Thứ Năm, 07.07.2016
Khi toàn dân Việt bày tỏ lòng yêu mến và ngưỡng mộ TT Hoa Kỳ Obama, họ đã gián tiếp bày tỏ lòng khát khao mong mỏi tự do và dân chủ tột cùng cho dân tộc Việt Nam. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm thị Hoài với tựa đề: "Ông tây đen đến từ Nhà Trắng" sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Cơn sốt Obama trào lên từ nhiều vùng nhạy cảm trong tâm hồn người dân nước Việt thời hiện tại.
Trước hết, nước Mỹ nói chung đối với họ đáng tôn thờ hơn bất kì một
quốc gia văn minh thịnh vượng nào khác. Nhật đáng kính trọng. Đức đáng
nể. Anh, Úc, Canada đáng sống. Pháp, Ý thì đáng yêu. Các nước Bắc Âu
đáng khâm phục. Hàn quốc cũng đáng học hỏi lắm. Song Mỹ là nhất. Là hình
mẫu tuyệt đối của một thế giới đáng khao khát. Cái gì đến Việt Nam từ
xứ cờ hoa, kể cả cà phê loãng, cũng mang thông điệp: Tôi chính là thứ
bạn đang ao ước. Nho Mỹ ngọt hơn, kem Mỹ ngon hơn, sữa Mỹ bổ hơn, dao Mỹ
sắc hơn, pin Mỹ bền hơn, học bổng Mỹ oai hơn, tiêu chuẩn Mỹ chuẩn hơn,
tàu chiến Mỹ khủng hơn, dân biểu Mỹ danh giá hơn, thậm chí Việt kiều Mỹ
nghe cũng hoành tráng hơn Việt kiều lung tung những nơi khác. Giấc mơ Mỹ
chẳng những không đè nát cuộc đời Việt mà ngược lại, nó làm tổ trong
lòng người Việt mọi tầng lớp, từ thượng tầng tinh hoa đến dân ngu khu
đen, từ trí thức đến doanh nhân, từ đứa trẻ đến người già, từ cựu binh
đánh Mỹ năm xưa đến cán bộ tuyên giáo vẫn chửi Mỹ năm này. Tổng thống
Hoa Kỳ, ai không quan trọng, Obama hôm nay hay rất có thể Trump sắp tới,
một anti-Obama, là đại diện cao nhất của chân trời mơ ước đó.
Thứ hai, cũng không liên quan tới cá nhân Obama, sự trở lại của người
Mỹ lần này có cùng một động cơ như sự can dự của họ ở Việt Nam giữa thế
kỉ trước: Trung Quốc. Lần trước, vì một nước Trung Hoa đỏ. Lần này, vì
một nước Trung Hoa siêu cường. Bún chả Việt Nam tất nhiên ngon và hội
chứng cuồng Obama ở Việt Nam chỉ thua ở quê cha đất tổ Kenya của chàng,
song người Mỹ không đến thăm người Việt chỉ vì người Việt. Nụ hôn Hà
Nội-Washington đậm vị Bắc Kinh. Một kẻ thứ ba mà ai cũng biết nhưng
không được phép gọi tên luôn len vào vòng tay lớn Việt-Mỹ. Hai chữ
"Trung Quốc" không một lần được nhắc trong bài diễn văn gần như đã thành
huyền thoại của Obama tại Hà Nội, nhưng càng tránh điểm danh thì cái
thế lực hắc ám kia càng lù lù ra đó. Nó hiện ra trong vẻ mặt cứng đờ của
vị nguyên thủ nước chủ nhà. Trong lời trần tình hoa mỹ về việc gỡ bỏ
hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí. Trong trích dẫn thơ "Nam quốc sơn hà".
Trong lời nhắn nhủ đầy ngụ ý và được cử tọa nồng nhiệt tán thưởng về
nước lớn đừng ức hiếp nước nhỏ. Và trong ngưỡng vọng cháy bỏng của người
Việt về một đồng minh hùng mạnh. Hơn cả đồng minh. Một người bảo trợ vĩ
đại. Câu thơ nổi tiếng của Việt Phương nay có thể viết lại: trăng nước
Mỹ tròn hơn trăng Trung Quốc. Tất cả những oán hờn ngàn năm và sự tổn
thương của một dân tộc đầy kiêu hãnh về thành tích giữ nước trộn thành
kỳ vọng khổng lồ gửi gắm vào nước Mỹ, dù Hoa Kỳ có thể quyết chống Hán
đến người Việt cuối cùng, như đã từng ngược lại trong quá khứ. Song
những bài học của lịch sử ít khi có giá trị. Obamamania những ngày này
có phần là một phái sinh của sinophobia. Chỉ hình dung cho sắp tới đã
phát kinh: ngay bây giờ rất nhiều người Việt đã mê Trump, vì ông này
thường to mồm chửi Trung Quốc hãm hiếp Hoa Kỳ trong thương mại. "Cô gái
đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp" của Nguyễn Huy Thiệp
gửi lời chào đồng cảm sâu sắc.
Thứ ba, vẫn không liên quan tới cá nhân Obama, là câu chuyện thần
tượng. Không phải chỉ người Việt khát thần tượng, song những cơn say
thần tượng của họ, dù đó có thể là một vụ lên đồng tập thể u mê nhất,
luôn mang một tinh thần phá rào. Như một tuyên chiến tự phát và vô thức
trước những thần tượng theo chỉ đạo. Những tấm gương anh hùng bịa dở.
Những công thức người tốt việc tốt của loa phường. Những huyền thoại xa
vời của một lịch sử chết ngạt trong giáo trình. Những lí tưởng trơ khung
rỗng. Những vĩ nhân là tất cả, chỉ trừ là con người biết khóc cười như
đồng loại. Và trên tất cả là bổn phận mãi mãi tôn thờ một cái xác lãnh
tụ ướp trong lăng. Minh tinh Hollywood và sao Hàn, tỉ phú Thung lũng
Silicon và Huy chương Fields cho nhà toán học gốc Việt, đại tướng thất
sủng và súng hoa cải của anh em nhà đầm tôm, váy Lý Nhã Kỳ và eo Ngọc
Trinh, cổ thụ Hà Nội và cá Vũng Áng, chú chim vẫy cánh của Nguyễn Hà
Đông và hành trình thế giới của Huyền Chip, thậm chí cả siêu phẩm Bphone
nổ thật to để im re thật lớn..., thị trường thần tượng của Việt Nam sốt
ngoài định hướng xã hội chủ nghĩa. Một góc nhỏ của một nhân vật như
Obama cũng đủ để chinh phục thị trường ấy.
Và vị Tổng thống Hoa Kỳ sắp từ nhiệm đem tới Việt Nam không chỉ một
góc, mà toàn bộ vốn tiết mục nghệ thuật chính khách đã điêu luyện qua
một thập kỉ trình diễn trước những cử tọa khó tính hơn rất nhiều.
Bài diễn văn của Obama ở Hà Nội có đủ tất cả những thủ pháp hùng biện
và các phụ gia đặc trưng của vị Tổng thống ưa trình bày một hỗn hợp
hoàn hảo của chính luận quốc gia và tâm sự riêng tư, của chiều sâu văn
hóa hàn lâm và những trường đoạn đủ nông của văn hóa đại chúng, của vuốt
ve đối tượng trước và sau khi cảnh tỉnh vừa khít liều lượng, của những
cú pha trò và những chủ đề nghiêm túc, và của những diễn ngôn làm nên
thương hiệu Obama: Hope, Change, Yes We Can.
Theo khẩu vị của tôi, những bài diễn văn ấy hơi quá vừa miệng, hơi
quá chiều lỗ tai, hơi quá tính toán giới hạn mạo hiểm, hơi quá ý thức về
sứ mệnh là một diễn văn lịch sử trong một bước ngoặt lịch sử. Và hơi
quá văn nghệ. Nếu là một nhà độc tài, tôi sẽ cấm đem Kiều ra đưa đẩy
chính trị, nhất là Kiều trong bản dịch tiếng nước ngoài. Ngoại giao
Truyện Kiều, tôi thấy lố bịch và tội nghiệp cho cụ Nguyễn Du chánh sứ.
Song so với những bài diễn văn "toàn Đảng toàn dân toàn quân quyết tâm"
của chủ nhà thì ở đất nước da vàng cờ đỏ này, ông Tây đen đến từ Nhà
Trắng đã truyền một cảm hứng chưa từng thấy.
Còn lại gì từ cảm hứng ấy? Tôi tin rằng chính quyền Việt Nam thừa
kinh nghiệm để cho phép truyền thông nhà nước ngập lụt những hình ảnh
bày tỏ sự nồng nhiệt của người Việt với Obama. Rốt cuộc thì mười sáu năm
trước, cơn sốt Bill Clinton, cũng một vị Tổng thống Hoa Kỳ hiện đại trẻ
trung hấp dẫn, có thể là một cú hích về nhiều phương diện, song không
hề chạm khẽ vào cái chính quyền lạc hậu già nua nhàm chán đó. Thực ra
tôi thấy sự tẻ nhạt của giới lãnh đạo Việt Nam là một may mắn. Nếu một
chính thể cực quyền lại biết mê hoặc lòng người thì thật vô vọng.
Phạm Thị Hoài
No comments:
Post a Comment