.
Chính vì thế, tập đoàn cộng sản VN mới đáng bị lịch sử phỉ nhổ gấp
trăm lần tập đoàn gian thần Trần Ích Tắc. Vì Trần Ích Tắc đầu hàng giặc
Nguyên, nhưng chưa kịp dâng hiến tấc đất nào cho giặc thì đã bị đuổi
giết. Ngược lại thì tập đoàn CSVN đã bán toàn bộ Biển Đông cho giặc Tàu,
chỉ với cái giá... 500 triệu Mỹ kim!
No comments:
Post a Comment