Saturday, July 23, 2016

Tin tức ngày thứ Năm, 21.07.2016

QUỐC HỘI VN KHÔNG THẢO LUẬN PHÁN QUYẾT BIỂN ĐÔNG.

Trong khi tình hình Biển Đông đang trở nên căng thẳng sau phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế, tân quốc hội bù nhìn VN lại không đưa đề tài này vào nghị trình thảo luận trong phiên họp đầu tiên. Thay vào đó, một trong những nghị trình quan trọng của phiên họp là tái diễn màn bỏ phiếu chọn lựa các nhân sự lãnh đạo cao cấp nhất trong guồng máy chế độ.
Cần nhắc lại là vào tháng 3 vừa qua, quốc hội cũ đã bấm phiếu thông qua danh sách lãnh đạo do đại hội đảng CSVN chọn lựa vào đầu năm nay. Theo đó thì bộ trưởng công an Trần Đại Quang được trao ghế chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nắm ghế chủ tịch quốc hội và ông Nguyễn Xuân Phúc nắm ghế thủ tướng. Trong một nghi lễ chưa từng có trước đây, cả ba nhân vật này đã trình diễn màn tuyên thệ nhậm chức tại quốc hội. Tuy nhiên theo nghị trình thì màn đề cử và tuyên thệ của các diễn viên này sẽ được trình diễn thêm một lần nữa trong phiên họp đầu tiên của quốc hội mới.
Trong khi đó thì hai vấn đề quan trọng nhất mà dân chúng VN đang quan tâm là thảm họa cá chết mà không biết đến khi nào thì vùng biển miền trung mới trong sạch để hàng triệu gia đình có thể mưu sinh. Vấn đề thứ nhì là lập trường của VN trong bối cảnh Trung Cộng cương quyết không tôn trọng phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế sẽ có nguy cơ dẫn đến các xung đột quân sự tại Biển Đông.

MỘT DÂN OAN THỦ THIÊM TREO CỔ TỰ TỬ VÌ QUÁ UẤT ỨC.

Hơn một tháng qua, lực lượng an ninh vẫn không chịu giao trả thi hài của một dân oan treo cổ tự tử vì quá uất ức sau khi bị nhà cầm quyền Sài Gòn cưỡng chiếm đất đai với giá bồi thường rẻ mạt.
Nạn nhân là anh Nguyễn Hùng Thái ở phường Bình An, quận 2 – Sài Gòn. Vào năm 2011, gia đình anh không nằm trong diện bị trưng thu đất đai trong cái gọi là dự án "khu đô thị mới Thủ Thiêm". Thế nhưng đến năm 2015 thì nhà cầm quyền sửa đổi bản vẽ, gia đình anh Thái và 3 ngàn gia đình khác cũng nằm trong số những người phải giao nạp đất đai với giá bồi thường chỉ 2 triệu đồng một thước vuông, trong khi trên dự án thì sau khi phân lô, nhà cầm quyền sẽ bán ra với giá 200 triệu đồng mỗi thước vuông, tức cao gấp trăm lần giá bồi thường.
Vào sáng ngày 18/6, trong lúc kháng cự lực lượng chiếm đất, anh Thái đã bị hành hung rất dã man. Quá uất ức, anh Nguyễn Hùng Thái trở về nhà và treo cổ tự tử. Điều lạ lùng là lực lượng công an đã cầm giữ thi hài anh Thái suốt một tháng qua, không cho gia đình làm lễ an táng mà không giải thích lý do tại sao.

HIỆN TƯỢNG CÁ CHẾT VẪN TIẾP TỤC DIỄN RA Ở HỒ ĐẠI AN – TỈNH QUẢNG TRỊ.

Gần một tuần trôi qua nhưng hiện tượng cá chết hàng loạt vẫn tiếp tục diễn ra ở hồ Đại An thuộc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, gây hôi thối cả một vùng rộng lớn, đe dọa nặng nề đến sức khỏe của người dân.
Theo ghi nhận của tờ báo Dân Trí thì trong mấy ngày qua, hàng tấn cá chết được vớt lên mang đi chôn nhưng giới hữu trách vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân.
Trong một diễn biến khác thì hai đài phát thanh của huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng, thuộc tỉnh Quảng Trị, đã xảy ra hiện tượng nhiễu sóng phát thanh bằng tiếng Tàu nhiều lần trong hai tháng qua, mỗi lần kéo dài từ 10 đến 20 phút. Thế nhưng phó giám đốc sở thông tin truyền thông tỉnh Quảng Trị khẳng định nguyên nhân là do các máy móc thiết bị của hai đài này quá lạc hậu và do thời tiết biến đổi nên dẫn đến tình trạng bị nhiễu sóng.
Cũng liên quan đến tỉnh Quảng Trị thì công ty đảm trách xây dựng đập thủy điện Khe Giông ở huyện Hướng Hóa vừa gửi văn thư đề nghị nhà cầm quyền VN cho phép lưu lại một số công dân Trung Cộng để tiếp tục làm lậu trong công trường. Theo văn thư thì vì công ty này không hiểu thủ tục bảo lãnh chuyên gia nước ngoài vào VN làm việc nên mới xảy ra tình trạng "làm lậu". Công ty này giải thích là nếu trục xuất những công dân Trung Cộng thì sẽ ảnh hưởng đến việc thi công dự án này.

CÁC DÂN BIỂU ĐÀI LOAN ĐI THĂM ĐẢO BA BÌNH ĐỂ CHỨNG TỎ CHỦ QUYỀN.

Trong khi nhà cầm quyền và quốc hội VN né tránh thảo luận về tình hình Biển Đông thì 8 dân biểu và một số ngư dân Đài Loan đã kéo nhau đến đảo Ba Bình ở Trường Sa, nhằm mục đích phản đối phán quyết của tòa án The Hague và khẳng định chủ quyền của nước Tàu ở Biển Đông.
Cần biết là đảo Ba Bình là hòn đảo lớn nhất Trường Sa, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa dưới thời Pháp thuộc. Người Pháp đã xây dựng một trạm khí tượng, trực thuộc mạng lưới khí tượng quốc tế. Trong đệ nhị thế chiến, quân đội Nhật Bản chiếm đảo này để trú đóng các tàu ngầm. Đến cuối năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giới quân Nhật, quân đội Trung hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch tấn chiếm đảo này và đổi tên thành đảo Thái Bình.
Vào hôm thứ Ba vừa qua, 8 dân biểu thuộc đảng cầm quyền Dân Tiến và Trung Hoa Quốc dân đảng đã xử dụng một phi cơ quân sự để đến đảo Ba Bình. 5 tàu đánh cá Đài Loan cũng giăng cao biểu ngữ "Bảo vệ quyền đánh cá, bảo vệ chủ quyền" cũng trên đường tiến đến đảo này.

No comments:

Post a Comment