Thứ Tư, 13.07.2016
Ngày 12/7/2016 Toà Trọng Tài Thường Trực Quốc tế La Hague vừa đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Cộng về đường lưỡi bò trên Biển Đông, phán quyết rất bất lợi cho Trung Cộng. Người Việt Nam muốn được nghe phản ứng của nhà cầm quyền Hà Nội, nhưng chưa có, mời quí thính giả theo dõi bài bình luận của Đằng Giang, tựa đề: "Việt Nam còn chờ sung rụng đến bao giờ?" khi Toà Án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế La Hague ở Hòa Lan Đã ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Cộng do Song Thập trình bày
Như nhiều người mong đợi, lúc 11 giờ trưa ngày 12/7, Tòa Trọng tài
Thường trực La Hague (PCA) đã đưa ra phán quyết chung cuộc vụ
Philippines kiện Trung Cộng về 'Đường Chín Đoạn', hay còn gọi là 'Đường
Lưỡi Bò' trên Biển Đông. Philippines đã đệ đơn kiện Trung Cộng ngày
22/2/2013, yêu cầu toà xác định yêu sách của Bắc Kinh là vô hiệu và vi
phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Từ 1949 tới nay Trung Cộng đã đưa yêu sách đối với trên 85% vùng biển
rộng lớn, nơi Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng
tuyên bố chủ quyền. Thì hôm nay trong một phán quyết mang tính lịch sử,
trong một tài liệu dày 497 trang, chứa đựng những điểm quan trọng chính
là Tòa bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Cộng trên
Biển Đông. Tòa kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Cộng
đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong 'đường chín đoạn', mà họ
đã tự vẽ ra. Tòa cũng xác định rằng, mặc dù các nhà hàng hải Trung Cộng
và ngư dân của họ, cũng như những người như vậy của các quốc gia khác,
trong lịch sử đã từng sử dụng những hòn đảo này ở Biển Nam Trung Hoa,
nhưng không hề có chứng cứ gì cho rằng Trung Cộng đã thực thi về mặt
lịch sử sự kiểm soát đặc quyền trên toàn vùng nước hay tài nguyên. Vì
thế, Tòa kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để cho Trung Cộng nêu
ra quyền lịch sử với các tài nguyên nằm bên trong vùng biển của Đường
Chín Đoạn kia. Phán quyết cũng nói đến các tàu chấp pháp của Trung Cộng
gây rủi ro đụng chạm với tàu đánh cá Philippines trong vùng biển, và
việc xây dựng của Trung Cộng gây thiệt hại vô kể cho các rạn san hô.
Chúng ta cũng biết rằng mặc dù tòa này không có cơ quan chấp pháp để
buộc mỗi bên phải tuân thủ và thi hành phán quyết của tòa. Nhưng tất cả
các phán quyết của tòa mang tính bắt buộc đối với các bên, nên TC phủ
nhận phán quyết là chống lại luật pháp quốc tế.
Dĩ nhiên Trung cộng đã phản ứng như những gì họ đã nói trước đó là
"phán quyết này vô căn cứ", còn Tân Hoa Xã thì nói phán quyết này "không
có giá trị". Hãng tin nhà nước Trung Cộng thì cho rằng: "Toà trọng tài
không có quyền tài phán, TC không chấp nhận, cũng không công nhận."
Về phía nguyên đơn là Philippines thì trong họp báo ở Manila Ngoại
trưởng Perfecto Yasay nói:"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan
kiềm chế và tỉnh táo. Philippines khẳng định hết sức tôn trọng quyết
định cột mốc này, rằng đây là phán quyết có tính chất nền tảng. Các
chuyên gia của chúng tôi đang nghiên cứu phán quyết này cẩn trọng và
triệt để bởi đó là kết quả quan trọng của tòa trọng tài".
Xa tận phía Bắc, Nhật Bản tuyên bố phán quyết của tòa án La Hague là
mang tính chung cuộc, ràng buộc pháp lý, yêu cầu các bên liên quan tới
vụ kiện thực hiện theo quyết định này. Ngoại trưởng Fumio Kishida nói
trong thông cáo rằng Nhật Bản đã luôn ủng hộ tầm quan trọng của luật
pháp và việc sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay
cưỡng chế trong giải quyết tranh chấp hàng hải.
Quốc gia láng giềng Thái Lan, tuy không có liên quan đến tranh chấp,
cũng thúc giục tất cả các bên liên quan tại Biển Đông duy trì hòa bình
và ổn định. Trong một thông cáo đưa ra trước phán quyết của tòa The
Hague, Bộ Ngoại giao Thái Lan nói điều quan trọng là khôi phục sự tin
tưởng và lòng tin của các nước trong khu vực. Thông cáo nói tình hình
tại Biển Nam Trung hoa (Biển Đông) nên được giải quyết "trên cơ sở tin
tưởng lẫn nhau và lợi ích công bình" theo đó thể hiện mối quan hệ lâu
dài giữa Trung Cộng và khối Asean.
Còn Việt Nam, quốc gia có tranh chấp quan trọng nhất trong khu vục
thì chỉ hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng
ngày 12/7/2016. Rồi lặp lại bản tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại
giao Việt Nam đã gửi Tòa trọng tài. Rồi Việt Nam nói rằng: "sẽ có tuyên
bố về nội dung phán quyết" mà không thể có tuyên bố chính thức ngay hôm
nay. Tại sao lại không thể có bản tuyên bố được ngay hôm nay được? Dù
chưa có bản văn chính thức của toà án, nhưng VN có quan sát viên, có
chuyên viên theo dõi diễn tiến vụ kiện.
Sở dĩ Việt Nam không thể, nói đúng hơn là không dám đưa ra lời tuyên
bố trước khi tham khảo và lãnh ý kiến từ Bắc Kinh để việc chọn lựa ý tứ
chữ nghĩa không làm phật lòng người bạn "4 tốt 16 vàng" đang canh chừng.
Ngoài việc Trung Cộng quân sự hóa Biển Đông, thì, hàng ngày có hàng
vạn tàu cá của ngư dân Trung Cộng ngang nhiên vào sâu trong hải phận
Việt Nam đánh bắt hải sản; còn tàu hải cảnh của TC thì hàng ngày săn
lùng xua đuổi và đâm chìm thuyền của ngư dân Việt Nam.
Thảm họa hủy hoại môi trường biển ở bốn tỉnh Miền Trung do tập đoàn
Formosa mà vỏ Đài Loan, còn ruột Trung Cộng khiến cho hàng triệu ngư dân
Việt Nam không còn ra biển, như thế Việt Nam muốn dành vùng biển truyền
thống của cha ông cho Trung Cộng tha hồ vùng vẫy chăng.
Chúng ta hãy chờ xem đến bao lâu thì nhà cầm quyền CSVN mới đưa ra
được một lời tuyên bố phản ảnh quyền lợi chính đáng và quyết tâm của dân
tộc để được quốc tế hỗ trợ, hay vẫn lặp lại những điệp khúc đã có từ
nhiều năm qua. Đừng nằm chờ sung rụng! Sẽ không còn nữa đâu!
No comments:
Post a Comment