Monday, July 25, 2016

VAI TRÒ TRUYỀN THÔNG VIỆT NGỮ TẠI HẢI NGOẠI

Thứ Hai 25.07.2016  
Truyền thông và báo chí tư nhân tại các nước dân chủ được tự do và tôn trọng như đệ tứ quyền và là một yếu tố không thể thiếu trong xã hội dân sự. Trong khi đó, truyền thông và báo chí tư nhân hoàn toàn bị cấm đoán tại Việt Nam. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Quốc Sĩ với tựa đề: "Vai trò truyền thông Việt Ngữ tại Hải Ngoại" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Truyền thông là hoạt động chuyển đạt tin tức và cảm nghĩ giữa người và người, nhằm giúp con người nhận thức về những diễn biến trong vũ trụ nhiên giới cũng như nhân giới, hầu thích ứng với hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân hay tập thể.
Hiểu như thế, truyền thông là một hoạt động tự do, không bị bó buộc, hay bị áp lực khống chế, nhằm mục đích chuyển đạt sự thật, không ngụy tạo bóp méo. Mục đích của truyền thông là giúp con người nhận thức chính xác về những diễn biến chung quanh, không bị đánh lừa hay phỉnh gạt.
Nhìn về Việt Nam, chúng ta phải đối diện với một hiện thực thật đáng buồn. Có thể nói tại Việt Nam, không có truyền thông đúng nghĩa, mà chỉ có truyền thông ngụy tạo, truyền thông một chiều, đồng nghĩa với tuyên truyền, được coi như vũ khí lừa đảo và trấn áp của cộng sản, như lời Mao Trạch Đông: "Một đài phát thanh có sức mạnh hơn cả chục sư đoàn".
Thật vậy, cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng khi còn tại chức, đã khẳng định là Việt Nam không thể chấp nhận sự hiện hữu của các cơ quan truyền thanh truyền hình hay báo chí tư nhân. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng xác nhận trong buổi lể trao giải Công Dân Mạng tại Pháp: "Ở nước tôi, không hề có báo tư nhân, chỉ có cơ quan nhà nước hoặc của đảng cầm quyền mới được ra báo, lập đài phát thanh, truyền hình".
Tuy hiện nay, người ta thấy xuất hiện trong nước một số tờ báo chui, một số trang mạng tư nhân như những tiếng nói thách đố, dám đi theo "lề trái", nhưng hầu hết các cơ quan truyền thông đều do nhà nước quản lý, và bắt buộc bước theo "lề phải", chỉ được quyền phổ biến những gì nhà nước cộng sản cho phép. Chỉ cần trệch đi một chút là phải vào tù như trường hợp Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải báo Thanh Niên và báo Tuổi trẻ đã dám đụng tới cái túi tham nhũng khổng lồ của Nguyễn Tấn Dũng, hay bị mất việc như Nguyễn Đắc Kiên đã dám gãi ngứa nhà lãnh đạo chóp bu Nguyễn Phú Trọng.
Đó là chưa nói tới chủ trương bắt bớ, bỏ tù và hành hạ dã man những người dám nói lên tiếng nói của sự thật và công lý, tiêu biểu như BS Phạm Hồng Sơn, LS Lê Quốc Quân, Bà Tạ Phong Tần, bà Bùi Thị Minh Hằng, và sinh viên Phương Uyên.
Tại hải ngoại, sống trong xã hội tự do dân chủ, người Việt khắp nơi đã chú trọng rất nhiều đến mặt trận truyền thông. Phải nói là truyền thông Việt ngữ của người Việt xa xứ đã nở rộ khắp nơi như thể "trăm hoa đua nở" tại những quốc gia có đông người Việt sinh sống. Báo chí thì có cả hàng trăm tờ báo, nhật báo, bán tuần báo, tuần báo, nguyệt san cũng như đặc san. Đài phát thanh thì phải nói là không đếm xuể. Riêng truyền hình cũng đã đạt đến mức không ngờ về phẩm cũng như về lượng. Những phóng sự cộng đồng, những bài tham luận chính trị, văn hóa cũng như những bản tin thời sự đã đưa người Việt khắp nơi đến gần với nhau và cùng hướng lòng về quê cha đất tổ đang bị đọa đày trong "đồng lầy" cộng sản của Nguyễn Chí Thiện hay trong "Thiên Đường Mù" của Dương Thu Hương. Đó là chưa nói tới sự phát triển vượt mức của các hình thức truyền thông hiện đại như Iphone, Ipad, Email, Facebook, Web và blog đã thu ngắn khoảng cách không gian và thời gian giữa người Việt hải ngoại với nhau và với cả người Việt trong nước.
Điều đáng phấn khởi nhất là từ hải ngoại, chúng ta đã có những đài phát thanh đem tiếng nói đấu tranh về quê hương qua các làn sóng trung bình, như đài Á Châu Tự Do do người Việt vận động và đài Đáp Lời Sông Núi do người Việt thành lập. Mỗi ngày tiếng nói đấu tranh vang vọng đang hâm nóng tinh thần bất khuất của dân Việt trong công cuộc đấu tranh giải thể chế độ cộng sản, thiết lập một thể chế thực sự dân chủ tự do và tiến bộ.
Nhưng cũng phải nhìn nhận là trong hoàn cảnh trăm hoa đua nở, truyền thông hải ngoại đã không tránh khỏi những hiện tượng tiêu cực, như bị cộng sản xâm nhập hay mua chuộc, bị thương mại hóa hay bị cuốn vào những luồng gió thiếu lành mạnh.
Thứ nhất là bị cộng sản xâm nhập và mua chuộc, một số cơ quan truyền thông đã trở thành công cụ tuyên truyền của Hà Nội tại hải ngoại. Nghị Quyết 36 với những thủ đoạn thâm độc đã làm cho một số cơ quan truyền thông có truyền thống chống cộng biến chất, trở thành cái mà Nguyễn Chí Thiện đã gọi là "thây ma truyền thông", nối dài cánh tay tuyên truyền của cộng sản Việt Nam ra hải ngoại, gây chia rẽ trong cộng đồng, đánh phá các tổ chức đấu tranh hay triệt hạ những khuôn mặt chống cộng có uy tín.
Thứ đến là bị thương mại hóa, một số cơ quan truyền thông đã quên mất thiên chức truyền thông và vai trò một ngôn sứ rao truyền sự thật và công lý, trở thành những bảng quảng cáo hấp dẫn với mục đích thu thật nhiều tiền, kể cả những quảng cáo có lợi cho cộng sản Việt Nam.
Trước tình trạng tổ quốc lâm nguy, trong khi truyền thông trong nước không có điều kiện thuận lợi để cất cao tiếng nói đấu tranh, thì truyền thông hải ngoại phải ý thức sứ mệnh cứu nước cứu dân của người Việt lưu vong.
Ngoài ra, truyền thông hải ngoại còn cần yểm trợ tinh thần và vận động yểm trợ vật chất cho các nhà đấu tranh dân chủ đang trực diện với hiểm nguy và cực hình trong nước, để họ có điều kiện sống và tiếp tục thể hiện ý chí đấu tranh.
Tóm lại, truyền thông là vũ khí hữu hiệu vạn năng trong công cuộc vận động dân chủ hôm nay. Truyền thông đã là đòn bẫy của cuộc "cách mạng nhung" tại Đông Âu, của cuộc "cách mạng hoa lài" tại Trung Đông, của cuộc "cách mạng dù" tại Hồng Kông, và cuộc "cách mạng nâu" tại Miến Điện. Tại sao truyền thông Việt ngữ hải ngoại lại không kết hợp với truyền thông dân chủ trong nước để thổi lên cơn bảo lửa "cách mạng hoa tầm xuân" của dân Việt tại Việt Nam?
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment