Friday, April 3, 2020

Trần Thị Xuân

Chân Dung Người Tù Lương Tâm

Liên tục chương trình, mời quý thính  giả theo dõi Chân Dung Người Tù Lương Tâm Trần Thị Xuân, do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.
Chị Trần Thị Xuân sinh năm 1976 tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Chị Xuân được nhiều người trong Giáo hạt biết đến không phải vì các hoạt động cho nhân quyền, dân chủ mà do các công tác từ thiện, bác ái chị làm nhiều năm nay để giúp đỡ những người nghèo khó. Sau khi chị bị bắt và bị kết án 9 năm tù giam, công luận mới biết về một Trần Thị Xuân dấn thân thầm lặng và bắt đầu tìm hiểu về bước đường tranh đấu của chị.
Nhắc đến Trần Thị Xuân, nhiều người ấn tượng về một người phụ nữ trung niên hiền lành, chất phác và nhân hậu. Một trong những công việc chị thường làm là đi nhặt ve chai, gom vào bán lấy tiền giúp cho người neo đơn, tàn tật. Sự kiện công ty Formosa thải độc ra vùng biển Miền Trung tháng 4 năm 2016, gây ra tình trạng cá chết hàng loạt và hủy hoại môi trường một cách nghiêm trọng đã thúc đẩy Trần Thị Xuân dứt khoát hơn trong việc thể hiện thái độ và hành động chính trị của mình. Chị Xuân trở thành một trong những nhà bảo vệ môi trường, chống lại Formosa và thế lực sân sau của tập đoàn này một cách mạnh mẽ, không khoan nhượng. Chị Trần Thị Xuân còn tham gia vào Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự độc lập do Luật sư Nguyễn Văn Đài và một số thành viên khác sáng lập năm 2014. Chị Xuân bị bắt ngày 17/10/2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, đúng thời điểm Hội AEDC bị khủng bố nặng nề nhất với nhiều thành viên bị bắt, bị cầm tù bằng các bản án khắc nghiệt.
Ngày 12/4/2018, chị Trần Thị Xuân bị tòa án Hà Tĩnh đem ra xử kín và tuyên án 9 năm tù giam, 5 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS năm 1999. Gia đình chị Xuân không được thông báo về phiên tòa mà chỉ được biết về bản án sau khi phiên toà đã kết thúc. Tại tòa, chị Xuân cũng  không có luật sư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chị với tư cách là “bị cáo”. 
Vụ bắt bớ, giam cầm và kết án chị Trần Thị Xuân là một sự vi phạm trắng trợn không những về lãnh vực nhân quyền mà còn chà đạp lên luật pháp do chính nhà cầm quyền cộn sản Việt Nam ban hành. Ngày 20/5/2018, một  “Bản Lên tiếng, Kiến nghị và Khiếu nại về những vi phạm luật pháp của TAND tỉnh Hà Tĩnh trong vụ án Trần Thị Xuân” đã được gửi đến Chánh án TAND Tối cao, thủ tướng, chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và các cơ quan liên quan. Bản Kiến Nghị có chữ ký của 15 Linh mục đại diện cho tiếng nói của toàn thể Linh mục và 44.000 giáo dân thuộc Giáo hạt Văn Hạnh. Bản Kiến Nghị nêu rõ những sai phạm nghiêm trọng của các cơ quan Tố tụng trong vụ án Trần Thị Xuân đồng thời yêu cầu các cơ quan này trả lại công bằng cho chị.  
Ngày 22/5/2018, Tổ chức Quỹ Nhân quyền (HRF) đã đệ đơn lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc Điều tra về Bắt giữ Tùy Tiện (UNWGAD), yêu cầu Ủy ban này điều tra về vụ bắt giữ Trần Thị Xuân. HRF là một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái, chuyên quảng bá và bảo vệ quyền con người trên toàn cầu, đặc biệt tập trung giúp những nhà bất đồng bị đàn áp trong các xã hội khép kín. Đại diện HRF nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi kêu gọi UNWGAD hãy lên tiếng rằng bằng dộng thái tùy tiện cầm giữ chị Trần Thị Xuân, Việt Nam đã không thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình theo Điều 18 và 20 của Tuyên ngôn Nhân quyền, và các Điều 19 và 22 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.”
Chị Xuân hiện đang bị giam cầm trong nhà tù Trại giam số 5- Thanh Hóa, nơi từng giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền như Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Trần Khải Thanh Thủy, Trần Ngọc Anh, Hồ Thị Bích Khương, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Võ Thị Thu Thủy, Tạ Phong Tần, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…
Kể từ khi chuyển đến nhà tù này, sức khoẻ của tù nhân lương tâm Trần Thị Xuân suy giảm nghiêm trọng. Trong một chuyến thăm gặp ngày 18/11/2018, ông Trần Tiến- anh trai chị Xuân cho hay chị bị bệnh tim mạch và huyết áp cao, từng bị ngất xỉu ba, bốn lần.  Tin từ gia đình cũng nói rằng chị Xuân bị phù nề do bệnh suy thận. 
Nhiều người lo lắng cho sức khỏe của Trần Thị Xuân vì con đường tù đày của chị còn dài và nhiều thử thách, hiểm nguy. Là một người Công giáo, chắc hẳn chị Xuân luôn cảm thấy tự hào, bình an vì “ ai chịu khốn khổ vì đạo Chúa, đó là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của họ”
Thúc Lân

No comments:

Post a Comment